Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Thị trường bắt đầu xuất hiện những phiên điều chỉnh và dựa vào phân tích kỹ thuật, nhiều ý kiến chung quan điểm, VN-Index có thể sẽ tiếp tục lùi sâu. Quan điểm của ông/bà?
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt
Tôi cho rằng, hai chỉ số có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục trong các phiên giao dịch đầu tuần tới. Đồng thời, tôi đánh giá, dòng tiền sẽ chưa rút khỏi thị trường, mà có sự dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, các tín hiệu đảo chiều giảm vẫn chưa hình thành, nghĩa là rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp.
Hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi vẫn duy trì mức TĂNG xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 618,34 của chỉ số VN-Index và 83,22 của chỉ số HNX-Index. Do đó, tôi khuyến nghị các nhà đầu tư không nên bán tháo ở các nhịp điều chỉnh.
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Đầu tư, CTCK MBS
Ngưỡng 630 - 640 là một ngưỡng cản rất mạnh mà 7 năm qua thị trường chưa thể bứt qua được, nên việc VN-Index chạm ngưỡng đó vào 10/6 vừa qua rồi điều chỉnh giảm trở lại là hiện tượng hết sức bình thường và phiên cuối tuần qua đã thủng 620.
Đối với nhiều nhà đầu tư, thì ngưỡng 620 là ngưỡng tâm lý, còn đối với những người theo trường phái phân tích kỹ thuật như tôi, thì ngưỡng 620 hoàn toàn không quan trọng, mà quan trọng ở ngưỡng 614 và 602. Theo phân tích sóng Elliot thì tôi cho rằng, nhịp giảm từ 633 về vùng 614 hoặc thậm chí là 602 trong 2 - 3 tuần tới thì chỉ là 1 nhịp điều chỉnh giảm đơn thuần để lấy đà tăng mạnh qua ngưỡng 640 mà 7 năm nay chưa thể vượt qua. Hoặc thậm chí, trong ngắn hạn, vẫn có 1 kịch bản lạc quan là chính mức thấp nhất phiên thứ 6 vừa qua - VN-Index 618 chính là đáy của nhịp điều chỉnh và từ tuần sau thị trường sẽ bước vào sóng tăng vượt 640 luôn. Ngưỡng kỳ vọng trong năm nay mà tôi đặt ra là 660 - 680 ngay trong tháng 8 hoặc đầu tháng 9.
Ông Đào Hồng Dương, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư CTCK PSI
Sau giai đoạn tăng trưởng khá mạnh, tôi cho rằng, mức độ điều chỉnh kỹ thuật của Vn-Index trong khoảng từ 590 - 620 điểm là sự điều chỉnh bình thường.
Ông Đào Hồng Dương
Về mặt kỹ thuật, các tín hiệu về bearish chưa thực sự rõ ràng, thanh khoản thị trường vẫn duy trì mức tốt, sự tăng giảm xen kẽ giữa các nhóm cổ phiếu, dù số cổ phiếu giảm chiếm tỷ lệ cao hơn số cổ phiếu tăng nhưng mức giảm bình quân lại không quá lớn… Nếu so sánh TTCK Việt Nam với biến động của chứng khoán toàn cầu thì thậm chí còn có thể thấy rằng diễn biến thị trường trong nước tương đối tích cực khi so trong bối cảnh diễn biến tuần qua trên thị trường toàn cầu.
Theo như diễn biến của thị trường Việt Nam từ đầu năm đến nay, biến động tác động mạnh tới giá cả và giao dịch của các nhóm cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào biến động của giá cả hàng hóa cơ bản. Sau ngành thép, nhóm ngành mía đường, dược, dầu khí cũng có những biến động phản ứng lại với sự phục hồi của giá thép, đường, giá dầu.
Sau một thời gian giao dịch khá trầm lắng, một số cổ phiếu nhóm ngành dược, mía đường… vốn được gắn mác “phòng thủ” đã có những phiên giao dịch khá sôi động trong tuần qua. Theo ông/bà, đâu là nguyên nhân và liệu nhóm cổ phiếu này có duy trì đà tăng trong tuần tới?
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Đầu tư, CTCK MBS
Theo tôi, nguyên nhân chính để giải thích cho hiện tượng này một cách dễ hiểu nhất đó là thị trường chung đang bước vào 1 Uptrend kéo dài hàng năm, thì đương nhiên cổ phiếu nào tốt chưa tăng thì sẽ đều tăng hết.
Ông Dương Văn Chung
Tôi dự báo, từ nay tới cuối 2017, VN-Index có thể vượt ngưỡng 750 điểm và từ nay tới đó dòng tiền thông minh sẽ liên tục xoay vòng và tìm kiếm các nhóm cổ phiếu tiềm năng và chưa tăng để đổ vào đó.
