Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 27/10, Ấn Độ và Mỹ cùng ngày đã ký một thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt. Theo đó, Ấn Độ sẽ được Mỹ cung cấp dữ liệu về hàng không, địa hình và hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao theo thời gian thực, giúp nâng cao độ chính xác của vũ khí tự động,máy bay không người lái và tên lửa. Một quan chức Ấn Độ nói: “Trong tình hình đối đầu ở biên giới với Trung Quốc hiện nay, thỏa thuận này vô cùng quan trọng đối với chúng tôi”. Đồng thời Mỹ và Ấn Độ sẽ trao đổi dữ liệu về việc Trung Quốc triển khai quân đội và vũ khí dọc theo biên giới Trung - Ấn. Ngoài ra, Mỹ và Ấn Độ cũng sẽ ký các thỏa thuận chia sẻ thông tin hàng hải để giám sát các hành động của Hải quân Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ - Ấn Độ họp báo chung sau cuộc hội đàm (Ảnh: AP). |
Sau khi hội đàm tại Hội nghị “2+2” giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước và ký kết hiệp nghị, 4 vị Bộ trưởng đã tổ chức họp báo chung. Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã mạnh mẽ phê phán Trung Quốc.Ông nói: “Sáng nay, chúng tôi đã đến Đài kỉ niệm chiến tranh quốc gia Ấn Độ,nơi kỉ niệm những binh sĩ quân đội Ấn Độ dũng cảm hy sinh thân mình cho quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới, trong đó có 20 người bị lính PLA giết hại ở Thung lũng Galwan. Khi Ấn Độ phải đối mặt với mối đe dọa về chủ quyền và tự do, Mỹ luôn đứng bên cạnh Ấn Độ”.
Theo báo Ấn Độ Deccan Chronicle, Ấn Độ và Mỹ đã ký một hiệp nghị quốc phòng mang tính bước ngoặt. Cuộc đối đầu Trung - Ấn được cho là một vấn đề nổi bật trong cuộc hội đàm giữa Mỹ và Ấn Độ.
Ấn Độ và Mỹ đã ký Hiệp nghị Hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA) trong cuộc đối thoại song phương “2+2” ngày 27/10 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước. Thỏa thuận này sẽ khiến việc trao đổi thông tin không gian địa lý giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ trở thành hiện thực, từ đó tăng cường các hoạt động quân sự.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đặt vòng hoa viếng binh sĩ Ấn Độ tử trận (Ảnh: Twitter@Secretary Pompeo). |
Nguồn tin cho biết Mỹ và Ấn Độ còn đang thảo luận về một thỏa thuận về hợp tác nhận thức trong lĩnh vực biển, theo đó sẽ thể chế hóa việc chia sẻ thông tin giữa Mỹ và Ấn Độ về các mối đe dọa an ninh hàng hải tiềm ẩn, qua đó giúp theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Hải quân Trung Quốc. .
Trước thềm đối thoại “2+2” Mỹ - Ấn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã tổ chức một cuộc gặp song phương tại New Delhi vào ngày 26/10.
Truyền thông Ấn Độ Times Now News nhận định, Ấn Độ và Mỹ ký thỏa thuận quốc phòng BECA mang tính bước ngoặt vào ngày 27/10, phản ánh mối quan hệ chiến lược đang mở rộng nhanh chóng giữa hai nước. Thỏa thuận quy định quân đội hai nước chia sẻ công nghệ quân sự cao cấp, bản đồ không gian địa lý và các dữ liệu vệ tinh bí mật.
Theo trang web của Đài truyền hình New Delhi (NDTV), Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho rằng cuộc hội đàm Ấn Độ - Mỹ sẽ tiếp thêm “sức sống mới” cho quan hệ và hợp tác quốc phòng Ấn Độ - Mỹ.
Ông Mark Esper bày tỏ sự hài lòng với việc ký kết BECA trong chuyến thăm này, đồng thời ông cũng hoan nghênh việc Australia tham gia cuộc tập trận Malabar cùng Mỹ và Ấn Độ vào tháng 11 tới.
