Vị "giáo sư khủng hoảng" bắt mạch tình hình hiện nay như sau: Tăng trưởng của Trung Quốc đang hụt hơi, mọi người lo ngại đà phục hồi của kinh tế Mỹ chựng lại sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) tăng lãi suất, bất ổn về địa chính trị tại Trung Đông, giá dầu lửa liên tục lao dốc, các tập đoàn chủ yếu là của Mỹ ngập trong cảnh nợ nần chồng chất. Dù vậy trên các sàn chứng khoán nhìn chung, cho tới những ngày gần đây chỉ số vẫn tăng cao. Hiện tượng đó không thể kéo dài.
Thêm nữa, kinh tế của thế giới đang đứng trước 5 hiện tượng mà giáo sư Roubini gọi là những «điều bất thường»: Một là tiềm năng tăng trưởng của cả các nền kinh tế phát triển lẫn các nước đang trỗi dậy đều bị giảm sụt. Hai là do tỷ lệ tăng trưởng thực sự của thế giới vẫn không cất cánh nổi. Đáng quan ngại nhất là trường hợp của châu Âu. Lý do thứ ba liên quan đến chính sách tiền tệ của thế giới.
Theo chuyên gia người Mỹ, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đua nhau áp dụng chính sách «tiền rẻ» để kích thích tiêu thụ và đầu tư. Hậu quả về lâu về dài, trên nguyên tắc là lạm phát tăng lên, đồng đô la mất giá, vàng và dầu hỏa thì tăng giá.
Sau 7 năm liên tiếp Âu – Mỹ, Nhật Bản và cả Trung Quốc cùng nới lỏng chính sách tiền tệ, tất cả những tác động mọi người chờ đợi nói trên đều không xảy ra : đồng đô la tăng giá, dầu hỏa tuột dốc đến mức thấp chưa từng thấy, lạm phát thì gần như ở số không. Đó chính là nghịch lý thứ tư trong mắt giáo sư Roubini.
Điều bất thường cuối cùng, là giá vật liệu trên thế giới đồng loạt giảm sụt, trong lúc thế giới đang ngồi trên nhiều thùng thuốc nổ, từ khủng hoảng về bản sắc tại châu Âu tới khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông, giếng dầu của nhân loại.