Gỡ "điểm nghẽn" pháp lý và kinh tế, mở đường cho báo chí Việt Nam hội nhập số

Tại hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số”, các đại biểu đã chỉ ra nhiều "điểm nghẽn" và đề xuất các giải pháp để vực dậy nguồn thu, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để báo chí Việt Nam phát triển.

Tại Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số”, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) - Hội Truyền thông số Việt Nam chỉ đạo, giao cho Cục Báo chí và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức, sáng 16/5, các chuyên gia truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí... đã nêu nhiều ý kiến, chỉ ra những "điểm nghẽn" về mô hình hoạt động, định hướng phát triển, hành lang pháp lý, kinh tế báo chí, đồng thời đề xuất những giải pháp tháo gỡ để báo chí Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên số, vươn tầm quốc tế.

Nguồn thu của báo chí ngày càng suy giảm

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng đặt ra câu hỏi mang tính "thức tỉnh": Việt Nam đã có tờ báo nào mang tầm vóc toàn cầu hay chưa? Ông chỉ ra thực tế, số lượng cơ quan báo chí có văn phòng thường trú ở nước ngoài còn quá ít, chủ yếu do 4 -5 tờ lớn dùng nguồn ngân sách của Nhà nước đảm nhiệm.

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đình Huy.

Về hành lang pháp lý, ông Sưởng đề nghị cần nghiên cứu lại mô hình cơ quan chủ quản báo chí để đảm bảo sự độc lập và chuyên nghiệp hơn cho các cơ quan báo. Về tôn chỉ mục đích, ông cho rằng cần xem xét lại để phù hợp với vai trò phản ánh đa dạng của báo chí trong xã hội.

Chia sẻ câu chuyện kinh tế báo chí, ông Sưởng cho rằng báo chí hiện nay hoạt động theo mô hình sự nghiệp có thu, nhưng thực tế lại vận hành như doanh nghiệp. Ông chỉ ra 4 nguồn thu chính của gồm: bán nội dung, ngân sách Nhà nước, quảng cáo – truyền thông và tài trợ, nhưng tất cả đều đang gặp khó khăn.

Với 4 nguồn thu chính ngày càng suy giảm hoặc không ổn định, ông đặt câu hỏi: "Vậy báo chí đang sống bằng gì và phát triển bằng gì?". Ông kiến nghị cần có định hướng kinh tế báo chí rõ ràng, tạo cơ chế bán nội dung trên báo điện tử để tạo nguồn thu bền vững. Đồng thời cần có cơ chế bán nội dung trên báo điện tử, thúc đẩy liên kết báo chí để tạo nền tảng công nghệ mạnh, giúp báo chí phát triển như một hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng.

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng liên kết báo chí là vấn đề rất cần quan tâm. Một cơ quan báo chí tốt cần có nền tảng công nghệ mạnh và một doanh nghiệp công nghệ của chính mình. Khi định giá tờ báo như Tiền Phong, phải định giá cả thương hiệu, cả hệ sinh thái công nghệ, cả giá trị tài sản số. Báo chí không thể phát triển nếu không được nhìn nhận như một hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng.

Ông Sưởng cho rằng Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cần tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là ở kinh tế báo chí, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và quyền tự chủ của cơ quan báo chí, để thực sự mở đường cho báo chí Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập.

Góp ý việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, Chủ tịch Le Group Lê Quốc Vinh cho rằng dự thảo nên tạo điều kiện tối đa cho các cơ quan báo chí phát triển mô hình tổ hợp truyền thông đa phương tiện, cho phép báo chí tự do phát triển hệ sinh thái kinh doanh, tự do liên kết.

Ông phân tích 4 nguồn thu chính của báo chí hiện nay và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác các nguồn lực dữ liệu riêng để tạo ra nguồn lực phát triển bền vững. Ông đề xuất luật cần mở đường để các cơ quan báo chí chủ động phát triển hệ sinh thái, tạo ra nguồn lực riêng.

Chủ tịch Le Group Lê Quốc Vinh đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Đình Huy.

Ông Lê Quốc Vinh đề xuất mở rộng quyền phát triển hệ sinh thái báo chí, cho phép các cơ quan báo chí tự do kinh doanh, liên kết để khai thác nguồn lực dữ liệu riêng.

Ông cũng phân tích 4 mô hình doanh thu của báo chí, bao gồm hợp tác với doanh nghiệp, dự án xã hội, thu phí từ độc giả và hoạt động tự doanh. Ông Vinh nhận định, nếu không có cơ chế phù hợp, báo chí sẽ khó phát triển bền vững.

Chuyên gia đề xuất thu phí đọc báo, xây dựng trung gian báo chí

Trong khi đó, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tiến Bình đề nghị dự thảo Luật Báo chí cần quy định rõ ràng về việc các đơn vị kinh doanh sản phẩm báo chí phải thỏa thuận và trả tiền cho cơ quan báo chí.

Ông cho rằng việc độc giả "đọc miễn phí" báo chí trong suốt 10 năm qua đã "giết chết" nguồn thu của các tòa soạn. Ông cũng đề xuất nên có một cơ quan trung gian báo chí để tiếp nhận và phân phối các kiến nghị của người dân đến các chuyên mục phù hợp trên các báo.

Góp ý kiến tại hội thảo, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm đánh giá cao sự rõ ràng của dự thảo luật mới, đặc biệt trong việc quản lý hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đề nghị cần làm rõ hơn về mô hình kinh doanh của báo chí trong môi trường số. Ảnh: Đình Huy.

Tuy nhiên, ông đề nghị cần làm rõ hơn về mô hình kinh doanh của báo chí trong môi trường số. Nên làm rõ việc Nhà nước đầu tư và mua dịch vụ công nghệ thông tin trên nền tảng số. Mô hình sự nghiệp công lập đối với cơ quan báo chí.