Trong thời gian vừa qua, dòng tiền đã chảy vào dòng đường, nhưng tôi nhận thấy đang có rủi ro ngắn hạn với nhóm cổ phiếu này. Tuy nhiên, đây chỉ rủi ro ngắn hạn (< 1 tháng). Tôi dự báo, dòng tiền thời gian tới có thể đổ vào nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Ông Đào Hồng Dương, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư CTCK PSI
Đối với một số nhóm cổ phiếu giá đã tăng trưởng khá mạnh, tôi cho rằng, giao dịch có thể vẫn tiếp tục sôi động nhưng đà tăng khó duy trì được như giai đoạn trước. Phản ứng với biến động của giá cả hàng hóa cơ bản, giá cổ phiếu tăng theo nhưng thường thì phải mất một thời gian (độ trễ), tình hình biến động tích cực mới phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, tôi cho rằng, khả năng đến giai đoạn mùa báo cáo bán niên, tâm lý thị trường cũng sẽ có chiều hướng thận trọng chờ số liệu kết quả kinh doanh, nhất là sau khi nhiều cổ phiếu đã tăng khá mạnh kể từ đầu năm.
Thông tin về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định chưa tăng lãi suất, về cơ bản là tin vui với TTCK thế giới, nhưng điều ngược lại là TTCK châu Á lại giảm mạnh, đặc biệt là trong 2 phiêu cuối tuấn. Điều này có ảnh hưởng nhiều đến tâm lý nhà đầu tư trong nước không, theo các ông/bà?
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt
Ngày 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất và cho biết năm nay sẽ thực hiện ít đợt tăng lãi suất hơn. Lý do quan trọng nhất khiến Fed không tăng lãi suất trong tháng 6 là thị trường lao động Mỹ gặp khó khăn trong thời gian qua.
Số việc làm nền kinh tế Mỹ tạo ra trong tháng năm thấp nhất trong 5,5 năm qua, vì lao động trong sản xuất và xây dựng giảm mạnh. Cuộc trưng cầu dân ý tuần tới tại Vương Quốc Anh về việc nước này có tiếp tục là thành viên EU hay không cũng là một nguyên nhân. Nếu Vương Quốc Anh rút khỏi EU, tăng trưởng Châu Âu và thế giới sẽ chững lại, và ảnh hưởng đến Mỹ.
Quyết định chờ đợi của Fed tuy có thể đã được thị trường dự báo trước, nhưng vẫn có tác động đối với tiền đồng Việt Nam và đồng nhân dân tệ, và cũng cho thấy tình hình kinh tế của thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (nếu không tính các khối thương mại). Đối với tiền đồng, động thái này của Fed giảm áp lực trượt giá nhằm duy trì cạnh tranh xuất khẩu nếu việc tăng lãi suất của Mỹ gây áp lực khiến đồng USD tăng giá. Ngoài ra, việc Fed sẽ không tăng lãi suất sẽ giảm áp lực đối với đồng nhân dân tệ. Vì vậy, đồng nhân dân tệ dự kiến sẽ không phá giá mạnh trong các tháng tới. Cuối cùng, thông điệp đối với xuất khẩu của Việt Nam là năm nay Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc đạt tốc độ tăng trưởng hai chữ số như Chính phủ mong muốn, trong bối cảnh tăng trưởng tại thị trường xuất khẩu lớn nhất chững lại.
Do vay, quan diem cua chung toi la co anh huong den tam ly nha dau tu nhung khong anh huong manh.
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Đầu tư, CTCK MBS
Thị trường luôn là vậy và tiếng Anh có câu "Buy the rumor, Sell the fact" có nghĩa là "Mua khi tin đồn, bán khi tin thật ra". Vì vậy, hiện tượng này không có gì là lạ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây chỉ là phản ứng ngắn hạn của thị trường. Trước khi FED ra quyết định chưa tăng lãi suất, thì các chuyên gia trên thế giới đa phần đều dự báo FED sẽ duy trì lãi suất cho tới tháng 9, nên khi tin này ra thì cũng không gây một sự hứng khởi bất ngờ nào cho giới đầu tư và việc thị trường bị bán trong ngắn hạn là điều dễ hiểu.
Vấn đề ở đây tôi nhìn nhận đó là dòng tiền đầu cơ sẽ còn tiếp tục ở lại thị trường cho tới tận tháng 9 và có lẽ đây sẽ 1 trong những động lực thúc đẩy thị trường tăng điểm vượt 660 - 680 vào trong tháng 8 này.
Ông Đào Hồng Dương, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư CTCK PSI
Trong tuần tới, tâm lý thận trọng có thể sẽ tiếp tục duy trì bởi những yếu tố sau:
Giai đoạn công bố các số liệu vĩ mô bán niên, trong đó Nhật, Trung QUốc, Mỹ và khu vực châu Âu vẫn tiếp tục được quan tâm sâu sắc.
Các diễn biến liên quan tới brexit có thể sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn nóng từ khối ngoại, đặc biệt từ ETFs.
Mặc dù vậy tôi đánh giá rằng trạng thái tuần tới của thị trường chủ đạo sẽ là dao động, thậm chí có thể có những biến động phục hồi trở lại sau khi ETFs tái cơ cấu và bán ròng cuối ngày thứ Sáu, đồng thời giá dầu Brent bất ngờ tăng tới gần 5% lên sát mức 50 USD/thùng vào ngày cuối tuần.
Theo ĐTCK