|
Ảnh minh họa |
Tăng phi mã
Đây là số liệu trong dự thảo “Đề án Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững” mà Vụ Ngân sách Nhà nước thuộc Bộ Tài chính vừa có công văn xin ý kiến các bên liên quan.
Đáng chú ý, trong giai đoạn trước khi có Luật nợ công (2006-2010), nợ công của Việt Nam chỉ có 1.006 nghìn tỷ đồng, bình quân 201 nghìn tỷ đồng/năm thì đến giai đoạn 2011-2015 con số này đã vọt lên 2.479 nghìn tỷ đồng, bình quân 496 nghìn tỷ đồng/năm; tốc độ tăng bình quân hàng năm đã tiệm cận ở mức 16%.
Dự thảo này cũng cho biết, qui mô nợ công đã tăng rất nhanh qua các năm, từ 43% GDP năm 2006 lên 51,7% năm 2010 và 62,2% năm 2015.
Mặc dù có những ý kiến trái chiều, nhưng về cơ bản với tỷ lệ nợ công/GDP là 62,2% tuy vẫn phù hợp các chuẩn mực, thông lệ quốc tế nhưng cũng đã tiến sát đến giới hạn Quốc hội đề ra là 65%, và nếu không được kiểm soát tốt việc vượt ngưỡng tối ưu có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro và hệ lụy.
Về cơ cấu, vốn vay Chính phủ chiếm đa số với 78% (bình quân 386 nghìn tỷ đồng/năm), đứng thứ 2 là bảo lãnh Chính phủ chiếm 20% (bình quân 98 nghìn tỷ đồng/năm); và vay của chính quyền địa phương chiếm khoảng trên 2%(gần 12 nghìn tỷ đồng/năm)
Trong vay nợ của Chính phủ, phát hành TPCP đạt trên 927 nghìn tỷ đồng (bình quân trên 185 nghìn tỷ đồng/năm) với tốc độ tăng nhanh, bình quân 34%/năm. Năm 2010, kỳ hạn phát hành TPCP bình quân rơi vào khoảng 4,1 năm. Chính vì vậy, đến năm 2014, một loạt các khoản TPCP đồng loạt đến hạn thanh toán và Chính phủ tiếp tục phát hành TPCP mới nên NSNN không thể đáp ứng. Vì thế, để tránh rủi ro, Quốc hội đã qui định kỳ hạn TPCP phải trên 5 năm vào năm 2015 nên kỳ hạn bình quân giai đoạn này đã tăng lên 7 năm.
Thông tin về các khoản vay ODA, ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài đã ký kết đạt 28.140 triệu USD; trong đó vốn đã giải ngân khoảng 22.849 triệu USD, bình quân 4.570 triệu USD/năm, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010.
Cũng trong giai đoạn này, nhằm bù đắp bội chi NSNN và tái cơ cấu nợ Chính phủ, Bộ Tài chính huy đã huy động các nguồn vốn trong nước khác nhưng chỉ “vỏn vẹn” có 478 tỷ đồng, bình quân có 96 tỷ đồng/năm.
Về bảo lãnh Chính phủ, tính đến cuối 2015, tổng giá trị cấp bảo lãnh nước ngoài là 16.139 triệu USD, tương đương 339 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân gần 50%/năm. Bảo lãnh vay trong nước chủ yếu là bảo lãnh phát hành trái phiếu của 2 ngân hàng chính sách và cấp bảo lãnh vay từ các NHTM trong nước cho các dự án trọng điểm. Lũy kế đến 31/12/2015, tổng số dự án trong nước được cấp bảo lãnh là 26 khoản vay, chủ yếu là lĩnh vực điện với 8 dự án chiếm tới 68% tổng giá trị vốn bảo lãnh và dầu khí là 7 dự án chiếm 24% tổng giá trị vốn bảo lãnh.
Vốn vay được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng tăng nhanh, tính tổng giá trị vay vốn giai đoạn 2011-2015 đạt 489 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân gần 50%, trong đó bảo lãnh vay trong nước chiếm khoảng 54% và bảo lãnh vay nước ngoài chiếm khoảng 46%.
Vay vốn của chính quyền địa phương đạt hơn 70 nghìn tỷ đồng, bình quân khoảng 12 nghìn tỷ đồng/năm với dư nợ của chính quyền địa phương đến 31/12/2015 ở mức 36 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% GDP.
Thách thức
Nội dung dự thảo cũng cho biết, bên cạnh việc đề cao kiểm soát nợ công, hoạt động giám sát về tình trạng nợ công ngày càng được chú trọng, chặt chẽ và thường xuyên hơn ở tất cả các cấp và các quan chuyên ngành có liên quan. Đồng thời, một số tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế (Quỹ tiền tệ quốc tế, WB, ADB) cũng đánh giá chỉ tiêu về nợ của Việt Nam hiện tại vẫn nằm trong giới hạn an toàn, phù hợp với khuyến nghị của các tổ chức tài chính quốc tế . Nhưng vấn đề an toàn, bền vững nợ công đang gặp một số thách thức như sau:
Thứ nhất, tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các giới hạn nợ. Cần phải nhận thức rõ các chỉ số nợ đã tiệm cận giới hạn quy định, trong khi các điều kiện KT- XH biến động khó lường, như vấn đề Brexit hay Formosa, nếu diễn biến bất lợi tiếp tục xuất hiện, các giới hạn nợ hoàn toàn có thể bị phá vỡ. Kể cả khi với các điều kiện kinh tế tài chính hiện tại, việc đảm bảo duy trì các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép cũng gặp nhiều khó khăn bởi tốc độ tăng nợ công bình quân giai đoạn 2011-2015 là 18,4%/năm, cao hơn nhiều so với các mục tiêu tăng trưởng GDP và chỉ số giá giai đoạn 2016-2017 (tăng trưởng GDP bình quân 6,7-7% (?) ; chỉ số giá dưới 5%)
Thứ hai, hiệu quả quản lý huy động, sử dụng nợ công không cao dẫn đến làm tăng nhu cầu vay nợ, hạn chế khả năng tạo nguồn trả nợ; đồng thời tiền ẩn nguy cơ vượt các giới hạn nợ.
