Góc nhìn chuyên gia tuần mới (30/5 - 3/6): “Hổ được chắp thêm cánh”

Trao đổi trong chuyên mục bàn tròn tuần này, một số chuyên gia chứng khoán nhận định, nếu một số mã cổ phiếu được thêm vào danh mục của các quỹ ETFs trong lần này như dự báo, thì  mã này như “hổ được thêm cánh”.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới (30/5 - 3/6): “Hổ được chắp thêm cánh”

Sau chu kỳ tăng điểm, thị trường đã có những phiên điều chỉnh, đặc biệt, phiên giao dịch ngày 26/5, VN-Index giảm 7,55 điểm, xuống 604,34 điểm. Liệu trong ngắn hạn, thị trường đang bước vào chu kỳ giảm điểm hay chưa?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc đầu tư, CTCK MB

Trong bài trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Chứng khoán ngày 18/5, tôi đã đưa ra dự báo VN-Index sẽ có 1 nhịp điều chỉnh giảm khoảng 30 điểm tính từ đỉnh 18/5 (628 điểm). Sáng 27/5, VN-Index đã chạm 603, vẫn còn đang giảm ít hơn dự báo. Vì vậy tôi cho rằng, thị trường vẫn đang trong 1 Uptrend dài hạn và nhịp giảm từ 18/5 đến nay đơn thuần chỉ là 1 nhịp điều chỉnh giảm trong ngắn hạn như trong dự báo ban đầu.

Về mặt chỉ số, tôi dự báo, VN-Index sau nhịp tăng nhỏ trong tuần tới (dự kiến lên 616) vẫn có khả năng giảm trở lại thủng vùng 600, nhưng đơn thuần đây chỉ là nhịp giảm mang tính kỹ thuật do sự lệch pha giữa các lớp cổ phiếu (nhiều khả năng nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ là tác nhân kéo chỉ số xuống sau 1/6). Tuy nhiên, tôi nhìn thấy rất nhiều lớp cổ phiếu còn lại (trừ dầu khí) đang tạo đáy thành công và chuẩn bị cho 1 nhịp tăng dài hạn tiếp theo. Vì vậy, cho dù chỉ số có thể giảm tiếp, thì cũng là cơ hội tốt để mua vào, thậm chí càng thủng 600 thì càng hấp dẫn dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC

Nếu chỉ thuần về kỹ thuật, VN-Index đã xác nhận xu hướng giảm điểm trong ngắn hạn sau rơi xuống dưới đường trung bình 20 phiên và tạo đáy mới. Trong suốt giai đoạn VN-Index vượt qua 580 điểm và đạt đỉnh ngắn hạn tại 625 điểm, thanh khoản thị trường không tăng và chỉ giữ ở mức trung bình. Điều này cũng phản tâm lý thị trường chưa thực hứng khởi và diễn biến thị trường phụ thuộc khá nhiều với hoạt động mua vào của khối ngoại.

Khi thị trường giảm về gần 600 điểm, khối ngoại tiếp tục mua ròng, cùng với những thông tin hỗ trợ hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại và Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 36 với những điều sửa đổi và bổ sung có tính dung hòa hơn so với dự thảo trước đó, kỳ vọng giúp thị trường sớm ổn định sau đợt điều chỉnh ngắn hạn.

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Nếu không tính phiên hồi phục trong ngày thứ Sáu (27/5), VN-Index đã có 7 cây nến đỏ liên tiếp, giảm từ đỉnh 627 về 604 (giảm 23 điểm, tương đương 3,67%).

Góc nhìn chuyên gia tuần mới (30/5 - 3/6): “Hổ được chắp thêm cánh” ảnh 1

 Ông Ngô Thế Hiển

Theo đánh giá của tôi, nhóm cổ phiếu bluechips đã tăng khá mạnh trong giai đoạn VN-Index tiến về sát ngưỡng 630 điểm đang có dấu hiệu suy yếu khi dòng tiền không còn tập trung mạnh tại nhóm này nữa.

