|
Một người nông dân trồng lúa ở An Giang kể về những ảnh hưởng trực tiếp của COVID-19 và suy thoái kinh tế tới gia đình ông. Ảnh: Nguyễn Đức Ninh. |
Giảm ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới sức khỏe
Duy trì sức khỏe gia đình và cá nhân, cũng như lực lượng lao động trong trang trại sẽ là chìa khóa quan trọng tại thời điểm này. Chủ động có các biện pháp hữu hiệu để nơi làm việc không bị nhiễm COVID-19 là điều tối quan trọng. Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và giữ vững tâm lý không hoảng loạn. Thường xuyên trao đổi với các cơ quan chức năng phòng chống dịch bệnh để phối hợp và có thông tin phản ứng kịp thời
Phát triển bản thân và nâng cao chất lượng lực lượng lao động
Thường xuyên rèn luyện sức khỏe, sinh hoạt lành mạnh để phòng chống bệnh tật; duy trì sức khỏe tốt nhằm nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới cạnh tranh toàn cầu, thì kiến thức và kỹ năng sản xuất của người nông dân sẽ luôn là vấn đề quan trọng số 1. Vì vậy nông dân cần liên tục cập nhật kiến thức, nâng cao khả năng tự học, biết ứng dụng công nghệ và tiếp cận thông tin để vận hành sản xuất hiệu quả.
Đối với các trang trại lớn sử dụng nhiều lao động cần phải nâng cao năng suất lao động, áp dụng các biện pháp quản trị nguồn lực hiệu quả. Giảm nhân công làm việc kém hiệu quả để tập trung nguồn lực, giữ chân các lao động chất lượng tốt. Thường xuyên nâng cao chất lượng lao động thông qua đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực đang làm việc tại trại.
|
Nhập mô tả ảnh
|
Tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất
Cho dù dịch bệnh có chiều hướng tiêu cực hay suy thoái kinh tế trầm trọng cũng cần nhanh chóng có các sản phẩm đạt sản lượng và chất lượng cao nhất có thể. Khi dịch bệnh xảy ra nhu cầu thực phẩm vẫn trở nên cấp thiết, nếu trường hợp dịch bệnh xảy ra trong giai đoạn ngắn thì khi thông thương trở lại, các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU…tiếp tục nhập khẩu nông sản. Lúc này việc bán nông sản được giá tốt với sản lượng lớn sẽ trở nên dễ dàng.
Đảm bảo đầu vào cho sản xuất
Thường xuyên chia sẻ với các nhà cung cấp vật tư, phân bón, các dịch vụ khác về tình trạng ảnh hưởng của COVID-19 hay suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến nông hộ hay trang trại của mình nhằm tìm kiếm được sự hỗ trợ của nhà cung cấp khi cần thiết. Mở rộng quan hệ với nhiều nhà cung cấp có uy tín để có nguồn đầu vào ổn định, kịp thời và chất lượng. Nông dân ở mỗi địa phương nên liên kết lại với nhau thành các tổ hợp sản xuất, rồi cử đại diện đứng ra đàm phán với các nhà cung cấp nhằm mua được giá rẻ và ưu đãi khi mua số lượng lớn.
Tổ chức sản xuất hợp lý và hiệu quả
Giảm chi phí là điều quan trọng nhưng phải chắc chắn rằng chỉ là giảm các chi phí không hiệu quả và đảm bảo các khoản đầu tư cốt yếu ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của nông sản. Phải rà soát để loại bỏ các khoản mục chi phí không cần thiết để giảm giá thành sản phẩm, lược bỏ các khâu sản xuất không đem lại hiệu quả. Tận dụng các vật liệu có sẵn để giảm chi phí sản xuất như: rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp…để làm phân bón đối với trồng trọt. Hoặc dùng cỏ, ngô, khoai, rau củ quả dư thừa…, ứng dụng công nghệ sinh học đã được phổ biến để làm thức ăn và phòng trừ dịch bệnh đối với vật nuôi. Giảm thói quen canh tác phụ thuộc hóa học, kháng sinh, và hoạt động phun xịt trong trồng trọt, chăn nuôi vì dễ gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh khiến khó khăn cho đầu ra.
Đối với dòng tiền
Nông dân nên thương lượng với các thương lái, nhà thu mua…về thời hạn thanh toán tiền hàng. Chủ động đàm phán về lãi suất, thời hạn trả nợ…. đối với các tổ chức cá nhân cho vay để sớm có dòng tiền ổn định phục vụ cho hoạt động trồng trọt, chăn nuôi…
Ưu tiên dòng tiền đầu tư đúng, đủ để đạt sản lượng và chất lượng cao. Nên tập trung cho các cây trồng, vật nuôi ở các vườn sớm cho thu sản phẩm trong giai đoạn này.
|
Ao nuôi cá tra và cá basa ở Châu Phú, An Giang. Ảnh: Nguyễn Đức Ninh
|
Đối với giải pháp thị trường đầu ra
Cân nhắc về giá bán khi nông sản được thu hoạch. Tiếp tục mở rộng chính sách giá linh hoạt đối với sản phẩm của mình để thu hút thêm khách hàng. Liên tục cập nhật thông tin về thị trường, dòng sản phẩm của mình để không hoảng loạn khi rớt giá. Nhưng cũng không quá cứng nhắc giá bán để tuột mất cơ hội bán được hàng khi thị trường trở nên khó khăn. Việc thực hiện chính sách bán trả chậm (trong phạm vi có thể) cũng hết sức quan trọng trong thời kỳ suy thoái nhằm tăng thị phần và tạo sức mua mới. Đầu tư cho sự khác biệt về sản phẩm và hoạt động Maketting, hay hiểu được khách hàng tiềm năng…. sẽ là một lợi thế trong thời kỳ cạnh tranh.
Thực hiện sớm các hoạt động chuyên nghiệp hóa mô hình sản xuất như: thực hiện giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản, áp dụng quy trình sản xuất an toàn và khoa học để đạt các cấp giấy chứng nhận như VietGap, Global Gap… cho sản phẩm làm ra để nâng cao cơ hội bán hàng, đồng thời sẵn sàng cho việc tham gia vào chuỗi cung cấp nông sản toàn cầu.
Trên đây là các khuyến cáo kịch bản có thể xảy ra để nông dân chúng ta có kế hoạch thực hiện giảm thiểu rủi ro bởi dịch bệnh COVID-19 hay suy thoái kinh tế. Tuy nhiên đối các sản phẩm nông nghiệp vẫn luôn là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vì vậy ngoài những thách thức nêu trên, vẫn có nhiều cơ hội mở ra cho nông dân, nông hộ nếu người nông dân biết tận dụng cơ hội. Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích cơ hội ở trong một bài viết khác.
Mặc dù dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp đối với nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng, nhưng tôi luôn có niềm tin rằng: người nông dân Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố, sự bất ổn định trong nông nghiệp ở bao đời nay, với kinh nghiệm và khả năng ứng phó của mình, nông dân Việt Nam đứng vững và tiếp tục tiến lên trong thời gian tới.