Nói về trường hợp của Tân Hiệp Phát, ông Đỗ Kim Lang Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, điều tra của cơ quan công an về vấn đề "nước ngọt có ruồi" của doanh nghiệp này đã được giải quyết và cơ bản không có vấn đề gì trong việc bầu chọn Tân Hiệp Phát đạt giải Thương hiệu Quốc gia 2016.
Trong số 88 doanh nghiệp đạt giải, doanh nghiệp đạt doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên có 70/88 doanh nghiệp, 26 doanh nghiệp có doanh thu từ 5.000 tỷ đồng trở lên. Đáng chú ý, có 23 doanh nghiệp đã 5 lần đạt doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia, đơn cử như: Công ty cổ phần May Việt Tiến, Sabeco, Xây dựng Hòa Bình, VINACAFE, Ngân hàng Vietcombank, Công ty May An Phước, Bitis, VNPT, Vàng SJC, Nhựa Bình Minh...
Chương trình Thương hiệu Quốc gia được tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Trên cơ sở phát huy các giá trị này, doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành, lĩnh vực mình kinh doanh, sản xuất dựa trên việc không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Lễ Công bố các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 5 sẽ được tổ chức vào 19.30', ngày 30/11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 của Đài Truyền hình Việt Nam và kênh SCTV.