Toàn cảnh Hội thảo: Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện cơ quan báo chí đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp... đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi.

DOM07378 (1).JPG
Ngày 16/5, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo "Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số". Hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) - Hội Truyền thông số Việt Nam chỉ đạo, giao cho Cục Báo chí và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức.
DOM07663.JPG
Ông Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều phối nội dung thảo luận tại Hội thảo. Theo Thứ trưởng Lê Hải Bình, việc hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này là những bổ sung cơ bản, hình thành không gian, cơ chế, tạo hành lang pháp lý để báo chí phát triển, giúp người làm báo có thể yên tâm làm nghề trong những năm tới.
DOM07197.JPG
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chủ trì Hội thảo.
Anh 1.jpg
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về mô hình tổ hợp báo chí, liên kết phát triển nguồn lực xã hội và hoàn thiện pháp luật để báo chí cạnh tranh, định hướng thông tin trên không gian mạng.
Anh 1.jpg
Trình bày tham luận, ông Cục Trưởng Cục Báo chí cho biết Dự thảo luật lần này bổ sung nhiều quy định quan trọng, trong đó điểm nhấn là nguyên tắc quản lý báo chí chặt chẽ, minh bạch và phân định rõ thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương. Dự kiến có 30 nội dung giao Chính phủ và các cơ quan chức năng quy định chi tiết. Dự thảo luật lần này cũng sửa đổi và bổ sung hệ thống khái niệm, nhằm phân biệt rõ ràng giữa các loại hình báo chí, khắc phục tình trạng "báo hoá" tạp chí – một trong những vấn đề nổi cộm thời gian qua. Bổ sung khái niệm Tạp chí để phân biệt rõ báo, tạp chí, chống “báo hóa” tạp chí...
DOM07453.JPG
TS Lê Hải, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử - Tạp chí Cộng sản cho biết tổ hợp truyền thông ra đời là nhân tố góp phần hoàn thiện những vấn đề đang còn khuyết thiếu và yếu của nền truyền thông nước ta, như về thể chế, điều kiện, môi trường báo chí, mô hình tổ chức cơ quan báo chí, chiến lược quy hoạch. Ông Hải chỉ ra, hầu hết các cơ quan báo chí của Việt Nam chưa tiếp cận mô hình tổ chức hiện đại, giữ mô hình tổ chức cũ với phương thức quản trị hiệu quả không cao. Khi phát triển tới một trình độ nhất định, mô hình tổ chức cũ sẽ mâu thuẫn với trình độ lực lượng sản xuất mới, cản trở phát triển.
f11f12f79c8929d77098.jpg
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam kiến nghị quy trình cấp thẻ nhà báo cần có quy định ràng buộc trách nhiệm, để làm sao cấp thẻ nhanh nhưng khi vi phạm cũng thu hồi nhanh hoặc khi chuyển đơn vị công tác thì phải cấp thẻ luôn, bởi đây là điều kiện hoạt động với phóng viên.
DOM07745.JPG
Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Group cho rằng cần có quy định, cơ sở để các cơ quan báo chí sau này phát triển tự do kinh doanh, tự do liên kết. Ông đề xuất đưa vào dự thảo Luật làm sao mở điều kiện cho các cơ quan báo chí chủ động phát triển hệ sinh thái báo chí, khai thác các nguồn lực dữ liệu riêng, tạo ra nguồn lực phát triển riêng.
Anh 1.jpg
Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng cho rằng liên kết báo chí là vấn đề rất cần quan tâm. Một cơ quan báo chí tốt cần có nền tảng công nghệ mạnh, một doanh nghiệp công nghệ của chính mình. Khi định giá một tờ báo như Tiền Phong, phải định giá cả thương hiệu, cả hệ sinh thái công nghệ, cả giá trị tài sản số. Báo chí không thể phát triển nếu không được nhìn nhận như một hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng. Ông Sưởng cho rằng Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cần tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là ở kinh tế báo chí, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và quyền tự chủ của cơ quan báo chí, để thực sự mở đường cho báo chí Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập.
Anh 1.jpg
Ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đề nghị trong dự thảo Luật Báo chí quy định, những đơn vị nào kinh doanh sản phẩm về báo chí thì phải thỏa thuận, làm việc với cơ quan báo chí. Như vậy các tòa soạn báo chí mới thu được tiền từ báo chí, chứ không phải đọc miễn phí như hiện nay.
Anh 1.jpg
Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Thị Sự đề xuất cơ chế đặc thù về tài chính, lao động, công nghệ cho báo chí đa phương tiện. Bà kiến nghị bổ sung chế tài mạnh bảo vệ bản quyền, yêu cầu các nền tảng số tuân thủ nghiêm ngặt quyền tác giả khi đăng tải nội dung báo chí.
