Giỗ Tổ: Cả nước có hơn 1.400 điểm thờ Vua Hùng

VietTimes -- Cả nước hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Riêng Phú Thọ có 326 di tích liên quan đến thời Hùng Vương, trong đó có 109 di tích thờ Vua Hùng. Đền Hùng là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam. 
Lễ Giỗ Tổ năm Canh Tý không được tổ chức dưới hình thức tập trung như mọi năm do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Ảnh: UBND tỉnh Phú Thọ.
Lễ Giỗ Tổ năm Canh Tý không được tổ chức dưới hình thức tập trung như mọi năm do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Ảnh: UBND tỉnh Phú Thọ.

Thông tin trên được UBND tỉnh Phú Thọ công bố trong dịp Giỗ Tổ năm nay. 

Cũng theo UBND tỉnh Phú Thọ, sự thành công lớn nhất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản chính là ý thức nguồn cội của hàng triệu người dân Đất Việt. Mùng 10/3 âm lịch hằng năm, các di tích đều đồng loạt tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương trang nghiêm, trọng thể có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.

Riêng năm nay, cầu đi bộ Mai An Tiêm vừa được khánh thành đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành một trong những điểm nhấn về cảnh quan trong quần thể Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, nối liền khu vực ngã 5 Đền Giếng với khu vực cảnh quan dưới chân núi Nón và khu dịch vụ Mai An Tiêm. Công trình được xây dựng với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng được lát đá tự nhiên chống trơn kết hợp hài hòa các tiểu cảnh và hệ thống điện chiếu sáng sẽ trở thành điểm “check-in” hấp dẫn với du khách về thăm Đền Hùng. 

Cầu đi bộ Mai An Tiêm nối liền khu vực ngã 5 Đền Giếng với khu vực cảnh quan dưới chân núi Nón và khu dịch vụ Mai An Tiêm trở thành một trong những điểm nhấn về cảnh quan trong quần thể Khu Di tich lịch sử Đền Hùng. Ảnh: UBND tỉnh Phú Thọ.
Cầu đi bộ Mai An Tiêm nối liền khu vực ngã 5 Đền Giếng với khu vực cảnh quan dưới chân núi Nón và khu dịch vụ Mai An Tiêm trở thành một trong những điểm nhấn về cảnh quan trong quần thể Khu Di tich lịch sử Đền Hùng. Ảnh: UBND tỉnh Phú Thọ.

UBND tỉnh Phú Thọ thông tin, di tích lịch sử Đền Hùng được quan tâm một cách toàn diện, thể hiện qua các chủ trương, chính sách và các văn bản về công tác quản lý, bảo vệ, đầu tư tôn tạo xây dựng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm.

Đáng chú ý là năm 2004, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2015. Năm 2005, Đền Tổ mẫu Âu Cơ được khánh thành trên đỉnh núi Vặn. Năm 2009, Đền Quốc tổ Lạc Long Quân được khánh thành trên đồi Sim.

Gần đây nhất vào năm 2017, Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở để đẩy mạnh thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của Đền Hùng, xứng đáng là nơi linh thiêng thờ tự các bậc tiền nhân có công dựng nước.

“Do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Ban Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu quyết định hoãn việc tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu trên môi trường thực tế - Lễ Giỗ Tổ tập trung (môi trường truyền thống) chuyển sang tổ chức trên không gian mạng internet với tên gọi “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu online” - bà Lê Thị Bích Yến - Chủ nhiệm Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - cho biết.