Ngày 21/2, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với KTNN về thực hiện chính sách pháp luật, đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Phó Tổng KTNN Nguyễn Quang Thanh cho biết: “Sau khi rà soát các chi phí đầu vào, tính toán lại phương án tài chính cho sát với thực tế và phù hợp với quy định của Nhà nước, KTNN đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu do đơn vị lập ra”.
Một số dự án bị kiến nghị giảm thời gian thu phí như: Dự án công trình mở rộng quốc lộ (QL) 1 đoạn km1488 - km1525 tỉnh Khánh Hòa giảm 13 năm 1 tháng 12 ngày; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn km1793+600 (km734+600) đến km1824+00 (km1765+00), tỉnh Đắk Nông giảm 12 năm 3 tháng 22 ngày; Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, Q.9 (Tổng công ty Ximăng Việt Nam) giảm 11 năm; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài (km921+025 - km926+331), tỉnh Bình Phước giảm 7 năm 9 tháng 21 ngày;...
Cá biệt, KTNN kiến nghị chấm dứt việc thu phí đối với dự án tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Tam Kỳ và đường ĐT618 huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, hiện chưa có văn bản quy định cụ thể xác định lưu lượng phương tiện giao thông qua trạm thu phí. Các dự án xác định chỉ tiêu này dựa trên hồ sơ khảo sát và phân tích số liệu khảo sát tính toán bình quân lưu lượng xe hai đoạn trên tuyến dự án để tính bình quân lưu lượng xe năm gốc tính toán. Mức tăng trưởng lưu lượng xe được tính toán dựa trên yếu tố tăng trưởng GDP của cả nước, vùng hấp dẫn và tăng trưởng vận tải trong vùng nói chung, Bộ Giao thông vận tải quyết định phê duyệt mức tăng trưởng xe dự kiến theo các giai đoạn để làm cơ sở dự báo lưu lượng xe trong tương lai.
Vì vậy, một số dự án xác định không phù hợp với thực tế, chỉ dựa trên số liệu thống kê của tư vấn khảo sát trong hai ngày để nội suy ra lưu lượng phương tiện 365 ngày hoặc căn cứ kết quả khảo sát lưu lượng phương tiện của Tổng cục đường bộ Việt Nam đã cũ) nên ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu doanh thu hoàn vốn của dự án.
KTNN kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần “nghiên cứu và đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện thật sự hiệu quả qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính công khai, minh bạch”.
Bộ Tài chính cần khẩn trương bổ sung quy định lợi nhuận của nhà đầu tư trong phương án tài chính đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư, trong đó quy định khung tỉ suất lợi nhuận nhà đầu tư phù hợp với từng khu vực, đặc điểm dự án.
Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nhằm tăng tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả cho dự án.
Các yếu tố chi phí quản lý thu phí, lợi nhuận nhà đầu tư, lãi suất vay vốn, tỉ lệ vốn chủ sở hữu, chi phí xây lắp công trình dự án... đều phải được đấu thầu công khai, minh bạch.