Trò chuyện với TS Trần Đình Thiên về dịch Covid:

Giàu có vật chất chưa phải là tất cả

VietTimes -- Do covid-19, con người phát hiện lại một điều: giàu có vật chất chưa phải là tất cả. Tăng trưởng nhanh không hẳn là tốt khi nó đánh đổi quá nhiều thứ của cuộc sống: Môi trường trong lành và sự bình yên. Còn có thứ khác cũng rất đáng giá và đáng quý, thậm chí còn hơn cả sự giàu có tiền bạc – đó là tình người, là sự chia sẻ khó khăn với đồng loại, là sống cùng nhau.
Do covid-19 con người phát hiện ra rất nhiều điều- Ảnh internet.
Do covid-19 con người phát hiện ra rất nhiều điều- Ảnh internet.

 Có thứ rất đáng giá, thậm chí còn hơn cả sự giàu có tiền bạc

Trong cuốn sách nổi tiếng thời bao cấp ở thế kỷ trước “Qui luật của muôn đời”, nhà văn Liên Xô Nodar Dumbatze có nói: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác... Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi... Bởi thế người đời chúng ta, chừng nào còn sống, phải ra sức giúp đỡ nhau, cố làm cho tâm hồn trở nên bất tử, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ thế đến vô cùng...”

Tôi thấy trên facebook một số hiện tượng sau:

Chẳng hạn, FB có tên là FBKN của các thành viên Khoa Nga Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Bình thường trước đây họ hầu như rủ nhau đi ăn chơi, du lịch, nhưng khi dịch xảy ra, họ đã quyên góp trong nhóm được 600 triệu tặng cho Bệnh viện Bạch Mai.

Hay trên FB Thao Hoang, tôi thấy đăng liên tục các phương pháp phòng chữa cúm, trong đó có virus Covid, cũng như cập nhật chuyện phòng chống Covid trên thế giới…

Trong thời kỳ dịch bệnh Covid này, ông có nhận thấy tình người được thể hiện nhiều nhất không?

"Chính phủ tạo được sự đồng thuận xã hội và lòng tin của dân. Đây là điểm rất cốt lõi trong phát triển của Việt Nam"- TS Trần Đình Thiên- Ảnh HN.
"Chính phủ tạo được sự đồng thuận xã hội và lòng tin của dân. Đây là điểm rất cốt lõi trong phát triển của Việt Nam"- TS Trần Đình Thiên- Ảnh HN.

TS Trần Đình Thiên: Đúng là tâm hồn con người hóa ra nặng hơn trăm lần thể xác. May mà trạng thái đó xẩy ra ít thôi, chứ nếu suốt cuộc đời lúc nào cũng vậy thì đến cả Ông Dumbatze chắc cũng không có lúc nào đứng thẳng người lên được.

Điều may mắn là nhờ những thời điểm hiếm hoi đó, con người có “khoảng lặng” để quên đi cái guồng quay vẫn cuốn người ta đi mỗi ngày, không cho họ giờ phút nào bình tĩnh, để hồi cố và suy nghĩ một cách thấu đáo những câu hỏi đơn giản nhất của cuộc sống: sống để làm gì, có cần sống như đã sống không, những gì đã bị bỏ quên, bỏ qua – có thể lấy lại và không thể lấy lại được.

Những giây phút đó là vô cùng đáng quý. Vì nó hiếm, nó giúp người ta “phát hiện” ra phần đích thực còn lại của cuộc sống.

Nhưng tôi xin nói: đừng chỉ vì cái giây phút đó mà bác bỏ, phủ nhận những gì thường nhật, dù trong đó có thể có đầy thứ sai lầm. Không có những thứ sai lầm này thì cũng chẳng có cái giây phút “tâm hồn trở nên nặng trĩu” quý giá kia đâu. Một cách triết lý – có thể hơi “dzỏm”, có thể nói: không có sai lầm thì cuộc đời cũng vô vị lắm!

