|
Đức Hồng y Baldassare Reina của Giáo phận Rome đã chủ sự thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican hôm 28/4 để tưởng nhớ Đức Giáo hoàng Francis. Ảnh: EPA. |
Hãng tin Reuters đưa tin, những vấn đề nổi cộm trước mắt bao gồm mất cân bằng trong thu chi tài chính ngày càng lớn của Vatican, sự suy giảm liên tục về số người đi lễ nhà thờ ở nhiều nước phương Tây và các cuộc tranh luận về giáo lý liên quan đến việc phong chức cho nữ giáo sĩ và sự hòa nhập của cộng đồng LGBTQ, những vấn đề này báo trước sẽ xuất hiện những sự bất đồng chia rẽ lớn sắp tới.
Tình trạng thâm hụt ngân sách của Vatican là một trong những vấn đề gây lo ngại nhất đối với Đức Giáo hoàng Francis trong suốt nhiệm kỳ của ngài. Tuần trước, Vatican đã công bố một tuyên bố bằng video cho biết Đức Giáo hoàng Francis đã qua đời vào ngày 21/4 ở tuổi 88.
Vào tháng 2 năm nay, ba ngày trước khi Giáo hoàng nhập viện, ông đã ra lệnh thành lập một ủy ban cấp cao mới để khuyến khích các khoản quyên góp từ bên ngoài. Vatican hiện đang phải vật lộn với ngân sách eo hẹp và phải đối mặt với vấn đề nợ ngày càng tăng trong tiền lương hưu của các giáo sĩ.
Hai nguồn tin cho Reuters biết, kể từ năm 2022 đến nay, Tòa thánh Vatican không công bố báo cáo ngân sách đầy đủ, nhưng một báo cáo gần đây nhất được phê duyệt vào giữa năm 2024 cho thấy thâm hụt tài chính đã lên tới 83 triệu EUR (khoảng 95 triệu USD).
Bộ trưởng tài chính Tòa thánh Vatican năm 2022 ước tính, tổng số tiền thiếu hụt của quỹ lương hưu đã tăng lên tới 631 triệu EUR. Tòa thánh vẫn chưa cập nhật con số mới nhất, nhưng nhiều người trong cuộc nói với Reuters họ tin rằng con số này đã tăng lên nhiều.
Thomas Reese, một linh mục dòng Tên (Jesuit) đã viết bài bình luận về tình hình tài chính của Vatican, cho biết tình hình khó khăn về ngân sách có thể "ảnh hưởng rất lớn" đến các vị Hồng y sẽ họp vào tuần tới tại Mật nghị để bầu ra giáo hoàng mới.
Theo thống kê của Vatican, các quốc gia có tỷ lệ rửa tội cho trẻ sơ sinh trên 1.000 tín đồ Công giáo cao nhất bao gồm American Samoa (Samoa thuộc Mỹ), một số quốc đảo ở châu Đại Dương, quốc gia Burundi ở châu Phi, Timor Leste và Myanmar.
Đồng thời, các nhà thờ Công giáo ở nhiều nước châu Âu vẫn tiếp tục bị giảm số tín đồ. Hội đồng Giám mục Đức vào đầu năm nay đã báo cáo rằng nước Đức trong năm 2024 chỉ thụ phong 29 linh mục mới, một mức thấp kỷ lục, và số liệu thống kê cho thấy có khoảng 321.000 tín đồ đã rời bỏ giáo hội Công giáo Đức trong năm ngoái.
Về các cuộc tranh luận về giáo lý, cố Giáo hoàng Francis chủ trương tìm cách mở ra việc Giáo hội Công giáo chấp nhận các cuộc đối thoại mới, bao gồm các chủ đề như việc phong chức linh mục cho phụ nữ, vốn đã bị cấm kỵ trong nhiều thập kỷ qua. Giáo hoàng Francis cũng cho phép giáo sĩ ban phước cho các cặp đôi đồng giới tùy theo hoàn cảnh.
Tuy nhiên, các động thái này của ông đã vấp phải sự chỉ trích từ những người bảo thủ, trong đó có không ít vị hồng y; những người này lo ngại Giáo hoàng đang làm suy yếu đức tin; một số hồng y chủ chăn các giáo phận, tổng giáo phận đã kêu gọi Giáo hội điều chỉnh phương hướng của mình.
Quy trình Vatican lựa chọn Giáo hoàng mới: Mật nghị Hồng y bắt đầu khi nào?
Hàng trăm nghìn người tiễn biệt Giáo hoàng Francis lần cuối
Bí ẩn Nhẫn ngư phủ: Tại sao biểu tượng quyền lực của Giáo hoàng bị tiêu hủy?
Theo Worldjournal