Cho đến khi tìm ra được vắcxin thì “cách ly xã hội theo đợt” có thể là giải pháp khả dĩ nhất cho các nước hiện nay, bao gồm cả Việt Nam nếu không muốn dẫn tới tình trạng kiệt quệ về kinh tế và hành vi – Tiến sĩ Yonatan Grad (chuyên gia dịch tễ học, trường Y tế cộng đồng, Đại học Harvard) chia sẻ nhận định trên tại buổi thảo luận trực tuyến “Điều gì đang chờ đợi chúng ta sau giai đoạn đầu chống dịch COVID-19?” do Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức.
Tiến sĩ Grad là đồng tác giả của một nghiên cứu khoa học mới được công bố hôm thứ Ba vừa qua (14/4/2020) đang thu hút sự chú ý của giới khoa học và dư luận quốc tế.
Nghiên cứu của nhóm Harvard dựa trên mô hình máy tính mô phỏng diễn biến của đại dịch Covid-19, từ đó đưa ra khuyến nghị áp dụng biện pháp “cách ly xã hội theo đợt” (intermittent social distancing) nhằm ngăn chặn tình trạng quá tải của hệ thống y tế cho đến khi thế giới tìm ra vắc xin.
COVID-19 sẽ chấm dứt theo cách nào?
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lây lan ra 200 nước với hơn 2 triệu người nhiễm và gần 135 ngàn người tử vong, để lại những hệ lụy tàn khốc về sức khỏe cộng đồng và kinh tế-xã hội, câu hỏi thường trực đối với mọi quốc gia và cá nhân là: Đến khi nào thì đại dịch này sẽ chấm dứt?
Theo Tiến sĩ Yonatan Grad, có hai kịch bản để chấm dứt Covid-19. Một là, virus sẽ hoàn toàn tuyệt chủng, như những gì đã diễn ra với virus SARS năm 2003. Tuy nhiên, trước thực tế Covid-19 đã lây lan ra toàn cầu như hiện nay, khả năng virus này tuyệt chủng gần như là không thể xảy ra.
Kịch bản thứ hai khả dĩ hơn cả là xây dựng “miễn dịch cộng đồng” (herd immunity). Theo đó, số người miễn dịch với virus đủ lớn để virus dần dần biến mất, tương tự như nhiều virus gây bệnh dịch khác trong lịch sử.
Tiến sĩ Yonatan Grad (chuyên gia dịch tễ học, trường Y tế cộng đồng, Đại học Harvard).
|
Vậy bằng cách nào chúng ta có thể đạt đến “miễn dịch cộng đồng”? Tiến sĩ Grad cho rằng chúng ta có thể đạt được “miễn dịch cộng đồng” thông qua hai cách: tìm ra vắc-xin ngăn ngừa hiệu quả hoặc theo thời gian số lượng người lây nhiễm đủ để phát triển miễn dịch này.
Điều đáng buồn là cho đến nay thế giới vẫn chưa thể biết rõ khi nào tìm ra được vắc – xin phòng ngừa n-Cov và mất bao lâu để phổ biến vắc-xin ra toàn thế giới. Do đó, nghiên cứu của nhóm chuyên gia Harvard tập trung vào việc tìm hiểu điều gì xảy ra khi thế giới chưa kịp phát triển vắc xin phòng chống Covid-19.
“Chúng tôi thấy rằng các biện pháp “cách ly xã hội” một lần có thể không đủ để kiểm soát Covid-19 trong giới hạn năng lực chăm sóc y tế hiện nay”, Tiến sĩ Grad nói.
Ông giải thích thêm rằng, do virus vẫn tồn tại đâu đó trong cộng đồng, nên một khi các biện pháp “cách ly xã hội” được nới lỏng thì một phần lớn dân số thế giới vẫn dễ dàng lây nhiễm Covid-19, như những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay ở một số nước từng thành công trong việc“ chặn đứng” làn sóng thứ nhất của Covid-19.