Cái hình ảnh của nhà văn Dumbatze được nêu lại ở trên, thật hay, rất hợp để so sánh với con covid: một thứ - giống như tâm hồn - vô hình, hầu như không trọng lượng, đang đè cả nhân loại, với hơn 7 tỷ người bằng xương bằng thịt, có trí tuệ dẫn dắt, không cho cựa quậy. Loài người đang bị vô hiệu hóa trên nhiều tuyến hoạt động, các mối liên kết kinh tế toàn cầu bị phá vỡ, các đường bay bị khóa chặt, hơn 5 tỷ người bị nhốt cả tháng trời theo đúng nghĩa đen.

Chưa bao giờ cả nhân loại lâm vào tình trạng gay go, khổ sở như vậy. Và đó là lúc con người đối diện với chính mình, hồi cố, chiêm nghiệm, phê phán, và phát hiện lại những thứ bị bỏ quên hoặc “cứ tưởng đúng, hóa ra sai”.

Do covid-19, con người phát hiện lại một điều: giàu có vật chất không phải là tất cả. Tăng trưởng nhanh không hẳn là tốt khi nó đánh đổi quá nhiều thứ của cuộc sống: môi trường trong lành và sự bình yên. Còn có thứ khác cũng rất đáng giá và đáng quý, thậm chí còn hơn cả sự giàu có tiền bạc – đó là tình người, là sự chia sẻ khó khăn với đồng loại, là sống cùng nhau.

Những ví dụ anh nêu trên về những hành động trở lại với “lương tâm con người”, nhờ con Covid-19 vô hình là đúng quy luật thôi. Những hành động đó chứa đựng tinh thần “sám hối” của mỗi người, chứ không đơn thuần là một sự giúp đỡ cụ thể. Chúng định hình lại giá trị sống, chắc chắn là đúng đắn hơn, cho mỗi chúng ta. Vì thế, chúng rất đáng trân trọng, cần được khơi dậy, tích cực cổ động và tự mình tham gia hành động.

Tình người trong những lúc khó khăn- Ảnh internet.
Tình người trong những lúc khó khăn- Ảnh internet.

Tuy nhiên, dầu sao, tôi vẫn xin lưu ý hai điều.

Thứ nhất, con virus covid -19 chỉ là sự tiếp tục, nhưng đẩy đến mức tận cùng, những đòi hỏi thay đổi mà loài người vẫn thường trăn trở. Những ý tưởng “sống chậm”, “nghĩ chậm” hay “sống tối giản”, v.v. đã từng được đặt ra không chỉ một lần.

Thứ hai, đại dịch covid-19 nhắc nhở về tại họa của sự cân bằng, sự thiên lệch trong phát triển và trong đời sống. Nó yêu cầu người ta đừng quá chú trọng đến miếng ăn, sự giàu có của cải mà quên đi cuộc sống tinh thần; rằng đừng quá ham mê làm giàu quá độ mà “bất cận nhân tình”. Nghĩa là đừng có quá đà vào một thứ, chứ không phải bác bỏ sạch trơn thứ kia.

Cũng trong cuốn sách kể trên, nhà văn Dumbatze có nói rằng, “Con người cần ốm nặng ít nhất là một lần trong đời. Như vậy người đó sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại một cách tỉnh táo và bình tĩnh toàn bộ quãng đời đã qua...”

Dịch Covid bắt đầu từ đầu năm, và cao điểm là 3 tuần cách ly vừa kết thúc, cũng coi như trận ốm, đối với không chỉ một người, mà gần cả một dân tộc. Vậy chúng ta đã có những phân tích và đánh giá gì về những thứ chúng ta đã trải qua, thưa ông?

-Cũng giống như trong y học thôi. Tôi thấy y học có lời khuyên là thỉnh thoảng nhịn ăn để “thanh tẩy” hệ tiêu hóa, qua đó, làm “sạch” cơ thể. Nhiều người thực hành, và thấy có lý. Thời gian nhịn đói là để cơ thể rà soát lại năng lực đích thực của hệ thống, phát hiện các vấn đề, sau đó, có thể điều chỉnh lại “cấu trúc” và “cơ chế” hoạt động, sau đó, tái khởi động.