Về ngắn hạn, thanh khoản tiếp tục có dấu hiệu sụt giảm dần cho thấy tâm lý chán nản của nhà đầu tư sẽ khiến lực cầu suy yếu và có thể khiến chỉ số tiếp tục giảm về quanh vùng hỗ trợ tại 598 - 600 điểm. Nếu lực cầu không đủ tốt để duy trì ngưỡng hỗ trợ này, VN-Index có thể quay về kiểm định lại SMA50 tương đương vùng 580 - 590 điểm.

Hai quỹ ETF ngoại là Market Vector Vietnam ETF và FTSE Vietnam ETF dự kiến sẽ công bố danh mục đầu tư trong quý II/2016 trong thời gian tới. Theo dự báo, HSG và DRC là 2 cổ phiếu tiềm năng sẽ được thêm trong danh mục của các quỹ. Dự báo của các ông như thế nào và liệu đợt tái cơ cấu này có tác động nhiều đến đến diễn biến thị trường không?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc đầu tư, CTCK MB

Theo nghiên cứu của tôi, trong thời gian gần đây, sự tác động của ETFs tới thị trường chung là không còn nhiều, bởi luật chơi đã rõ, thì số đông nhà đầu tư sẽ có xu thế thích nghi dần.

Tuy nhiên, nếu như HSG và DRC được thêm vào danh mục trong kỳ tới thì quả thực, đây là tin tốt đối với thị trường, vì bản đây là 2 cổ phiếu tốt đang có mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là HSG. Đối với tôi, nếu dự đoán này trở thành hiện thực, thì HSG như "hổ được chắp thêm cánh", vì bản thân ngành thép đang có sự hồi phục ấn tượng, hơn nữa HSG, lại là 1 công ty đầu ngành và chuẩn bị chốt cổ tức "khủng" và mức EPS forward cũng thuộc dạng "khủng". Tôi dự báo, HSG sẽ là một trong những cổ phiếu dẫn dắt thị trường điển hình trong 2 tháng tới.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC

Tôi cho rằng, đợt cơ cấu danh mục quý II/2016 sẽ không ảnh hưởng lớn đến thị trường. Về cơ bản, 2 danh mục ổn đinh và không có xáo trộn nhiều. Theo đó, ETF VNM sẽ giữ nguyên 21 cổ phiếu như kỳ trước, còn FTSE All-Share nhiều khả năng sẽ thêm GTN khi cổ phiếu này điều chỉnh room nước ngoài từ 17,7% lên 100%. Tuy nhiên, GTN có vào danh mục FTSE Vietnam kỳ này không thì vẫn chưa rõ ràng khi vốn hóa điều chỉnh freefloat 49% chỉ đạt 57,1 triệu USD so với yêu cầu của danh mục là 59,6 triệu USD (với trường hợp VIC áp dụng freeload tăng từ 29% lên 39% kỳ này). Vậy chỉ khi quỹ áp dụng tỷ lệ freefloat cũ của VIC ở mức 29% hoặc áp dụng freefloat của GTN lớn hơn 49%, thì GTN mới vào danh mục FTSE VN Vietnam kỳ này.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới (30/5 - 3/6): “Hổ được chắp thêm cánh” ảnh 2

 Ông Bùi Nguyên Khoa

Với 2 trường hợp HSG và DRC, tôi cho rằng, sẽ không vào danh mục FTSE kỳ này, vì vướng tiêu chí cổ phiếu bị loại thanh khoản sẽ cần 2 kỳ đạt tiêu chuẩn mới được vào lại danh mục.

Một điểm nữa chúng tôi cũng lưu ý, nếu ETF VNM sử dụng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục ở mức 84,2% tương đương kỳ trước, thì quỹ sẽ rút ra khoảng 10 triệu USD trong kỳ cơ cấu này để mua bù ở các cổ phiếu nước ngoài có trong danh mục. Khả năng này không cao, vì quỹ ETF VNM đang nâng dần tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục ở các kỳ review gần đây. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, thì lượng tiền rút ra cũng ảnh hưởng 1 chút đến thị trường.