Hai Ngoại trưởng Mike Pompeo và Subrahmanyam Jaishankar (Ảnh: Reuters). |
Theo tin của India Express, một nguồn tin cho biết tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, hai ông đã đề cập đến “tình hình toàn cầu và những thách thức đương đại” và thảo luận về “Những mối quan tâm và lợi ích chung bao gồm sự ổn định và an ninh ở châu Á”, điều được cho là rõ ràng ám chỉ Trung Quốc.
Nguồn tin cũng cho biết, bốn vị bộ trưởng của Mỹ và Ấn Độ thảo luận các vấn đề cụ thể tại cuộc họp “2+2” cấp bộ trưởng Ấn Độ - Mỹ lần thứ ba được tổ chức vào ngày 27/10. Đây là cuộc gặp gỡ trực tiếp hiếm hoi. Trước đó, hầu hết các cuộc gặp ngoại giao đều được thực hiện thông qua hội nghị truyền hình trực tuyến.
Trang tin Dwnews cho biết, sự hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ bao gồm việc chia sẻ các hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao, giám sát điện thoại và trao đổi dữ liệu về việc triển khai quân đội và vũ khí của Trung Quốc. Những dữ liệu này được phân bố dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa Ấn Độ và Trung Quốc dài 3.488 km.
Tờ Dakungpao Hồng Kông dẫn nguồn AFP nói Ấn Độ có thể mua một lô máy bay chiến đấu F-18 từ quân đội Mỹ. Tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Ấn Độ đưa tin rằng Mỹ và Ấn Độ sẽ ký một thỏa thuận tình báo không gian địa lý được gọi là Hiệp nghị Hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA) trong cuộc họp “2+2”, cho phép Ấn Độ có được dữ liệu và hình ảnh vệ tinh phân giải cao của Mỹ. Thỏa thuận này cũng sẽ cho phép Mỹ cung cấp cho Ấn Độ các máy bay không người lái vũ trang và các thiết bị hỗ trợ dẫn đường và điện tử hàng không khác.
Bốn vị Bộ trưởng chụp ảnh lưu niệm sau khi hội đàm và ký Hiệp ước BECA (Ảnh: Twitter@Secretary Pompeo) |
Dakungpao cho rằng, Mỹ không giấu giếm ý định lôi kéo các nước Ấn Độ, Australia và Nhật Bản để thành lập một “NATO phiên bản Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Nếu đạt được BECA, nó sẽ trở thành thỏa thuận quân sự cơ bản thứ tư mà Hoa Kỳ và Ấn Độ đạt được sau Thỏa thuận chung về an toàn thông tin quân sự năm 2002, Bản ghi nhớ về Thỏa thuận trao đổi hậu cần năm 2016 và Thỏa thuận về an ninh và tương thích giao thức truyền thông năm 2018. Bốn hiệp định này là văn kiện cơ bản mà Mỹ ký với các thành viên NATO và các đối tác quốc phòng khác, có thể nói là “cần thiết giữa các đồng minh”.
Trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) bình luận, chuyến đi của các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ tới Ấn Độ từ ngày 26 đến 27/10 là để thúc đẩy chiến lược ngoại giao chống Trung Quốc của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước sẽ ký thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo khu vực, mở đường cho việc Mỹ bán thêm công nghệ tên lửa cao cấp cho Ấn Độ. Các cuộc đàm phán “2+2” đã bị hoãn lại do dịch viêm phổi vương miện mới và cuối cùng diễn ra vào tuần trước cuộc bầu cử ở Mỹ.
Ông Pompeo sẽ đi thăm tiếp 4 nước trong khu vực. Vào tuần trước ông nói: “Các cuộc hội đàm trong chuyến đi này sẽ thảo luận về cách các quốc gia tự do có thể cùng nhau ngăn chặn mối đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Trước khi hai ông Pompeo và Esper đến Ấn Độ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun khi đến thăm nước này vào tuần trước, đã gọi Trung Quốc là “an elephant in the room” (một con voi nhốt trong phòng). Ông nhấn mạnh rằng Washington sẵn sàng thúc đẩy lợi ích của Ấn Độ trong khu vực và chống lại những rủi ro do mạng viễn thông công nghệ cao của Trung Quốc gây ra.
