Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 30 bị can liên quan đến sai phạm đấu thầu tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên quan. Các bị can bị cáo buộc các tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, và “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Duy Hưng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An, có vi phạm về đấu thầu ở 5 dự án gồm: cầu Đồng Việt (Bắc Giang), cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cầu Vĩnh Tuy 2, đường ven sông Hạ Long - Đông Triều (Quảng Ninh), quốc lộ 14E.
Liên quan ông Hưng là hàng loạt sai phạm của nhiều cán bộ tại Ban quản lý dự án ở Hà Nội, Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh và Cục Đường bộ Việt Nam.
Cơ quan điều tra cho rằng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An cho thấy việc "chạy thầu" - tức tìm kiếm sự thỏa thuận, can thiệp trái phép vào hoạt động đấu thầu, là một thực trạng rất phổ biến. Để trúng thầu, đại đa số các doanh nghiệp phải có "quan hệ", chấp nhận chi tiền "cơ chế" cho lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền, xem đây là một phần tất yếu của quá trình đấu thầu, thi công dự án.
Chi 10.000 USD “chúc mừng” tân giám đốc Ban QLDA
Tại Quảng Ninh, khi triển khai gói thầu số 13, dự án đường ven sông Hạ Long - Đông Triều (Quảng Ninh), bị can Phạm Thanh Bình, khi làm Giám đốc Ban quản lý dự án Quảng Ninh, bị cáo buộc đã nhận hơn 9,4 tỷ đồng từ Tập đoàn Thuận An và hai doanh nghiệp khác để “giúp” liên danh do Thuận An đứng đầu trúng gói thầu hơn 706 tỷ đồng.
Trước đó, ông Bình quen biết lãnh đạo Tập đoàn Thuận An từ thời còn làm Trưởng phòng Kế hoạch, Sở GTVT Quảng Ninh. Cuối năm 2022, khi gói thầu số 13 được phê duyệt, lãnh đạo Tập đoàn Thuận An đến nhờ ông Bình tạo điều kiện tham gia dự án. Sau cuộc gặp, ông Bình nhận 10.000 USD từ Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT Thuận An) “chúc mừng” tân giám đốc Ban QLDA.
Đầu năm 2023, ông Bình tiếp tục gặp đại diện Công ty Huy Hoàng và Công ty Cầu 75, yêu cầu ba bên lập liên danh để tham gia dự án. Sau khi trúng thầu, ông Bình nhận 9,2 tỷ đồng từ ba doanh nghiệp.
Số tiền này, theo lời khai của ông Bình, ông chi 5 tỷ đồng cho “hoạt động chung” của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, 1 tỷ đồng thưởng Tết cho lãnh đạo Ban QLDA, phần còn lại phục vụ cá nhân và các hoạt động nội bộ. Đến nay, ông Bình đã tự nguyện nộp khắc phục hơn 4 tỷ đồng.

Thỏa thuận phân chia tiền "cơ chế"
Tại Cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Duy Hưng và Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Ban quản lý dự án 4, Cục Đường bộ Việt Nam có quan hệ cá nhân thân thiết từ trước.
Tháng 2/2022, sau khi biết về dự án Quốc lộ 14E, ông Hưng đã liên hệ, đề nghị ông Huy cho Tập đoàn Thuận An tham gia đấu thầu. Hai người sau đó thống nhất việc Thuận An chi tiền "cơ chế" cho Ban quản lý dự án 4 bằng 5% giá trị hợp đồng trước thuế, phần chi cho Chi cục trưởng quản lý xây dựng đường bộ là 0,6 %, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam 0,6%.
Từ tháng 9/2022, Tập đoàn Thuận An, Công ty 168 Việt Nam bắt đầu cử người tham gia cùng Ban quản lý dự án 4 đi khảo sát hiện trạng Quốc lộ 14E để làm cơ sở xây dựng bản vẽ thiết kế, biện pháp thi công, dự toán.
Quá trình thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán hai gói thầu của Quốc lộ 14E, ông Hưng đã gặp, đưa 1,2 tỷ đồng cho Vũ Hải Tùng, Chi cục trưởng Quản lý xây dựng đường bộ. Trước khi phê duyệt điều chỉnh hồ sơ mời thầu lần 2, ông Hưng chỉ đạo cấp dưới đưa 1,3 tỷ đồng cho Tùng. Việc đút lót nhằm để Tùng ký báo cáo thẩm định trình Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt điều chỉnh dự toán.
Quá trình thi công 2 gói thầu, Tập đoàn Thuận An đã chi tiền "cơ chế" cho Ban quản lý dự án 4 và Chi cục Quản lý xây dựng đường bộ. Ông Nguyễn Quang Huy nhận từ Tập đoàn Thuận An hơn 9,1 tỷ đồng, hưởng lợi cá nhân hơn 8,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, tháng 1/2023, ông Hưng chỉ đạo cấp dưới đưa cho ông Tùng 2,15 tỷ đồng, nâng tổng số tiền người này nhận lên hơn 4,6 tỷ đồng.
