Giám đốc Chuyển đổi số Viettel Networks: Việt Nam có nhiều cơ hội để xây dựng các công nghệ lõi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Sau nhiều năm gia công thuê, Việt Nam hiện có nhiều cơ hội xây dựng, phát triển các công nghệ lõi, hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài, theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc Chuyển đổi số Viettel Networks.

Ông Nguyễn Trung Hiếu đại diện cho Viettel Networks nhận Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2023
Ông Nguyễn Trung Hiếu đại diện cho Viettel Networks nhận Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2023

Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) là đơn vị đã được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2023 ở hạng mục “Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc”, với sản phẩm Hệ thống tự động tối ưu hoạt động hạ tầng cơ điện trạm viễn thông và sản phẩm Trung tâm Vận hành Dịch vụ - Service Operation Center (SOCv2).

Viettel Networks thành lập ngày 18/12/2001, trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Viettel Networks quản lý toàn trình (từ xây dựng chiến lược mạng lưới, nghiên cứu công nghệ, quy hoạch định cỡ, thiết kế, triển khai hạ tầng, vận hành khai thác đến quản lý tài nguyên, quản lý chất lượng mạng, quản lý dịch vụ, tối ưu mạng lưới) đối với mạng viễn thông và công nghệ thông tin tại thị trường Việt Nam, đồng thời, đáp ứng nhu cầu kinh doanh và quản lý công tác kỹ thuật đối với 10 thị trường mà Viettel đầu tư tại nước ngoài, thông qua các hợp đồng dịch vụ.

Năm 2023 và giai đoạn tới, Viettel Networks đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng số lớn nhất Việt Nam, mạng di động có vùng phủ 95% dân số, hơn các nhà mạng khác ít nhất 30%; chất lượng dịch vụ theo trải nghiệm khách hàng cải thiện ít nhất 30% và tốt hơn các nhà mạng khác 10-20%. Mạng cố định băng rộng, truyền hình vươn lên vị trí số 1, phủ trên 80% số hộ dân, vượt nhà mạng khác ít nhất 10%; chất lượng dịch vụ theo trải nghiệm khách hàng cải thiện tối thiểu 30% và tốt hơn nhà mạng khác 10-20%.

Bên lề Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2023, VietTimes đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc Chuyển đổi số, Viettel Networks - về nguồn lực công nghệ và khả năng xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài.


PV: Ông có thể chia sẻ về vai trò của công nghệ và chuyển đổi số đối với doanh nghiệp của mình?

Ông Nguyễn Trung Hiếu: Thực ra Tổng Công ty mạng lưới Viettel là doanh nghiệp kỹ thuật, nên chúng tôi đã sớm ứng dụng các công nghệ như Big Data, AI hay Cloud, để hỗ trợ hoạt động chuyên môn. Quá trình này chúng tôi đã thực hiện được khoảng 10 năm.

Thách thức trong quá trình chuyển đổi số cũng có nhiều, nhưng chúng tôi đã vượt qua được những vấn đề này. Các thách thức ban đầu thường bắt nguồn từ một số lĩnh vực liên quan đến chiến lược phát triển, sự ủng hộ của người đứng đầu và công nghệ.

Trong lĩnh vực mà tôi đang phụ trách, ứng dụng chuyển đổi số đem lại rất nhiều giá trị, ví dụ như tối ưu về chất lượng dịch vụ cho khách hàng, nâng cao trải nghiệm dịch vụ khách hàng, tối ưu chi phí sản xuất kinh doanh. Tất cả những hoạt động mà chúng tôi đã ứng dụng chuyển đổi số đều đem lại kết quả rất đột phá.

Tôi nghĩ chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Bởi nếu không thay đổi thì tất cả các doanh nghiệp sẽ không tồn tại được. Hiện tại, tính cạnh tranh trong dịch vụ chăm sóc khách hàng, cải thiện trải nghiệm khách hàng rất quan trọng, mà với cách làm truyền thống thì gần như không thể làm được.

Việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn sẽ giúp cho các doanh nghiệp đưa ra những quyết định tốt nhất và phù hợp nhất cho định hướng sản xuất kinh doanh của mình.

PV: Ông đánh giá thế nào về nguồn lực công nghệ trong các doanh nghiệp hiện nay?

Ông Nguyễn Trung Hiếu: Với kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số, tôi nhận thấy về cơ bản các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển và ứng dụng công nghệ số, giúp họ thay đổi phương thức kinh doanh và chuyển đổi số thành công cho doanh nghiệp của mình.

Về nhân lực, thế hệ Z (những người sinh năm từ 1995 đến 2012-PV) bây giờ được tiếp cận với công nghệ rất sớm và gần như tất cả những gì liên quan đến công nghệ cần thiết và tầm nhìn cần thiết để giúp các bạn phát triển nghề nghiệp. Đây chính là một nguồn lực rất lớn để các doanh nghiệp có điều kiện thực hiện chiến lược chuyển đổi số.

PV: Dường như hiện nay ngoài FPT, Viettel, thì có rất ít công ty Việt Nam có thể xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài?

Ông Nguyễn Trung Hiếu: Việc doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài đã được thực hiện từ khá lâu rồi. Tuy nhiên thực chất không hoàn toàn là xuất khẩu công nghệ mà chủ yếu nằm ở góc độ outsourcing (gia công thuê).

Theo thời gian, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam, tầm nhìn đúng đắn của lãnh đạo và sự lớn mạnh của đội ngũ nhân sự, kỹ sư thế hệ mới đã giúp Việt Nam có nhiều cơ hội để xây dựng công nghệ lõi.

Sau nhiều năm gia công thuê thì bây giờ chúng ta gần như có thể tự chủ và đã xuất khẩu được một số công nghệ lõi, triển khai được những các sản phẩm lõi ra nước ngoài. Tôi đánh giá đây là một hướng đi rất tốt.

Đặc biệt, việc liên kết và phát triển trong các cộng đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, đang diễn ra rất mạnh mẽ. Công nghệ muốn phát triển thì phải có cộng đồng. Cộng đồng ấy không thể chỉ ở một quốc gia mà là đa quốc gia.

Khi tham gia vào cộng đồng, doanh nghiệp vừa khẳng định mình, vừa khẳng định tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời, giúp cho nền công nghệ của đất nước đi lên. Tôi đánh giá việc này là một xu thế tất yếu và là một điều rất tốt cho các doanh nghiệp cũng như đất nước mình.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!