Bất cập trong việc xây dựng kế hoạch huy động, phân bổ sử dụng vốn vay vẫn chưa căn cứ vào các hạn mức nợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi đã vay thì mới tổng hợp đưa vào ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công dẫn đến vượt dự toán và mức bội chi ngân sách đã được Quốc hội quy định. Nhiều Bộ, ngành, địa phương vẫn có tư tưởng dựa vào sự bao cấp Nhà nước nên phê duyệt nhiều dự án với quy mô và tổng mức đầu tư cao, không tính toán đầy đủ các yếu tố chi phí hoặc điều chỉnh quy mô, gây áp lực đối với cân đối nguồn vốn, làm phát sinh tăng khối lượng vốn lớn, kéo dài thời gian thi công,chậm đựa vào khai thác sử dụng làm tăng nợ công, hạn chế khả năng tạo nguồn cho NSNN để trả nợ.
Thứ ba, nghĩa vụ nọ dự phòng lớn, gây áp lực đối với chi NSNN và khả năng chi trả của NSNN; Bảo lãnh Chính phủ đang tăng phi mã, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số chương trình, dự án sử dụng vốn vay không hiệu quả, không trả được nợ ngân sách nhà nước, Quỹ Tích lũy phải ứng vốn để trả nợ hoặc phải chuyển sang hình thức nhà nước đầu tư trực tiếp (cấp phát) như các khoản vay của VEC và SBIC, một số khoản vay trong lĩnh vực xi măng, giấy, thép, hóa chất, thủy điện…
Thứ tư, phát sinh rủi ro danh mục nợ công, cơ cấu nợ chưa bền vững.
Rủi ro thanh khoản/tái cấp vốn có xu hướng gia tăng. Đối vơi nợ trong nước: do khối lượng huy động tăng nhanh, tuy kỳ hạn phát hành có được cải thiện gần đây nhưng thời gian đáo hạn bình quân danh mục nợ vẫn ngắn và lịch trả nợ không đều, dẫn đến nghĩa vụ trả nợ tập trung cao vào một số năm.
Đối với các khoản nợ trong nước được Chính phủ bảo lãnh, rủi ro tái cấp vốn chủ yếu phát sinh từ bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các ngân hàng chính sách do mất cân đối về kỳ hạn giữa các khoản vay và thời gian hoàn vốn các dự án đầu tư.
Đối với nợ nước ngoài: rủi ro gắn với các dự án vay lại, bảo lãnh Chính phủ gặp khó khăn không trả nợ được, phải tái cơ cấu tại chính hoặc chuyển sang cơ chế nhà nước đầu tư vốn, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ, chủ yếu tập trung vào một số ngành như xi măng, giao thông, thủy điện…
Về rủi ro tỷ giá, nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn tập trung vào 3 loại tiền chủ đạo USD, JPY và EUR (chiếm tỷ lệ 44%, 32% và 17% dự nợ ngoại tệ của Chính phủ đến cuối năm 2015), là những đồng tiền có biến động lớn. Trường hợp ngoại tệ này tiếp tục biến động bất lợi trong tương lai hoặc NHNN điều chỉnh mạnh tỷ giá sẽ làm tăng chi phí trả nợ và giá trị danh nghĩa các khoản nợ nước ngoài theo đồng VN, tác động tới các giới hạn nợ.
Trách nhiệm với tương lai
Dù được vay với lãi suất thấp chỉ từ 1 -2%, tuy nhiên, đã vay là phải trả. Nhưng thực sự lấy nguồn trả ở đâu thì chúng ta lại đang thực sự khó khăn. Thực tế những năm gần đây, ngân sách năm nào cũng bội chi, thâm hụt, nên để trả những khoản vay cũ sẽ lại phát sinh những khoản vay mới. Bên cạnh đó, một mặt việc bảo lãnh Chính phủ có tốc độ tăng quá nhanh (50%) , một mặt hàng loạt các dự án nghìn tỷ hoạt động không hiệu quả hoặc không hoạt động được cũng dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng sử dụng vốn vay rất lãng phí.
Một chuyên gia kinh tế cho biết, các khoản nợ vay cần phải được sử dụng một cách hiệu quả tránh thất thoát. Thay vì cứ thấy lãi suất thấp là thoải mái vay, cần phải tính toán cả phương án tái tạo ngoại tệ để trả nợ, vấn đề là phải giữ uy tín, chứ vài năm nữa con cháu chúng ta biết lấy gì hoặc vay đâu để mà trả nợ.