Điều kiện để “cách ly xã hội theo đợt” hiệu quả
Trong bối cảnh thiếu vắng các biện pháp chữa trị, “cách ly xã hội theo đợt có thể là một phương án cần thiết”, chuyên gia dịch tễ học của Đại học Harvard lưu ý.
“Cách ly xã hội theo đợt” là cách thức mà một quốc gia áp dụng biện pháp cách ly xã hội, thậm chí là phong tỏa nhằm “hạ thấp đường cong lây nhiễm”, giảm tải áp lực lên hệ thống y tế.
Khi virus dần yếu đi, quốc gia này sẽ mở cửa trở lại. Một khi virus bùng phát trở lại đến một ngưỡng chủ chốt, nước đó quay trở lại biện pháp cách ly xã hội.
Theo mô hình tính toán của nhóm chuyên gia Harvard, Mỹ có thể phải áp dụng biện pháp “cách ly xã hội theo đợt” kéo dài đến năm 2022 cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng đủ lớn.
Tuy nhiên, để chiến lược “cách ly xã hội theo đợt” thành công thì các quốc gia phải đảm bảo duy trì năng lực phát hiện, khu trú và điều trị của hệ thống y tế, đặc biệt là khâu chăm sóc đặc biệt. Song song với “cách ly xã hội”, các quốc gia có thể tập trung đầu tư nguồn lực như mở rộng số giường bệnh, máy thở để sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp, Tiến sĩ Grad nhấn mạnh.
TP.HCM đã phải thiết lập 62 chốt chặn để kiểm tra thân nhiệt người vào thành phố khi thực hiện cách ly xã hội. Ảnh: GVT.
|
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Harvard được giới khoa học quốc tế đánh giá cao bởi đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu dựa trên mô hình tính toán nghiên cứu diễn biến của Covid-19 trong thời gian vài năm, thay vì tập trung vào vài tuần hay vài tháng tới như các nghiên cứu trước.
Tuy nhiên, như thừa nhận của chính nhóm tác giả, đây là một mô hình sử dụng các dữ liệu hiện tại cũng như một loạt giả định – ví dụ như về việc “đạt được miễn dịch cộng đồng” – mà cho tới nay vẫn chưa có gì được xác nhận chắc chắn.
Vẫn còn quá nhiều điều mà chúng ta chưa biết về virus Corona chủng mới lần này.
Bài học nào từ Việt Nam?
Đến nay, có thể nói Việt Nam đã ngăn chặn thành công đợt sóng thứ nhất của Covid-19 khi chỉ có 268 ca nhiễm Covid-19, không ca nào tử vong và chỉ có vài ca dương tính mới trong vài ngày qua.
Nhưng ngay cả với thành công ban đầu này thì Việt Nam vẫn có thể phải đi theo con đường tương tự để đạt được “miễn dịch cộng đồng”, Tiến sĩ Grad khuyến cáo.
Chuyên gia dịch tễ học của Harvard lấy ví dụ về Singapore, nước đạt được thành công tương tự như Việt Nam khi chặn đứng được đợt sóng thứ nhất của Covid-19 với chỉ vài trăm ca nhiễm trong thời gian dài.
Nhưng đến khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội, số ca lây nhiễm bùng phát mạnh trở lại và khi vượt qua mốc hơn 3.000 ca, chính phủ nước này buộc phải áp dụng lệnh phong tỏa trở lại trong một tháng tới.
“Bởi vậy, ngay cả khi Việt Nam đã đạt được những thành công ban đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh thì điều đó không có nghĩa rằng cách ly xã hội một lần là đủ”.
Vấn đề tương tự cũng xảy ra với các lệnh cấm đi lại, một trong những câu hỏi lớn trong tương lai. Cho dù một khu vực nào đó trên thế giới có thể kiểm soát virus thành công nhưng nếu các nơi khác trên thế giới không làm được điều đó thì khi giao thương trở lại, nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm trở lại hoàn toàn có thể xảy ra.
