|
Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (Ảnh - HĐND TP. HN) |
F0 liên tục tăng, dịch đã lây sâu trong cộng đồng
Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 vào sáng nay, ngày 9/12, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết: Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố diễn biến hết sức phức tạp. Từ ngày 11/10 (thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ), số ca mắc tăng cao, điển hình là trong ngày 6/12 ghi nhận số ca mắc cao nhất từ trước đến nay 774 ca. Ngay trong sáng nay (9/12) đã có 172 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Bà Hà dự báo: “Các ca mắc COVID-19 sẽ tiếp tục tăng cao ở tất cả các quận, huyện, có thể sẽ lên đến 1.000 ca/ngày trong thời gian tới vì dịch đã lây lan sâu trong cộng đồng. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng hơn Beta và Delta”.
|
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, ca mắc COVID-19 sẽ tiếp tục tăng cao ở tất cả các quận, huyện, có thể sẽ lên đến 1.000 ca/ngày (Ảnh - HĐND TP. HN) |
Theo bà Hà, mặc dù tình hình dịch bệnh tăng cao, nhưng tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 của thành phố cũng cao, tỉ lệ tiêm 2 mũi hiện nay tại Hà Nội trên 95%. Vì thế, nhiều F0 mắc bệnh nhẹ sẽ được điều trị tại nhà và y tế cơ sở.
Về nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trong thời gian tới, bà Hà cho hay: “Hà Nội có đặc điểm dân cư đông, di biến động phức tạp, dịch bệnh đã lây lan sâu trong cộng đồng. Ngoài ra, nguồn lây có thể xâm nhập từ địa phương khác và cả tỉnh, thành lân cận sẽ là yếu tố khiến dịch bệnh lây lan”.
Về biến chủng Omicron, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội thông tin: Đến nay chưa có dữ liệu chứng minh có khả năng gây bệnh nặng hơn và vaccine vẫn có khả năng bảo vệ trước biến chủng này. Ngành y tế đã chỉ đạo tăng cường tập huấn cung cấp thông tin cho cán bộ, nhân viên và người dân. Sở cũng phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để giải trình tự gen đối với trường hợp nghi ngờ, cũng như với người nhập cảnh từ các khu vực đã phát hiện biến chủng mới.
"Dù chưa ghi nhận trong cộng đồng, nhưng Hà Nội luôn chủ động, tăng cường cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế, chỉ đạo CDC Hà Nội giải trình gen những trường hợp nghi ngờ, kiến nghị dừng chuyến bay từ các quốc gia có biến chủng gen mới này" - bà Hà nói.
Thủ đô làm gì để ngăn chặn dịch bệnh lây lan?
Về giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh: Sở sẽ đánh giá cấp độ dịch ở xã, phường mỗi lần 1 tuần để áp dụng phù hợp các biện pháp hành chính, điều chỉnh phòng chống dịch COVID-19. Thành phố yêu cầu địa phương kiên định việc điều tra, truy vết, cách ly trong phạm vi hẹp nhất; nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở để chăm sóc người dân từ sớm từ xa.
Thành phố cũng đẩy mạnh việc tiêm vaccine COVID-19 cho người dân, nhất là người tiêm chưa đủ 2 mũi, trẻ em và chuẩn bị tiêm mũi 3 cho đối tượng ưu tiên; đáp ứng các tiêu chí an toàn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho hay: Thực hiện tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, Hà Nội đã có giải pháp cụ thể, các quận, huyện đánh giá cấp độ dịch, có biện pháp hành chính tương ứng cho hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Với ngành y tế, tiếp tục kiên định điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm, cách ly hẹp nhất có thể; y tế cơ sở tập trung chăm sóc người dân, giảm tải cho tuyến trên.
|
Khu vực cách ly phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý) |
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm: Hà Nội đã triển khai cách ly F1, điều trị F0 nhẹ tại nhà ở tất cả 30 quận, huyện thị xã. Qua rà soát trên 2,1 triệu hộ dân, có hơn 800.000 hộ đủ điều kiện thực hiện việc này. Hiện 15.359 F1, hàng trăm F0 nhẹ đã điều trị tại nhà. Chính quyền Thủ đô đã phân các tầng điều trị F0 gồm: tầng 1 là tuyến y tế cơ sở và tại nhà, tầng 2 có 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách, tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến trung ương.
Theo bà Hà, khi thành phố ghi nhận 10.000 ca nhiễm, tầng 1 tăng lên 9.200 giường, tầng 2 có 600 giường, tầng 3 là 200 giường, với kịch bản 40.000 ca nhiễm, các tầng điều trị lần lượt tăng số giường lên 36.800, 2.400 và 800.
Trường hợp ca nhiễm lên 100.000, thành phố chuẩn bị tổng cộng 92.000 giường ở tầng 1, trong đó 22.100 giường tại các cơ sở thu dung, điều trị và 69.900 giường tại các trạm y tế lưu động thuộc quận, huyện, thị xã; 6.000 giường ở tầng 2 và 2.000 giường ở tầng 3.
Để đảm bảo việc vận chuyển F0, 140 xe cấp cứu đã được đăng ký trên hệ thống phần mềm điều hành của ngành y tế 500 lái xe của 13 đơn vị vận tải đã được tập huấn.