Giải cứu 46 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại sân bay Charles-de-Gaulle, Paris, Pháp

VietTimes – Có 46 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế Charles-de-Gaulle (Paris, Pháp) phải gửi đơn cầu cứu khẩn cấp đến Bộ Ngoại giao Việt Nam sáng nay 20/3. Ngay chiều tối hôm nay, Bộ Ngoại giao thông tin đã “giải cứu” khẩn cấp cho công dân Việt.
Tấm ảnh ít ỏi mà các du học sinh Việt gửi về cho gia đình khi bị mắc kẹt tại sân bay CDG Paris, Pháp (Ảnh: NVCC)
Tấm ảnh ít ỏi mà các du học sinh Việt gửi về cho gia đình khi bị mắc kẹt tại sân bay CDG Paris, Pháp (Ảnh: NVCC)

Sáng nay 20/3, trên mạng xã hội lan truyền thông tin cầu cứu về trường hợp 46 công dân Việt bị mắc kẹt tại sân bay Charles-de-Gaulle (Paris, Pháp), đo bị Hãng Hàng không Pháp “bỏ rơi” sau khi làm thủ tục xuất cảnh, khiến họ không thể đi đâu hoặc nhập cảnh trở lại.

“Tổng số có 46 người Việt bao gồm cả du học sinh Việt Nam đã bị Hãng Hàng không Air France “bỏ rơi” ở sân bay Charles de Gaulle (CDG, Pháp) sau khi mọi người đã làm xong thủ tục xuất cảnh. Bây giờ thì họ đang không biết mình ở đâu. Nhập cảnh lại không được, về không được. Con trai tôi là du học sinh tại Pháp, lẽ ra sẽ về Việt Nam trên chuyến bay AF258 của Air France, cất cánh lúc 1h trưa giờ Paris (7h tối 19/3 giờ Việt Nam). Tuy nhiên, khi chuẩn bị đến giờ cất cánh, hãng bay thông báo hủy đột ngột khiến  mọi người không biết đường mà lần. Chừng gần một giờ sau giờ bay dự kiến khởi hành nhưng đã bị hủy, tàu bay số hiệu AF258 đã cất cánh rỗng đi Việt Nam. Vấn đề này là thế nào? Mấy chục người Việt đã bị hãng Air France "đem con bỏ chợ" trong khi nhà chức trách đã cho xuất cảnh giờ phải làm sao?” – Ông Trần Xuân Thái, phụ huynh của một du học sinh Việt tại Pháp, cư trú tại TP.HCM cho VietTimes biết.

“Theo thông tin từ các du học sinh, trong đó có em T và em N gửi về cho gia đình, hãng Air France hướng dẫn hành khách chuyển sang chuyến bay transit từ CDG đi Osaka (Nhật Bản) để về Việt Nam (sẽ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất); nhưng thông tin trên trang flightradar24 thì hoàn toàn không có chuyến bay nào bay CDG - Osaka vào đêm nay và ngày mai, khiến các em cũng hết sức lo lắng. Giá vé mua gấp để về nước như thế này rất đắt, lúc mua vé cho chuyến AF258 đã là 500 Euro một chiều (tương đương với 12 triệu đồng). Trong khi hiện tại thông tin từ trang trực tuyến theo dõi các chuyến bay cho thấy chỉ có mỗi chuyến CDG - Tokyo cũng đã bị hủy” – Ông Thái cho biết và thông tin thêm rằng người Việt bị kẹt tại sân bay CDG Paris, Pháp đang rất hoang mang.

Em T chia sẻ với nhóm phụ huynh vé bay chuyến tiếp theo (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Em T chia sẻ với nhóm phụ huynh vé bay chuyến tiếp theo (Ảnh do nhân vật cung cấp)


Theo thông tin từ đoàn người Việt cung cấp, hôm qua, hai chuyến bay VN11 và VN10 của Vietnam Airlines lẽ ra sẽ khởi hành từ sân bay CDG về Tân Sơn Nhất đã bị hủy. Trước tình trạng đó, người Việt tại Pháp và du học sinh Việt Nam đã chuyển qua book vé gấp của hãng Air France nhưng lại lâm cảnh “mang con bỏ chợ” sau khi đã làm thủ tục xuất cảnh.

“Hiện tại, chúng tôi cùng với các con đều đang nỗ lực gửi đơn cầu cứu khẩn cấp đến Bộ Ngoại giao Việt Nam và ĐSQ Việt Nam tại Pháp” – Ông Thái cho biết.

Ngay sau khi nhận được thông tin, chiều nay 20/3,  Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã chỉ đạo ĐSQ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài liên quan kịp thời  làm việc với các cơ quan chức năng của Pháp, các hãng hàng không liên quan (trong đó có Air France) đề nghị có biện pháp hỗ trợ hành khách là công dân Việt Nam đảm bảo nhu yếu phẩm phù hợp, chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết… theo cam kết giữa hãng hàng không vận chuyển với hành khách và phù hợp với quy định sở tại, đồng thời thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

Theo thông tin từ ĐSQ Việt Nam tại Pháp, trên cơ sở làm việc với Bộ Ngoại giao Pháp, hãng Hàng không Air France và các cơ quan liên quan đã phối hợp thu xếp đưa 46 công dân Việt Nam mắc kẹt tại sân bay Charles de Gaulle (CDG) ngày 19/3/2020 dự kiến về đến Việt Nam ngày 21/3.  

Bộ Ngoại giao hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong và ngoài nước để sớm có các biện pháp tháo gỡ, tránh xảy ra vụ việc tương tự khác trong thời gian có nhiều xáo trộn với ngành hàng không do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.