Anh 1.jpg
Nhà báo Tào Khánh Hưng, Phó Tổng biên tập Báo Xây Dựng, góp ý cần bổ sung quy định cho báo chí số đa nền tảng, bao gồm quyền hoạt động trên mạng xã hội, khai thác dữ liệu số mở từ cơ quan Nhà nước. Ông kiến nghị siết chặt bảo vệ sở hữu trí tuệ, cụ thể hóa quyền tác giả đối với văn bản, âm thanh. Đồng thời, cần có cơ chế xử lý vi phạm quyền báo chí trên nền tảng xuyên biên giới, tăng chế tài với hành vi cản trở, tấn công nhà báo.
Anh 1.jpeg
Phát biểu tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) ngày 16/5, Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law Firm đánh giá cao tinh thần cập nhật và chuyển đổi số mạnh mẽ của dự thảo. Các nội dung mới như hoạt động báo chí trên không gian mạng (Điều 30), mô hình tổ hợp báo chí truyền thông (Điều 14), hay mở rộng khái niệm “báo chí” ra các nền tảng số là những điểm đột phá. Tuy nhiên, ông Tú cũng cho rằng một số khái niệm như “pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp” (Điều 23 về liên kết báo chí) cần được làm rõ. Từ thực tiễn quản lý ngành ngân hàng, ông đề xuất nên có tư duy cởi mở tương tự: miễn là tuân thủ pháp luật, thì không nên e ngại nguồn lực tư nhân trong liên kết báo chí. Về xuất nhập khẩu báo chí, ông đề nghị cần giải thích cụ thể hơn trong bối cảnh hiện nay chủ yếu là xuất bản số. Ngoài ra, ông cũng đề xuất công nhận ổn định thẻ nhà báo cho những người hành nghề lâu năm, không vi phạm, để giảm gánh nặng thủ tục.
Anh 1.jpg
Ông Nguyễn Văn Bá - Tổng biên tập Báo Vietnamnet, đề nghị làm rõ định nghĩa không gian mạng trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), tránh quá thiên về kỹ thuật như quy định trong Luật An ninh mạng. Ông cũng lưu ý cách xác định các kênh báo chí trên nền tảng số, cho rằng việc yêu cầu mọi nội dung trên mạng phải đăng trên báo chính thống cần xem xét lại để phù hợp thực tiễn. Ngoài ra, ông đặt vấn đề về việc có nên tiếp tục đưa trang thông tin điện tử tổng hợp vào luật, khi hiện nay mạng xã hội là kênh phân phối chính. Về chính sách thuế, ông Bá đề xuất cân nhắc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí, tương tự y tế và giáo dục, thay vì mức thuế hiện hành 15–20%.
Anh 1.jpg
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam cho rằng hoạt động báo chí trên không gian mạng được dự thảo thiết kế một chương rất là rõ, song cần làm rõ thêm về mô hình kinh doanh của báo chí. Thứ hai, nên làm rõ việc Nhà nước đầu tư và mua dịch vụ công nghệ thông tin trên nền tảng số. Thứ ba, mô hình sự nghiệp công lập đối với cơ quan báo chí.
Anh 1.jpg
Ông Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội, đề xuất chi tiết hóa khái niệm tổ hợp truyền thông, làm rõ cơ chế vận hành, tính pháp nhân, mô hình tài chính của các đơn vị trực thuộc. Ông cũng kiến nghị tổ chức hội thảo chuyên sâu để đánh giá mô hình từ góc độ tư pháp, tài chính, giúp luật hóa hiệu quả và khả thi.

Tham dự Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để Báo chí phát triển trong kỷ nguyên số” có nhiều lãnh đạo bộ, ban ngành, gồm:

Ông Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.

Ông Triệu Thế Hùng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa và xã hội của Quốc hội.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Bà Vũ Thị Bích Hằng, Hàm Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã, Văn phòng Chính phủ.

Về phía đơn vị tổ chức có ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ VHTT và DL và ông Nguyễn Bá Kiên, Uỷ viên ban Thường vụ Hội truyền thông số Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử VietTimes.

Tham dự hội thảo còn có sự hiện diện của các Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, lãnh đạo các vụ, cục của Bộ VHTT và DL; lãnh đạo Vụ Báo chí Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Tổng biên tập, Phó Tổng Biên tập các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Về phía diễn giả, chuyên gia có TS Lê Hải, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử, Tạp chí Cộng sản; ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group; luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm.

Ngoài ra, tham dự hội thảo còn có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp; đại diện các nhà tài trợ: Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (AgriBank); Ngân hàng TMCP Bắc Á; Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet; CTCP Tập đoàn Định An; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank); Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam - VNPay).