Giờ G ở Syria: Mỹ phá chiến lược Nga, Mátxcơva cao giọng

VietTimes -- Một loạt các sự cố quân sự liên quan đến Mỹ, Nga, và các đồng minh của hai nước ở Syria và khu vực Baltic đã khiến mối quan hệ Nga-Mỹ vốn căng thẳng lại càng thêm tổn thương. Để thể hiện sự bất mãn, Nga đã hủy cuộc đối thoại cấp cao giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon, vốn được dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 23/6 ở St. Petersburg.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga

Ông Ryabkov đã chỉ trích Mỹ vì đưa thêm 38 cá nhân và tổ chức vào danh sách trừng phạt để làm quà cho Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Vào ngày 20/6, ông Poroshenko đã đến Mỹ và gặp mặt Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng.

Theo ông Ryabkov, "Không có gì tốt đẹp đáng để thảo luận với Washington nữa cả." Ông Ryabkov cũng cáo buộc chính quyền Trump hỗ trợ "cuộc chiến ở Kiev" và "đi theo sự dẫn dắt của những người thù ghét Nga đang chiếm ưu thế trong Quốc hội Mỹ". Việc hủy bỏ cuộc đối thoại giữa hai Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov và Shannon khiến nhiều người nghi ngờ về cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Trump và ông Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức vào ngày 7 và 8/7.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, đã bác bỏ thông tin cuộc gặp giữa ông Ryabkov và ông Shannon bị hủy bỏ vì các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Thay vào đó, bà cho biết, Mátxcơva đã hủy cuộc gặp như “một động thái đáp trả không khí chung do Mỹ tạo ra". Theo bà Zakharova, Nga không cắt mọi tuyến liên lạc hay hủy bỏ khung tham vấn giữa ông Ryabkov và ông Shannon về lâu dài mà Mátxcơva chỉ hủy bỏ cuộc họp lần này mà thôi. Bà Zakharova cũng lên án quân đội Mỹ đã bắn hạ máy bay Su-22 của quân đội chính phủ Syria ở miền nam Raqqa hôm 18/6 vừa qua. Nga tuyên bố hành động đó là “vi phạm luật quốc tế và là một hành động xâm lược.”

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Mátxcơva yêu cầu chỉ huy quân đội Mỹ điều tra vụ việc và phải đảm bảo rằng những cuộc tấn công như vậy sẽ không tái diễn. Nga cũng quan ngại về việc Mỹ mở rộng căn cứ ở miền nam Syria, gần al-Tanf, gần biên giới Jordan. Ở al-Tanf, lực lượng đặc nhiệm Mỹ có nhiệm vụ huấn luyện cho các lực lượng đối lập ở địa phương và gần đây còn củng cố căn cứ với hệ thống pháo phản lực di động (HIMARS). Hệ thống này có thể được sử dụng để tấn công quân đội Syria và lực lượng dân quân dòng Shiite do Iran hậu thuẫn. Trong tháng 5, máy bay của Mỹ đã bắn rơi hai máy bay không người lái của Iran ở khu vực al-Tanf và hai lần ném bom vào khu vực của lực lượng ủng hộ Damascus và các lực lượng ủng hộ Iran.

Mỹ bắn rơi máy bay Su-22 của Quân đội chính phủ Syria hôm 18/6

Hôm 18/6, máy bay Super Hornet của Mỹ đã bắn rơi cường kích Su-22 của quân đội chính phủ Syria với cáo buộc máy bay này đang ném bom vào Lực lượng dân chủ Syria (SDF), lực lượng chống IS hiệu quả nhất do Mỹ hậu thuẫn. Khi khu vực kiểm soát của IS ngày càng bị thu hẹp thì các bên còn lại lại tăng cường chiếm lấy lãnh thổ và các nguồn lực, do đó khả năng xảy ra xung đột giữa các bên tham gia vào cuộc chiến ngày càng tăng lên.

Phía Nga và chính quyền Assad hôm 19/6 đã bác bỏ thông tin máy bay Su-22 đang ném bom SDF và tuyên bố sẽ “xem máy bay của Mỹ và đồng minh xuất hiện ở bờ Tây sông Euphrates như mục tiêu".

Động thái này được coi như lời đe dọa tấn công máy bay của liên minh nhưng thực tế không phải vậy. Nga chỉ đe dọa khóa mục tiêu và bám mục tiêu, nói cách khác đó là bước chuyển từ việc quét radar thông thường và việc khóa mục tiêu trước hoặc trong cuộc tấn công tên lửa vào máy bay. Khóa mục tiêu radar là một động thái thù địch, nhưng thực tế Nga vẫn làm như vậy từ rất lâu trước khi xảy ra sự cố Mỹ bắn hạ máy bay Syria.

Hôm 15/6, Trung úy Viktor Gumenniy, lãnh đạo lực lượng phòng thủ tên lửa và phòng không của Nga đã trả lời kênh Zvezda của Bộ Quốc phòng rằng “khi triển khai các nhiệm vụ chiến đấu ở Syria, nếu máy bay của liên minh tiến đến gần hệ thống phòng không của Nga, các cảm biến của những máy bay này phát sáng vì radar của chúng ta đã khóa mục tiêu và những máy bay này phải tránh xa khỏi phạm vi các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400".

Hiện nay, các đơn vị phòng không của Nga có thể được phép khóa mục tiêu vào máy bay của liên minh. Nhưng các căn cứ của Nga đang ở bên bờ Địa Trung Hải ở Latakia và Tartus, cách sông Euphrates cả một dãy núi. Khả năng bắt bám và khóa mục tiêu máy bay của liên minh gần Raqqa hay al-Tanf do đó vẫn khá hạn chế. Mátxcơva chắc chắn rất tức giận vì Mỹ bắn rơi máy bay của Syria, nhưng có lẽ Nga không hề sẵn sàng gây chiến với Mỹ chỉ vì sự cố này.

Hôm 15/6, ông Putin cũng đã mô tả kế hoạch của Nga ở Syria như sau: “Chúng tôi sẽ nâng cao hơn nữa khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lực lượng vũ trang Syria (SAF), để họ có thể tự chiến đấu bằng chính sức mình, trong khi chúng tôi bình tĩnh rút lui khỏi các căn cứ ở Tartus và Hmeimim, cũng có thể đôi lúc chúng tôi sẽ hỗ trợ SAF trên không".

Chiến lược rút lực lượng Nga còn phụ thuộc vào việc quân đội Nga duy trì ưu thế vượt trội trên không, ưu thế vốn giúp Nga xoay chuyển tình thế trong cuộc nội chiến Syria kể từ khi nước này tham gia vào tháng 9/2015. Nga cũng đã đầu tư mạnh vào việc tái thiết và khôi phục lại quân đội Syria. Hơn nữa Nga cũng đã đưa không quân Syria quay trở lại hoạt động hiệu quả, và giờ đây Mỹ lại đang cố gắng để phá hoại chiến lược của Nga.

Theo giới quan sát, Nga dù cao giọng nhưng vẫn hành động hết sức thận trọng. Do đó, khả năng cao là cuộc gặp tới đây của ông Trump và ông Putin cũng vẫn diễn ra như dự kiến và có thể sẽ giúp làm giảm đáng kể những căng thẳng hiện nay, kể cả nếu hai bên không đạt được giải pháp trong vấn đề nào.