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Theo quan sát tại một số kỳ ETF review gần đây, các đợt tái cơ cấu danh mục của 2 quỹ ngoại này không có nhiều tác động tới diễn biến chung của thị trường. Do vậy, theo quan điểm của chúng tôi, việc tái cơ cấu lần này sẽ chỉ ảnh hưởng đến diễn biến giá của riêng từng cổ phiếu được mua/bán trong danh mục.

Khối ngoại cũng đã có xu hướng bán ra, trong đó có cả những cổ phiếu lớn mà trước đó khối ngoại mua vào như MBB, PVD..., trong khi nhóm cổ phiếu trụ cột như GAS, BVH, BID... cũng có dấu hiệu điều chỉnh. Nếu như nhóm cổ phiếu này tiếp tục suy giảm, liệu có nhóm cổ phiếu sẽ thay thế dẫn dắt thị trường, theo các ông?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc đầu tư, CTCK MB

Đối với tôi, các hiện tượng nhất thời sẽ không tạo thành xu thế. Tôi dự báo, sau khi thị trường tạo đáy ngắn hạn xong (dự kiến sau 13/6), thì sẽ có sự cộng hưởng giữa dòng tiền nước ngoài và dòng tiền trong nước và khi đó VN-Index sẽ có một  bước tăng khá mạnh từ giữa tháng 6 tới tháng 8.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới (30/5 - 3/6): “Hổ được chắp thêm cánh” ảnh 3

 Ông Dương Văn Chung

Dòng cổ phiếu dẫn dắt, theo tôi dự báo là nhóm ngân hàng, sắt thép, chứng khoán. Sau khi VN-Index vượt 628 thành công, thì sẽ có thêm sự cộng hưởng của nhóm dầu khí (dầu khí sẽ tạo đáy sau cùng do nhịp điều chỉnh ngắn hạn của giá dầu thế giới).

Trong các nhóm ngành trên, có lẽ nhà đầu tư sẽ khá bất ngờ với dòng chứng khoán, vì nhóm cổ phiếu này đã có thời gian "ngủ" khá lâu. Sự trở lại của nhóm ngành chứng khoán nhiều khả năng sẽ kích hoạt được dòng tiền đầu cơ trong nước quen thuộc.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, CTCK BSC

Tuần vừa, qua ETF FTSE Việt Nam đã bán ra khoảng 184 tỷ đồng, tuy nhiên hoạt động mua vào của khối ngoại khác (Pnotes) lại áp đảo với tổng 392 tỷ đồng. Điều này đã giúp thị trường không giảm quá sâu. Các cổ phiếu bluechips suy yếu, nhưng dòng tiền phần nào đã dịch chuyển tìm cơ hội ở các nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ như thủy sản, mía đường, vật liệu xây dựng và các cổ phiếu vừa và nhỏ. Nhìn tổng thể, chúng tôi chưa nhận ra nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường, nhưng kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu bất động sản và sự phân hóa sẽ giúp cho tâm lý không quá bị quan, giảm bớt áp lực chốt lãi lên thị trường trong tuần tới.

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS

Dòng tiền của khối ngoại đang đóng vai trò quan trọng đối với thị trường trong giai đoạn gần đây và nhìn chung, vẫn đang có xu hướng mua ròng. Đối với một số nhóm cổ phiếu cụ thể, ngoại trừ VIC, VCB, MSN có nhiều phiên bị bán ròng, các mã cổ phiếu trong ngành dầu khí như GAS, PVD, hay còn lại trong ngành ngân hàng như BID, MBB giao dịch của khối ngoại cũng chưa cho thấy dấu hiệu rõ ràng về việc bị rút vốn, thậm chí mã MBB còn được liên tục mua vào.

Như vậy, có thể thấy, dòng tiền của khối ngoại cũng đang có sự phân hóa đối với từng cổ phiếu cụ thể. Nếu dòng tiền này quay sang bán ròng tại những mã bluechips còn lại thì sức ép lên thị trường sẽ là lớn và chúng tôi chưa thấy có nhóm cổ phiếu mới nào có thể thay thế dẫn dắt thị trường trong ngắn hạn.

Theo ĐTCK