Theo Financial Times, 3 giám đốc điều hành cấp cao của Google đang vận động các quan chức Mỹ miễn trừ lệnh cấm xuất khẩu đổi với Huawei nếu không được Washington chấp thuận.
Chính quyền Trump đã ban bố lệnh cấm sau khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ bể, gây ra làn sóng phản đối trong giới công nghệ Mỹ. Các công ty lớn của Mỹ lo ngại lệnh cấm có thể gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh, trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày một leo thang.
Phía Google lập luận rằng phiên bản Android tùy chỉnh của Huawei sẽ dễ bị tin tặc tấn công hơn. Công ty đặc biệt lo ngại rằng công ty sẽ không được phép tiếp tục cập nhật hệ điều hành Android trên smartphone Huawei sẽ trở thành động lực để công ty Trung Quốc tạo ra hệ điều hành riêng.
Trước đó, Giám đốc điều hành mảng điện tử tiêu dùng Huawei, ông Richard Yu đã xác nhận công ty đang tự phát triển phiên bản phần mềm dành cho thiết bị di động. Gần đây, trang công nghệ Trung Quốc Gizmochina tiết lộ 2 mẫu flagship Huawei ra mắt vào tháng 9 là: Mate 30 và Mate 30 Pro sẽ được cài đặt sẵn hệ điều hành mới, “Hong Meng OS”.
Nguồn tin của Financial Times cho hay: “Google đã lập luận rằng việc ngăn chặn công ty giao dịch với Huawei khiến Mỹ đối mặt với rủi ro tồn tại trên 2 loại hệ điều hành Android: phiên bản Android gốc [từ Google] và phiên bản Android lai. Trong đó, phiên bản lai sẽ nhiều lỗi hơn và có khả năng khiến điện thoại Huawei trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc”.
Trong nhiều năm, Washington đã cảnh báo về nguy cơ Bắc Kinh sử dụng thiết bị viễn thông Huawei cho các hoạt động gián điệp. Ngay trong tháng 5, chính quyền Trump đã đưa ra hàng loạt đòn trừng phạt nhằm vào công ty có trụ sở tại Thâm Quyền; bao gồm quyết định ủy quyền cho Bộ Thương mại cấm Huawei kinh doạnh thiết bị 5G tại Mỹ, đồng thời ngăn chặn giao dịch của các công ty công nghệ Mỹ với Huawei.
Sau khi lệnh cấm có hiệu lực, Google đã đình chỉ toàn bộ hoạt động hợp tác với Huawei, tuyên bố ngừng cung cấp các bản cập nhật quan trọng cho smartphone Huawei.
Tuy nhiên, Washington sau đó đã có động thái nới lỏng lệnh cấm tạm thời trong 90 ngày, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới hoạt động của nhà mạng và người tiêu dùng Mỹ.
Nguồn tin Financal Times cho biết các giám đốc điều hành cấp cao Google đã nỗ lực tiếp cận Bộ Thương mại trong vài tuần qua, để đề xuất chính sách thu hẹp lệnh hoặc miễn trừ hoàn toàn lệnh cấm.
Nhiều chuyên gia nhận định các nhóm đại diện cho các nhà cung cấp linh kiện bán dẫn Mỹ như Qualcomm cũng đã tham vấn cho Bộ Thương mại về những tác động tiêu cực mà lệnh cấm gây ra.
“Đối với chính phủ Mỹ, các cuộc thảo luận như thế này không hề mới và không ảnh hưởng tới hoạt động thực thi pháp luật”, nguồn tin của Financial Times nói. “Ưu tiên cao nhất của Bộ và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vẫn là bảo vệ an ninh quốc gia”.
Trả lời phỏng vấn trên Financial Times, phát ngôn viên của Google nói: “Giống như bất kỳ công ty Mỹ nào, chúng tôi đã tham vấn cho Bộ Thương mại để đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định và giấy phép tạm thời. Trọng tâm của chúng tôi là bảo vệ an toàn cho người dùng hệ điều hành Google trên hàng triệu thiết bị cầm tay Huawei hiện có tại Mỹ và trên thế giới”.
Theo Financial Times