Theo công bố của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), mức lương của một số vị trí lãnh đạo tập đoàn dao động quanh mức 50 triệu đồng/tháng. Cụ thể Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn này có mức lương cao nhất TKV, đạt 639 triệu đồng/năm (khoảng 53,2 triệu đồng/tháng).
Người có mức lương cao thứ hai của TKV là Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải, đạt mức lương 589,5 triệu đồng/năm (trung bình khoảng 49 triệu đồng/tháng).
Trong khi đó, theo báo cáo thực hiện nghị quyết về chất vấn của Quốc hội của Bộ trưởng Nội vụ gửi đến Quốc hội, lương, phụ cấp công vụ của Bộ trưởng cũng chỉ khoảng 14,4 triệu đồng/tháng. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá, với mức lương này người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, trong đó có các bộ trưởng cũng khó sống.
Nhận xét về điều này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng đây là chuyện rất bình thường bởi một giám đốc công ty thường thường bậc trung đã nhận lương 20-30 triệu đồng/tháng nhưng nếu người đó vào công chức thì không bao giờ có mức lương này.
"Nhân viên của chúng tôi là kỹ sư mới ra trường đã phải trả lương 5-6 triệu đồng/tháng. Khi kỹ sư làm việc khoảng 10 năm thì mức lương phải trên 15 triệu đồng/tháng, nếu trả thấp hơn họ sẽ tìm chỗ khác. Còn công chức thì sao? Kỹ sư mới ra trường chỉ nhận lương 1-2 triệu đồng/tháng, giám đốc sở 6-7 triệu đồng/tháng, còn bộ trưởng chỉ hơn 14 triệu đồng/tháng.
Nhưng tại sao người ta vẫn đua nhau vào công chức? Đó là vì bên cạnh đó có nhiều bổng lộc, quyền lực khác, mối quan hệ khác và người ta sống bằng những quan hệ đó chứ không sống bằng lương. Còn nhân viên ở các doanh nghiệp tư nhân lĩnh mỗi tháng 15-17 triệu và chỉ giới hạn trong chừng đó hoặc có đi làm thêm chút đỉnh, ngoài ra không có quyền lực gì hết", ông Đực cho biết.
Đối với lãnh đạo tập đoàn nhà nước, theo ông Đực, mức lương 50-70 triệu đồng/tháng không phải là lớn bởi ngay một nhân viên khá của doanh nghiệp ông đã được trả 20-30 triệu đồng/tháng, chưa kể mức lương này chẳng thấm vào đâu nếu so với doanh nghiệp nước ngoài.
"Lương công chức Việt Nam rất thấp, so với lương ở khối kinh tế tư nhân chỉ chiếm 1/3. Lương nhân viên của tôi bây giờ còn cao hơn lương bộ trưởng nhưng sao họ vẫn sống kham khổ còn bộ trưởng liệu có sống bằng 14,4 triệu đồng tiền lương? Trước đây, ông Nguyễn Trần Nam khi còn là Thứ trưởng Bộ Xây dựng có nói một câu rất hay: Lương Thứ trưởng cũng không mua được nhà, vậy tại sao từ vụ trưởng, cục trưởng đến thứ trưởng không ai có dưới 1 nhà? Là vì họ không mua nhà bằng lương".
Ông Đực cũng dẫn ngay phát biểu của một vị đại biểu Quốc hội bên hành lang Quốc hội rằng, thực tế không bộ trưởng nào khó sống, mà lại sống rất đàng hoàng bởi thu nhập thực của họ gấp cả nghìn lần mức lương mà họ đang hưởng. Còn nhiều khoản thu nhập ngoài không được kê khai, tính vào lương không thể thống kê được.
"Nói nghìn lần thì hơi nhiều, chỉ cần hơn 10 lần, 100 lần đã sướng!", ông kết luận.
Tránh làm "giám đốc muôn đời"
Bởi thế Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành khẳng định, với công sức của lãnh đạo tập đoàn, lương 50-70 triệu là bình thường, vấn đề là tập đoàn đó có phát triển hay không, có làm ăn hiệu quả hay không? Nếu tập đoàn trong 1-2 năm không phát triển thì phải cách chức lãnh đạo tập đoàn, thay bằng người khác, kể cả người nước ngoài.
Tránh tình trạng làm giám đốc muôn đời, cố bám theo chiếc ghế đó để bòn hút xã hội, đất nước. Nếu anh làm tốt thì bao nhiêu lương cũng được nhưng nếu lợi dụng vị trí đó khiến tập đoàn thua lỗ thì không thể chấp nhận được".
Ông Nguyễn Văn Đực dẫn trường hợp nhiều doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực sử dụng lãnh đạo, quản lý là người nước ngoài. Một sự kiện từng gây bất ngờ trong giới tài chính thế giới đó là nước Anh đã không ngần ngại thuê ông Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada, về làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh. Đây là việc làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hơn 300 năm của Ngân hàng Trung ương Anh.
Ở Việt Nam, thể thao là lĩnh vực sử dụng rộng rãi người nước ngoài làm huấn luyện viên. Dẫn trường hợp "kình ngư" Ánh Viên, ông Đực cho rằng, nếu cô được huấn luyện ở Việt Nam sẽ muôn đời luẩn quẩn ao nhà, nhưng chỉ cần đưa Ánh Viên ra nước ngoài, rèn luyện theo quy trình nghiêm ngặt đầy mồ hôi và nước mắt của nước ngoài, cô đã mang lại thành công rực rỡ như ngày hôm nay.
"Thực tế, mời một người nước ngoài về làm "tập đoàn trưởng", trả lương cao mà họ trong sạch, vận hành tốt bộ máy còn hơn trả một người Việt Nam 50-70 triệu đồng/tháng mà không đem lại hiệu quả kinh tế cho tập đoàn.
Thử nhìn trường hợp của Ánh Viên, Nhà nước mất 7 tỷ đầu tư, một con số quá lớn nhưng nếu nhìn thành quả Ánh Viên mang về cho Việt Nam thì 7 tỷ kia vẫn rất xứng đáng, người dân hài lòng với con số đó. Tuy nhiên, không ai chấp nhận trả lương cho lãnh đạo tập đoàn 50-70 triệu mà anh ta không làm được việc, thậm chí phá nát tập đoàn đó", ông Đực bày tỏ quan điểm.
Đề cập đến Singapore, quốc gia đã đưa ra một nguyên tắc để phòng chống tham nhũng là lương quan chức phải cao hơn doanh nhân, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng bí quyết thành công của Singapore là họ đã tạo ra được một môi trường khiến người ta không thể nào tham nhũng được.
Luật lệ minh bạch của Singapore giúp đất nước này không có người hối lộ và nhận hối lộ, từ đó thúc đẩy đất nước phát triển nhanh.
"Tuy nhiên, Việt Nam không thể làm được như Singapore bởi từ thấp lên cao chỗ nào cũng có tệ nạn. Một đứa trẻ đi học mẫu giáo đã phải hối lộ, rồi vào lớp 1 cũng mất tiền. Mỗi cô giáo hàng năm được một suất trong trường, suất đó bán đi được 20-30 triệu đồng, đó là cách để các cô kiếm thêm thu nhập. Thi công chức cũng mất tiền, chạy chức tổ trưởng, trưởng phòng cũng cần có tiền... tất cả đã thành giá.
Khi một xã hội định giá chức vụ bằng tiền chứ không phải bằng giá trị con người thì rất khó sửa chữa và những ai đã đầu tư cái đó cũng phải tìm cách gỡ lại", ông Đực nhận xét.
Theo Báo Đất Việt