Aparna Pandey, Giám đốc Chương trình Ấn Độ và Đông Nam Á của Viện Hudson Institute, cho rằng Mỹ hy vọng sử dụng các cuộc đàm phán để thể hiện sự coi trọng của mình đối với Ấn Độ. Cho dù cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ đang diễn ra gay cấn, Pandey tin rằng ngay cả khi ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng, cũng sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ. “Khi quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, quốc gia nào muốn dựa vào Mỹ? Một kẻ thù tiếp giáp với Trung Quốc có lãnh thổ đã rơi vào tay Trung Quốc và có khả năng trở thành đối thủ của họ - đó là Ấn Độ”.
Quan hệ Trung-Ấn tiếp tục nóng lên. Quân đội hai nước đã hứng chịu thương vong trong các cuộc xung đột quân sự ở khu vực biên giới trên dãy Himalaya. Xung đột tương tự có thể sẽ lặp lại trước mùa đông. Ấn Độ cũng đã chặn một số ứng dụng của Trung Quốc như TikTok trong những tháng gần đây, gây ra sự bất bình ở Bắc Kinh.
Sau khi Donald Trump nhậm chức, ông đã tích cực tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn. Khi ông đến thăm Ấn Độ vào tháng 2 năm nay, hai nước đã đạt được thỏa thuận mua bán vũ khí trị giá hơn 3 tỷ USD. Từ năm 2000 đến nay, Mỹ đã bán vũ khí trị giá hơn 20 tỷ USD cho Ấn Độ. Ấn Độ cũng đang tìm kiếm hợp tác với Nga, Pháp và Israel để hiện đại hóa công nghệ quân sự. Các học giả tin rằng đường lối thân Mỹ của Ấn Độ tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng nước này cũng lo ngại sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đấu giữa hai cường quốc và cũng không muốn trở thành tiền tuyến chống Trung Quốc.
Sau khi hoàn thành chuyến đi đến Ấn Độ, ông Pompeo sẽ đến Maldives, Sri Lanka và Indonesia vào cuối tuần này. Ông là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm đảo quốc này kể từ năm 2004. Maldives đã đồng ý tăng cường hợp tác với Mỹ và ủng hộ “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” theo hiệp nghị quân sự giữa hai nước.
Năm nay,lần đầu tiên Australia sẽ tham gia cuộc diễn tập hải quân Malabar chung với Mỹ và Ấn Độ (Ảnh: Deutsche Welle). |
Ấn Độ luôn coi khu vực Ấn Độ Dương là vùng ảnh hưởng của mình, 7 năm trước, Mỹ đã cố gắng ký kết thỏa thuận quốc phòng với Maldives nhưng bị Ấn Độ phản đối. Nhưng trong những tháng gần đây, Ấn Độ đã công khai ủng hộ Mỹ và Maldives đạt được thỏa thuận hợp tác quân sự. Các nhà phân tích cho rằng sự thay đổi thái độ của Ấn Độ là do lo ngại về việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Nam Á và quan hệ căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong năm nay.
Theo bà Tanvi Madan, giám đốc dự án Ấn Độ của Viện Brookings, Ấn Độ trong quá khứ có thể không hài lòng với hành động của Mỹ ở Ấn Độ Dương, nhưng ngày nay họ không muốn Mỹ rời đi. Bởi vì đối với Ấn Độ và các nước Nam Á, Mỹ là một lựa chọn tốt hơn ngoài Trung Quốc. Bà nói: “Ấn Độ hiểu rằng họ không thể tự mình làm nên chuyện. Một mặt do năng lực hạn chế, mặt khác, Ấn Độ là gánh nặng trong quan hệ với một số nước, điều này khiến họ không muốn hợp tác với Ấn Độ”.
Trong chuyến thăm của ông, Mike Pompeo sẽ vận động các nước Nam và Đông Nam Á tẩy chay Trung Quốc trong các lĩnh vực khác nhau. Ông sẽ nhắc lại chiến lược chống Trung Quốc của chính quyền Trump và cũng sẽ đề cập đến các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc. Sri Lanka mắc nợ Trung Quốc rất lớn vì tham gia dự án “Vành đai, con đường”, trong khi Indonesia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, dự kiến ông Pompeo cũng sẽ động đến chủ đề này.