Người dân lo sợ giá cả tăng cao khi phải đối phó với tình huống khẩn cấp vì dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Hòa Bình) |
3 “kịch bản” diễn biến dịch bệnh COVID-19
Trước tình trạng bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam càng lúc càng tăng cao như hiện tại, một bộ phận người dân vì tâm lý lo sợ đã mua gom, tích trữ hàng hóa, khiến một số chợ, siêu thị lâm vào tình trạng khan hàng tạm thời.
Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã lên kế hoạch xây dựng trên 3 tình huống: dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, có nguy cơ xuất hiện trường hợp nhiễm mới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, tiếp tục xuất hiện trường hợp nhiễm trên địa bàn TP.HCM; dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Đối với tình huống 1, khi người dân thay đổi thói quen từ mua sắm hằng ngày sang mua sắm tập trung, một bộ phận người dân mua hàng số lượng lớn, cụ thể là các mặt hàng lương thực – thực phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm khô, các mặt hàng phòng chống dịch… được thu gom, tích trữ.
Cùng với đó, có khả năng xuất hiện một số đối tượng lợi dụng tình hình phức tạp, tăng cường tích trữ, đầu cơ, găm hàng, tung tin đồn thất thiệt, nâng giá bán bất hợp lý để trục lợi, góp phần làm tình hình thị trường diễn biến phức tạp.
Trao đổi với VietTimes, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công thương - cho hay: “Sở Công Thương đã làm việc với đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi quy mô lớn trên địa bàn TP.HCM như Saigon Co.op Mart, Satra, Vinmart, Lotte Mart, Big.C, AEON Mall,… Các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối đều đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ, liên tục”.
Người dân mua hàng tại Saigon Co.op Mart, một trong những điểm bình ổn giá (Ảnh: Hòa Bình)
|
“Các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường đều cam kết sẽ ưu tiên cung ứng hàng hóa cho hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố. Đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết hiện mặt hàng thịt heo cung ứng ra thị trường không có dấu hiệu sụt giảm. Đối với sản phẩm thực phẩm chế biến, các doanh nghiệp đều khẳng định sản lượng đảm bảo đủ cung ứng đến hết quý 02/2020 và đảm bảo không tăng giá.
"Đối với mặt hàng gia cầm (thịt gà, thịt vịt), sản lượng cung ứng ra thị trường tăng gấp 2 - 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ mọi năm. Nhiều doanh nghiệp có chính sách giảm giá 2% - 3% hỗ trợ người dân trong mùa dịch và đảm bảo nguồn hàng dự trữ không thiếu, cũng như giá cả ổn định. Đồng thời, các doanh nghiệp cho biết, sản lượng gạo dự trữ dảm bảo cung ứng đủ trong 6 tháng tới và giá không có biến động lớn” - Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin.
Sở Công thương nhấn mạnh về việc chủ động thông tin chính xác về diễn biến thị trường, nguồn cung hàng hóa của thành phố không để phát tán tin đồn thất thiệt, động viên người dân yên tâm, không thu gom, tích trữ.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết: “Sở Công thương sẽ phối hợp với Cục Quản lý Thị trường và UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để phát sinh tình trạng trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi, đề phòng hàng gian, hàng giả.
Các doanh nghiệp bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30% - 40% so với ngày thường; sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, hệ thống phân phối; chuẩn bị nguyên vật liệu, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50% - 100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn và tăng cường bán hàng thông qua kênh phân phối thương mại điện tử”.
Dự trữ thực phẩm, mối lo khi đối phó dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Hòa Bình)
|
Nếu nhiều khu vực bị cách ly
Đối với tình huống 2, Sở Công thương TP. HCM kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn phát huy tinh thần cộng đồng xã hội, đồng hành cùng Sở triển khai các giải pháp ổn định thị trường, cung ứng hàng hóa kịp thời, không gián đoạn; bảo đảm dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ; đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.
Ngoài các giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1, sẽ huy động nguồn lực toàn xã hội, Sở Công thương sẽ trình UBND thành phố quyết định phương án hỗ trợ về vốn, chính sách để doanh nghiệp trên địa bàn dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ; đảm bảo các doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 50% - 100% so với ngày thường, hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.
Đối với tình huống 3 - dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, cơ bản tiếp tục các giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1 và 2. Ngoài ra, Sở Công thương sẽ căn cứ quy định pháp luật, tình hình diễn biến dịch bệnh, xem xét trình UBND thành phố quyết định các chính sách huy động và phân phối nguồn hàng theo cơ chế đặc thù, đối phó khẩn cấp với dịch bệnh.
Người dân lựa chọn mua nhiều và tích trữ thực phẩm khô vì lo sợ COVID-19 (Ảnh: Hòa Bình)
|
Phó Giám đốc Sở Công thương đề nghị: “Các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối và doanh nghiệp trên địa bàn, các đơn vị liên quan phát huy kênh phân phối thương mại điện tử nên tiếp tục phát huy tinh thần cộng đồng, phối hợp với Sở các giải pháp ổn định thị trường, cung ứng hàng hóa kịp thời, không gián đoạn; kịp thời đề xuất chính sách hỗ trợ dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ, đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng kể cả trong tình huống khẩn cấp”.
“Người dân thành phố cần an tâm, không nên tích trữ hàng hóa trong thời điểm hiện nay, gây tâm lý hoang mang thị trường. Ngoài ra, để phòng tránh COVID-19, người dân nên ưu tiên sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến để hạn chế đến những nơi tập trung đông người (chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) và lựa chọn những đơn vị phân phối uy tín để mua hàng, tránh tình trạng vừa mua phải hàng giá cao mà chất lượng thiếu đảm bảo” – Bà Nguyễn Huỳnh Trang nhấn mạnh.