Trúng thầu dự án sau buổi ăn sáng
Tại Hà Nội, sự việc bắt đầu năm 2020, khi ông Nguyễn Duy Hưng nhờ ông Phạm Thái Hà (lúc đó giữ chức Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội) nhờ giới thiệu tới Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án Hà Nội (BQLDA) nhằm để Tập đoàn Thuận An được thi công một phần dự án cầu Vĩnh Tuy 2.
Một thời gian sau, tại buổi ăn sáng ở nhà cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Tuấn báo cáo Bí thư về tình hình triển khai các dự án giao thông, trong đó có cầu Vĩnh Tuy 2. Tại bữa ăn này, ông Tuấn gặp Hưng nên hiểu ông chủ Tập đoàn Thuận An có "quan hệ" thân thiết với cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội và ông Phạm Thái Hà.
Sau đó, Nguyễn Duy Hưng đến phòng làm việc của bị can Tuấn, đề nghị giúp Tập đoàn Thuận An được “vào” thi công cầu Vĩnh Tuy 2. Lần này, Tuấn đồng ý nên chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Cùng thời gian, Trần Việt Khoa, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Cầu 7 Thăng Long, biết có gói thầu cầu Vĩnh Tuy nên cũng đặt vấn đề muốn tham gia thi công. Qua giới thiệu của nhân viên BQLDA, các doanh nghiệp Cầu 7 Thăng Long và Thuận An tiến hành lập liên danh để đấu thầu dù cả 2 bên đều không đủ điều kiện thi công.
Đến cuối tháng 11/2020, trước ngày nộp hồ sơ dự thầu, các bị can tại BQLDA kiểm tra hồ sơ của Liên danh Tập đoàn Thuận An - Công ty Cầu 7 Thăng Long để thông báo lại cho doanh nghiệp chỉnh sửa trước khi nộp, đảm bảo việc trúng thầu.
Quá trình đấu thầu, thi công, các bị can tại Ban QLDA nhận tiền “cơ chế” ngoài hợp đồng của Liên danh Tập đoàn Thuận An - Công ty Cầu 7 Thăng Long, tạo điều kiện đẩy nhanh thủ tục nghiệm thu, thanh toán. Nguyễn Duy Hưng "đã" gửi giá, thu tổng số tiền hơn 9,2 tỷ đồng trên hóa đơn mua vật tư đầu vào đối với 4 đơn vị thi công và nhà cung cấp vật liệu đưa vào hồ sơ nghiệm thu, thanh toán, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 9,2 tỷ đồng.
Quá trình đấu thầu cùng thi công, Tập đoàn Thuận An và Công ty Cầu 7 Thăng Long chi cho 13 cá nhân tại BQLDA Hà Nội, đơn vị tư vấn thầu, Tổ tư vấn giám sát với tổng số tiền là hơn 12 tỷ đồng.
Trong đó, Phạm Hoàng Tuấn, nguyên Giám đốc Ban QLDA nhận 2 tỷ đồng; Nguyễn Chí Cường, Phó giám đốc Ban QLDA 2 tỷ đồng; Phạm Văn Duẫn, Giám đốc Ban QLDA nhận tổng cộng 2,32 tỷ đồng… Đến nay, các cá nhân này đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.
Móc ngoặc với nhà thầu, giám đốc nhận 12,5 tỷ
Tại gói thầu số 26 trên cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, ông Nguyễn Duy Hưng và Nguyễn Văn Huy (ở Tuyên Quang) có quen biết nhau từ trước. Thông qua Huy, năm 2011, bị can Hưng quen biết Trần Viết Cương, khi đó là Giám đốc Ban quản lý dự án Tuyên Quang (BQLDA).
Tháng 5/2021, khi Ban QLDA Tuyên Quang chuẩn bị đấu thầu gói thầu số 26 thuộc Dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, Nguyễn Văn Huy đề nghị Nguyễn Duy Hưng, để đơn vị này tham gia, tạo việc làm cho các đội thi công của Huy, còn Thuận An sẽ cung cấp vật tư, quản lý chất lượng. Hưng đồng ý và đến gặp Trần Viết Cương, để xin thi công gói thầu.
Tuy nhiên, do không được nâng giá dự toán như mong muốn, Hưng từ chối làm toàn bộ gói thầu. Sau đó, ông Cương mời thêm Công ty Hiệp Phú, Công ty Thành Hưng và sau là Licogi 14 để liên danh cùng Thuận An. Thành Hưng rút lui vì giá thấp, liên danh cuối cùng gồm Thuận An – Hiệp Phú – Licogi 14.
Sau khi Cương chỉ đạo cấp dưới tiết lộ dự toán gói thầu cho nhóm Thuận An, liên danh này sử dụng thủ đoạn “quân xanh, quân đỏ” để trúng thầu với giá hơn 90 tỷ đồng vào tháng 8/2021.
Nguyễn Duy Hưng sau đó giao toàn bộ phần việc của Thuận An cho ông Huy điều hành và thi công, với điều kiện “cắt lại” 14% tổng giá trị hợp đồng gồm 5% chi phí quản lý, 9% chi ngoài.