Đợt dịch covid-19 này chính là quãng thời gian “nhịn đói” đó, hay như Ông Dumbatze nói, là lúc ốm nặng để con người – mỗi người, từng quốc gia và cả loài người – chiêm nghiệm và kiểm định lại chính mình – cách sống, cách phát triển, hệ giá trị, giá phải trả và những điều phải làm.

Ở tầm chung, rõ ràng loài người đang phải đặt lại toàn bộ vấn đề tăng trưởng và phát triển. Sự trả giá cho tăng trưởng đã được nói đến nhiều, song chỉ đến đại dịch covid-19, mọi chuyện mới được phơi bày rõ ràng – nỗ lực tăng trưởng “điên cuồng” bằng cách hủy hoại môi trường sinh thái, ào ạt đầu tư vào một chỗ, một nước, trong một quãng thời gian ngắn, để “tận dụng thời cơ”, thực chất là kiếm lợi nhuận tối đa, bỏ rơi nhiều vùng, nhiều nước, bỏ qua mọi cảnh báo về nguy cơ lệ thuộc phát triển, bất bình đẳng và khốn cùng gia tăng.

Dịch covid-19 cũng chứng tỏ cách thức toàn cầu hóa là một động lực mạnh thúc đẩy dịch lây lan nhanh và rộng khắp ra toàn cầu. Mở cửa rộng, hội nhập nhanh hóa ra là một điểm yếu chí tử. Cho nên, không phải tình cờ khi dịch bệnh lan tràn và cực kỳ khó kiểm soát ở các quốc gia phát triển cao; còn những trung tâm bùng phát dịch mạnh nhất thường là những đô thị - trung tâm hội nhập quốc tế lớn.

Những bài học này là rất đắt, vì thế rất đáng quý, cho mọi quốc gia.

Đối với Việt Nam, ngoài những bài học chung nêu trên, qua cơn đại dịch này (nhưng Việt Nam chưa bị “dịch”, chỉ mới là một số người mắc bệnh, vì Việt Nam phòng chống dịch thành công), chắc chắn rút ra được nhiều bài học khác.

Ở cấp độ quốc gia, tôi muốn nhấn mạnh bài học về việc khơi dậy tinh thần và trách nhiệm cộng đồng của mỗi cá nhân và toàn xã hội, do Nhà nước chủ xướng và cầm nhịp. Việc cố kết cả dân tộc thành một khối sức mạnh khi “Tổ quốc bị xâm lăng” chứng minh sức mạnh chiến thắng của dân tộc, trong trường hợp dịch Covid-19 này – là việc làm mới một bài học lịch sử đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát cách đây 60 năm. Bài học đó là cho mỗi người, và đặc biệt, cho việc lãnh đạo phát triển một quốc gia.

Chống dịch đâu phải chỉ là kiểm tra sức khỏe…

Nhà nghiên cứu Việt Nam hàng đầu thế giới GS Carl Thayer đã trả lời Báo Lao động ngày 16/4 rằng “Tôi có ấn tượng rằng chính phủ Việt Nam nhận được sự ủng hộ của người dân trong những biện pháp nghiêm ngặt để nỗ lực kiềm chế dịch COVID-19, vì người dân tin tưởng vào các quyết sách của chính phủ. Điều này phản ánh văn hóa xã hội Việt Nam đặt cộng đồng lên trên cá nhân trong thời kỳ khủng hoảng... Các chính sách của chính phủ sẽ thất bại và virus sẽ lây lan nếu người dân phớt lờ.”

Ông có chia sẻ điều đó không? Và nếu muốn bổ sung, ông sẽ nói những gì?

-GS. Carl Thayer là người rất am hiểu Việt Nam, đặc biệt là nền chính trị Việt Nam. Điều ông nói mà anh nêu trên là rất đúng. Công của Chính phủ trong thành công chống dịch covid-19 lần này là rất lớn. Nhờ bình tĩnh, nhờ biết tổ chức và điều hành “cuộc chiến” trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” nên Chính phủ huy động và tạo lập được sức mạnh tập trung, có kỷ luận của cả xã hội.

Trong tình thế nguy nan, làm được như vậy nên Chính phủ tạo được sự đồng thuận xã hội và lòng tin của dân. Đây là điểm rất cốt lõi trong phát triển của Việt Nam.