Đồ thị cho thấy mỗi quan hệ tỷ lệ nghịch giữa các biện pháp chống dịch và suy thoái kinh tế. Nguồn: TS. Vũ Thành Tự Anh.
|
Mô hình của Tiến sĩ Grad không đề cập đến các tác động về kinh tế của việc thực thi “cách ly xã hội theo đợt” nhưng đây sẽ là chủ đề của nghiên cứu sắp tới. Tiến sĩ Grad khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách nên kết hợp “cách ly xã hội theo đợt” cùng với việc nghiên cứu các tác động về kinh tế để đưa ra quyết định về những gì nên và không nên mở cửa trở lại.
Tương tự, Tiến sĩ Grad cũng cho rằng cần nghiên cứu thêm để tìm ra biện pháp nào hiệu quả nhất trong việc làm giảm tỉ lệ lây nhiễm Covid-19.
Mỹ và nhiều nước hiện nay (trong đó có Việt Nam) áp dụng tất cả các biện pháp có thể nhằm làm giảm lây nhiễm như đóng cửa trường học, cấm tụ tập nơi công cộng, áp dụng làm việc từ nhà, vv…
Tuy nhiên, nhiều khả năng chúng ta có thể làm giảm tỷ lệ lây nhiễm xuống thấp (R nhỏ hơn 1, với mức này virus sẽ dần biến mất) mà chỉ cần áp dụng một số biện pháp.
Khuyến nghị của chuyên gia Harvard phần nào tương đồng với những đề xuất gần đây của các nhà hoạch định và nghiên cứu chính sách ở Việt Nam trong bối cảnh Chính phủ đã triển khai biện pháp cách ly xã hội trong hai tuần qua.
Giải pháp “cách ly xã hội theo đợt”, theo đánh giá của một số chuyên gia, có thể giúp ngăn ngừa tình trạng kiệt quệ về kinh tế và hành vi bởi các biện pháp cách ly xã hội nếu kéo dài sẽ quá sức chịu đựng của nền kinh tế và xã hội.
Lực lượng liên ngành lập chốt chặn lối vào TP.HCM tại đoạn cuối cao tốc Long Thành - Dầu Giây thuộc Quận 2, TP.HCM. Ảnh: GVT.
|
Như phân tích của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright), nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể chịu đựng tình trạng ngừng trệ hiện tại khoảng 3 tháng, tối đa là 6 tháng. Nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế - xã hội.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cũng đề xuất áp dụng biện pháp xét nghiệm mẫu ngẫu nhiên để xác định xác suất của một người nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng nhưng chưa được ghi nhận.
“Nếu xác suất này là đáng kể thì có nghĩa rằng chiến lược hiện nay của Việt Nam chưa thực sự phù hợp. Nếu ngược lại, xác suất này không cao thì chúng ta tự tin với chiến lược hiện tại, đồng thời có thể nối lại các hoạt động kinh tế và giáo dục một cách bình thường mà vẫn giữ an toàn”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh giải thích.
Chính phủ mới đây đã quyết định tiếp tục áp dụng cách ly xã hội đến ngày 22-4 và có thể kéo dài đến 30/4 đối với 12 tỉnh thành có nguy cơ lây nhiễm cao, trong khi nới lỏng cách ly đối với nhóm địa phương có nguy cơ và nguy cơ thấp nhằm tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường trở lại.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng khi chưa có vắc-xin thì chúng ta không thể bài trừ dịch Covid-19 và phải xác định tinh thần chung sống với bệnh truyền nhiễm Covid-19.
Theo ông Nhân, nếu TP.HCM tiếp tục giữ được tốc độ lây nhiễm thấp và số người phải điều trị ở bệnh viện không quá 500 người một lúc thì nhiều khả năng đến giữa tháng 5 các trường học có thể mở cửa trở lại, và các doanh nghiệp quay lại sản xuất kinh doanh vào cuối tháng 5.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nhấn mạnh để chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, Việt Nam phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiện nay như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, kiểm soát người từ nước ngoài vào chặt chẽ, hạn chế tụ tập đông người…
Đây cũng là các biện pháp được Tiến sĩ Grad nhấn mạnh là điều kiện để thực thi “cách ly xã hội theo đợt” hiệu quả./.