Quá trình thi công, theo thỏa thuận, Nguyễn Duy Hưng thu 4 tỷ đồng tiền ngoài hợp đồng của các nhà thầu. Ngoài ra, để có tiền chi cho BQLDA, Hưng đã thu 5,8 tỷ đồng tiền chênh lệch giá vật liệu đầu vào (nâng giá hoá đơn) của nhà cung cấp vật liệu.
Theo chỉ đạo của Nguyễn Duy Hưng, ông Nguyễn Văn Huy đã hai lần nhận tiền từ Tập đoàn Thuận An để đưa cho Trần Viết Cương, tổng số 8 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Cương còn nhận 2,5 tỷ đồng từ Phạm Quang Hiệp (Giám đốc Công ty Hiệp Phú) và 2 tỷ đồng từ Lại Xuân Hùng (Tổng giám đốc Licogi 14).
Tổng cộng, Trần Viết Cương nhận 12,5 tỷ đồng từ ba nhà thầu trong liên danh trúng gói thầu số 26 dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ.
Sau khi được liên doanh nhà thầu đưa 12,5 tỷ đồng, ông Cương trả lại cho ông Huy 5,8 tỷ đồng, còn 6,7 tỷ đồng ông Cương nộp khắc phục vào tài khoản tạm giữ của cơ quan cảnh sát điều tra.
"Cảm ơn" Phó chủ tịch tỉnh 1 tỷ đồng
Tại dự án cầu Đồng Việt, Bắc Giang, đầu tháng 11/2021, khi biết tỉnh Bắc Giang đang triển khai dự án cầu Đồng Việt, Hưng đề nghị và được ông Phạm Thái Hà đồng ý giới thiệu, tác động đến cựu Bí thư tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái. Việc này tạo điều kiện cho Thuận An tham gia thi công dự án.
Theo cơ quan điều tra, ông Nguyễn Duy Hưng, có “mối quan hệ thân thiết” với ông Phạm Thái Hà, cựu Trợ lý nguyên Chủ tịch Quốc hội, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - theo dõi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.
Cơ quan điều tra cho rằng việc giới thiệu, tác động của ông Hà đã "tạo điều kiện cho Thuận An trúng thầu". Đây là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến việc các cá nhân tại Ban quản lý dự án Bắc Giang cùng đơn vị thiết kế và Thuận An thông đồng, móc ngoặc giúp trúng gói thầu số 7.
Sau khi Thuận An trúng thầu, ông Hưng đến nhà ông Hà đưa 500 triệu đồng cảm ơn. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết, Hưng nhiều lần biếu ông Hà thêm tổng 250 triệu đồng. Ông Hà đã tự nguyện nộp khắc phục toàn bộ số tiền hưởng lợi.
Ông Thái tiếp nhận sự giới thiệu, tác động của ông Hà về việc tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An được tham gia đấu thầu, thi công dự án cầu Đồng Việt. Đồng thời, ông Hưng cũng nhiều lần gặp gỡ, đề nghị cho doanh nghiệp mình được làm dự án.
Từ đó ông Thái đã tác động ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc Ban quản lý dự án Bắc Giang để cho Thuận An trúng gói thầu số 7. Sau khi trúng thầu, ông Thái được Hưng cảm ơn 900 triệu đồng.
Theo Bộ Công an, nguyên nhân dẫn đến hành vi sai phạm của ông Thái là do chịu sự tác động, can thiệp từ ông Hà. Ông Thái thành khẩn khai báo về toàn bộ hành vi phạm tội, có đơn tố cáo hành vi sai phạm của các cá nhân liên quan giúp công an làm rõ bản chất vụ án. Ông Thái đã tự nguyện nộp 900 triệu đồng hưởng lợi và 7,1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả chung của vụ án.
Kết luận điều tra xác định bị can Lê Ô Pích, khi giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, được phân công trực tiếp chỉ đạo Ban Quản lý dự án tỉnh. Trong quá trình triển khai dự án cầu Đồng Việt, ông Pích phê duyệt dự án, điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu và chỉ đạo tạo điều kiện để Tập đoàn Thuận An trúng thầu.
Sau khi trúng thầu, Nguyễn Duy Hưng đã đưa cho ông Pích 1 tỷ đồng để “cảm ơn”. Trong quá trình thi công, ông tiếp tục nhận thêm 3 tỷ đồng tiền “cơ chế” từ Nguyễn Văn Thạo, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án tỉnh. Tổng cộng, ông Pích nhận 4 tỷ đồng và đã khắc phục toàn bộ số tiền này.
Theo kết luận, quá trình điều tra, các bị can và người liên quan đã tự nguyện nộp khắc phục hơn 102 tỷ đồng và 90.000 USD. Cùng với hơn 32 tỷ đồng trong các tài khoản, sổ tiết kiệm do gia đình ông Hưng tự nguyện giao nộp, toàn bộ thiệt hại trong vụ án đã được khắc phục.

Móc nối giúp liên doanh với Thuận An trúng thầu, cựu giám đốc BQLDA nhận 12,5 tỷ đồng

Hàng loạt cựu quan chức, lãnh đạo đơn vị hưởng lợi trong vụ Thuận An