Tại sao Bác Hồ phải dùng điệp ngữ “đoàn kết”, nhấn mạnh “đại đoàn kết” trong câu khẩu hiệu chiến lược quan trọng bậc nhất của cách mạng Việt Nam? Đơn giản vì đó là điểm mấu chốt của thắng lơi, vì “đoàn kết” không phải là thứ dễ tạo ra, nhất là trong điều kiện “thời bình”.

Khi phóng viên báo Lao Động hỏi GS Thayer liệu Việt Nam có nên truyền lại những kinh nghiệm chống Covid đối với những nước khác, GS Thayer nói “Các nhà khoa học và bác sĩ Việt Nam cần nhanh chóng tiến hành nghiên cứu virus và chia sẻ dữ liệu với Tổ chức Y tế Thế giới, các thể chế đa phương và các quốc gia khác. Việt Nam là một nước đang phát triển, nếu có những đóng góp thiết thực này sẽ truyền cảm hứng cho các nước khác noi theo.

Nhưng có một cách nhanh hơn và hiệu quả hơn là truyền bá những kinh nghiệm này qua truyền thông. Nhưng hình như về việc này Việt Nam lại làm không tốt lắm.

Ví dụ, phóng viên của BBC World News TV đã liên hệ với một số quan chức Việt Nam để hỏi về làm sao Việt Nam lại thành công trong việc phòng chống dịch, nhưng những người đó hoặc từ chối, hoặc giới thiệu người khác…

Tôi biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà biết việc này ông sẽ rất buồn. Hồi còn làm chủ tịch Quảng Nam, ông đã rất lưu ý đến vai trò quảng bá do các hãng truyền thông lớn tiến hành.

Ông nghĩ sao về việc này?

-Nhận định này tôi cho là đúng. Tất nhiên, Việt Nam đang cố gắng sử dụng truyền thông tốt hơn để truyền tải kinh nghiệm chống dịch cho thế giới, qua đó, nâng cao vị thế và hình ảnh của mình.

Nhưng cũng đúng là vì nhiều lý do, trong nhiều trường hợp, vẫn có sự e ngại, thiếu tự tin khi được hỏi về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam. Một số cơ quan truyền thông thì vẫn khá thụ động trong việc đưa tin, hình như phải chờ đợi các “thông báo chính thức” hay sự cho phép nào đó.

Nguyên nhân của tình hình nêu trên có rất nhiều. Sẽ phải mổ xẻ, phân tích tận căn nguyên của vấn đề chậm cải thiện tình trạng công khai minh bạch.

Dịch covid-19 có thể là một cơ hội để thúc đẩy giải quyết vấn đề chăng?

Có phải một trong những lý do là do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid gồm toàn người của bên y tế? Lẽ ra, ban chỉ đạo này phải bao gồm cả những đại diện cho những ngành chịu tác động của dịch. Chẳng hạn, các ngành kinh tế, hay du lịch, giáo dục, nơi học sinh – sinh viên phải nghỉ học và học qua mạng…

-Đây là câu hỏi hay. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch có đông chuyên gia y tế thì đúng rồi. Nhưng nếu “chỉ có chuyên gia y tế” thì quả thật không ổn. Vì chống dịch – nhất là như dịch covid-19 - đâu phải chỉ là kiểm tra sức khỏe hay chữa bệnh. Còn rất nhiều việc quan trọng liên quan đến các mặt khác của đời sống kinh tế - xã hội, đối nội – đối ngoại nữa chứ. Rồi không chỉ bàn đến chống dịch theo nghĩa chữa bệnh mà còn phải bàn đến cả vấn đề học hành, việc làm, dời sống của dân – và đặc biệt, sự sống còn của các doanh nghiệp khi con covid nó làm đứt hết các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thách thức, nguy cơ là toàn diện. Hậu quả nghiêm trọng là trên toàn tuyến.

Vì thế, Ban chỉ đạo chống dịch có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế - xã hội vào nữa thì tôi tin các quyết định đưa ra sẽ có luận cứ đầy đủ hơn, dễ chính xác hơn, do đó, tạo lòng tin trong xã hội cao hơn

(Còn tiếp)