Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chủ trì cuộc họp.
|
Đó là vấn đề chính được tập trung bàn thảo tại phiên làm việc thứ nhất của Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” giai đoạn 2020-2025, vừa diễn ra sáng nay (7/5).
Mục tiêu tạo ra sân chơi cho trẻ
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng vấn nạn trẻ em bị xâm hại trên mạng xã hội là vấn đề chung toàn cầu và cũng là vấn đề bức xúc hiện nay. Riêng ở Việt Nam, vấn đề này cũng thu hút sự quan tâm và hành động của các bộ ngành và yếu tố cần hiện nay là cần một chương trình hành động để kết nối các bộ ngành, các tổ chức để hỗ trợ trẻ em tiếp cận, tương tác môi trường mạng một cách tích cực, nâng cao chất lượng học tập và giải trí của trẻ em bằng công nghệ.
Không chỉ đặt ra vấn đề tạo các phương án hạn chế trẻ sử dụng Internet vào các mục đích lệch lạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là cần tuyên truyền thông tin, kĩ năng sử dụng Internet tới trẻ em.
Nhắc lại vụ việc Khá Bảnh gây xôn xao mạng xã hội thời gian trước, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đặt vấn đề vì sao một giang hồ mạng lại có thể thu hút và làm ảnh hưởng tiêu cực tới hàng nghìn trẻ em, làm méo mó môi trường mạng. Cũng từ đó, ông cho rằng, việc tuyên truyền, định hướng thông tin tới trẻ em cần có sự tham gia tích cực của những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đến trẻ em chứ không phải chỉ như cách làm cũ.
Ông Hoàng Minh Tiến – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Tổ trưởng Tổ biên tập – khẳng định đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh và sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020 – 2025” hướng tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng.
Cùng với đó, đề án sẽ hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng: Kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chung tay tham gia phát triển các ứng dụng, sản xuất các nội dung bổ ích giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
“Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực phát triển công nghệ thông tin, sự phát triển đa dạng các thiết bị kết nối, nền tảng mạng xã hội và ứng dụng di động đã tạo nên thay đổi lớn trong thói quen sinh hoạt của con người. Trẻ em không phải là ngoại lệ. Khi tham gia môi trường mạng, trẻ em đang phải đối mặt với rủi ro về bắt nạt, nội dung không phù hợp, ứng xử không phù hợp, tiếp xúc không phù hợp, nguy cơ nghiện Internet và game trực tuyến, mạng xã hội, xâm hại tình dục, v.v.”, ông Hoàng Minh Tiến – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Tổ trưởng Tổ biên tập - bày tỏ.
Cũng theo đại diện Cục An toàn thông tin, việc trẻ em bị lợi dụng, xâm hại, bắt nạt trên môi trường mạng để lại nhiều hậu quả, thậm chí một số trường hợp còn hơn cả trong cuộc sống thực. Theo đó, song song với việc bảo vệ, cần đưa ra các giải pháp hỗ trợ trẻ “phục hồi” sau khi chịu tổn thương từ môi trường mạng.
Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN về xâm hại tình dục trẻ em trên mạng
Theo Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children), 66,1% trẻ em Việt Nam có cơ hội tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Trong đó, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình từ 1-3 tiếng trong ngày.
Trong năm 2018, Việt Nam có 706.435 vụ báo cáo về hình ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng; đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia. Những thống kê, số liệu kể trên đã và đang làm nhức nhối các cơ quan chức năng, người làm cha mẹ và đội ngũ giáo viên trong cả nước.
Các chuyên gia cho rằng cách truyền tải thông tin đến trẻ em cũng cần sử dụng các biện pháp mới, phù hợp với đối tượng là trẻ em.
|
Về hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, sau 15 năm hoạt động, Tổng đài đã nhận được trên 4 triệu cuộc gọi đến, trong đó, Tổng đài đã tư vấn 307.546 ca và hỗ trợ, can thiệp cho 4.965 trường hợp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, trẻ bị lạc, bị bỏ rơi, trẻ cần hỗ trợ về tài chính...
Số cuộc gọi tăng đều hàng năm. Tổng đài đã đi vào hoạt động ổn định, được nhiều người biết và sử dụng các dịch vụ. Trong số 307.546 ca tư vấn của Tổng đài, có 10.497 ca tư vấn về xâm hại, bạo lực, 91.886 ca tư vấn liên quan đến những khó khăn của trẻ em trong quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình, với bạn bè, thầy cô giáo và cộng đồng; 42.044 ca tư vấn liên quan đến sức khỏe thể chất của trẻ em, 18.444 ca tư vấn liên quan đến tâm lý của trẻ em, 17.388 về sức khỏe sinh sản, 15.814 ca tư vấn về pháp luật…
Số ca trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, mua bán… được Tổng đài can thiệp ngày một nhiều. 15 năm qua Tổng đài đã can thiệp, hỗ trợ 4.965 trường hợp. Trong đó có 2.003 trẻ em bị bạo lực và 1.969 trẻ em bị xâm hại tình dục. Nếu giai đoạn 2004-2010 Tổng đài chỉ can thiệp hỗ trợ 663 trường hợp, giai đoạn 2011-2015 là 1.643 trường hợp và giai đoạn từ 2016 đến nay, trong vòng gần 4 năm đã có 2.659 trường hợp trẻ em được can thiệp, hỗ trợ.
Sau thời gian triển khai, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em Việt Nam đã khẳng định tiềm năng góp phần đẩy mạnh hệ thống bảo vệ trẻ em của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại các vấn đề và thách thức lớn của Tổng đài bao gồm: Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em nằm trong hệ thống bảo vệ trẻ em còn yếu, điều đó hạn chế việc đáp ứng kịp thời nhu cầu được giúp đỡ của trẻ em; nhóm trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt tiếp cận với Tổng đài còn hạn chế.