|
Hình ảnh chuyến viếng thăm nhà thờ Phan Huy Chú của ông Ban Ki-moon đã được gửi về để lưu giữ tại nhà thờ chính ở xã Thạch Châu. Ảnh: Đức Hùng |
Xóm 6, xã Thạch Châu, huyện miền biển Lộc Hà (Hà Tĩnh) được xem là gốc gác của dòng họ Phan Huy. Nơi đây có nhà thờ họ Phan Huy được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996. Với lịch sử phát triển hơn 400 năm cùng 18 đời con cháu, ông Phan Công Trầm được cho là ông tổ dòng họ.
|
Nhà thờ gốc của dòng họ Phan Huy tại xóm 6, xã Thạch Châu (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: Đức Hùng |
Ông Phan Huy Anh (57 tuổi, quyền tộc trưởng dòng họ Phan Huy) cho biết, ở xã Thạch Châu có hai nhà thờ, nhà thờ chính gọi là Giáp đường (nơi thờ tổ tiên khai sinh), nhà thờ thứ hai gọi là Ất đường, nơi vinh danh người đỗ đạt, có công trạng lớn đối với dòng họ và đất nước. Hiện một số huyện và tỉnh thành khác cũng có một số chi nhánh nhỏ và nhà thờ, tuy nhiên ông Anh vẫn là người quản lý chung.
Theo ông Huy Anh, từ khi khai sinh, dòng họ được gọi là Phan Văn. Văn là nói về văn thơ, ca nhạc, bởi những người trong họ thời điểm đó có phong cách nho nhã, sở trường cầm kỳ thi họa, xướng ca. Sau này, tới đời thứ 6 (1743) ông Phan Văn Tịnh đã đổi tên dòng họ thành Phan Huy.
"Huy có nghĩa là huy hoàng, sáng lạng. Tổ tiên xưa muốn dòng họ phát triển, lưu danh sử sách nên đổi lại thành Phan Huy. Từ sau khi đổi tên, dòng họ phát triển vượt bậc, con cháu đỗ đạt thành tài rất nhiều, tiêu biểu như cụ Phan Huy Chú, Phan Huy Cẩn (Bình Chương tiến sĩ)", ông Huy Anh kể.
Trước kia, dòng họ Phan Huy có nghề truyền thống đan lát, sau đó mọi người chuyển sang buôn bán, làm nông, cuộc sống no ấm, thanh bình. Con cháu của dòng họ trải dọc khắp mọi miền đất nước, có nhiều người đi làm ăn, lấy vợ lấy chồng và định cư ở các nước như Pháp, Mỹ, Canada, Lào…
Người đứng đầu dòng họ Phan Huy thông tin thêm, giai đoạn phát triển rực rỡ nhất là từ đời thứ 7 (1754). Thời này cụ Phan Huy Cận đậu tiến sĩ đầu tiên, có công lớn trong việc xây dựng nhà thờ họ Phan Huy, là nhân vật được thờ chính sau cụ tổ. Ông có tính cách phóng khoáng, yêu nước thương dân, hai lần đỗ đầu làm quan và được vua ban thưởng bằng sắc nhưng không khoe khoang.
Sau thời ông Phan Huy Cẩn, dòng họ Phan Huy có một số hậu duệ tên tuổi, như Phan Huy Ích, người cùng với Ngô Thì Nhậm được xem là "hai cánh tay đắc lực" của vua Quang Trung trong việc ngoại giao, chống giặc ngoại xâm. Tiếp đó là ông Phan Huy Chú (sinh năm 1783), nhà bác học với kiến thức uyên thâm, sự nghiệp văn chương đồ sộ, tiêu biểu là bộ Lịch triều hiến chương loại chí, Hoa trình tạp lục…
Sự hình thành và phát triển của dòng họ Phan Huy cũng trải qua không ít biến cố. "Theo cha ông kể lại, có thời kỳ nhiều người trong dòng họ bị nhà vua trừng phạt, vì vi phạm một số lỗi trong quan trường", ông Huy Anh thông tin.
Nhà thờ chính của dòng họ Phan Huy ở xã Thạch Châu được xây dựng từ năm 1779, một số hạng mục đã được chỉnh sửa, tuy nhiên thiết kế và vị trí đặt vật dụng thờ tự không hề thay đổi. Đây là nơi sinh hoạt của con cháu trong những dịp lễ, Tết.
Trong số nhà thờ của dòng họ Phan Huy, có nhà thờ Phan Huy Chú, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) là nổi tiếng nhất, là nơi con cháu thuộc họ Phan Huy ở phía Bắc sinh hoạt. Nơi đây cũng vừa được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon viếng thăm và để lại lưu bút.
Ông Phan Huy Triều (đời thứ 16 của dòng họ Phan Huy) cho hay, vừa rồi phía đại diện dòng họ Phan Huy Chú đã gửi nhiều bức hình và lưu bút của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon về cho dòng họ tại xã Thạch Châu để lưu giữ, làm kỷ niệm, hiện mọi người rất trân trọng những tấm hình này.
Trước thông tin ông Ban Ki-Moon sang Việt Nam để nhận tổ tiên, ông Triều và vị tộc trưởng cho hay tên của ngài Tổng thư ký Liên Hợp Quốc không có trong gia phả của dòng họ Phan Huy. "Được ngài Ban Ki-moon viếng thăm nhà thờ của dòng họ là một sự kiện đặc biệt ý nghĩa. Chúng tôi xem đây là niềm tự hào, không hề có ý định suy đoán bất cứ điều gì", ông Triều nói.
|
Ông Phan Huy Anh, tộc trưởng dòng họ Phan Huy, cho rằng chuyến viếng thăm của ông Ban Ki-moon là niềm tự hào, không nên suy đoán bất cứ điều gì. Ảnh: Đức Hùng |
Là một trong những người tham mưu để lập hồ sơ công nhận nhà thờ dòng họ Phan Huy là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh đánh giá đây là một dòng họ lớn, có truyền thống học hành và khoa bảng lớn nhất nhì Hà Tĩnh.
"Những người trong dòng họ Phan Huy từ cổ chí kim luôn đem hết sức mình phục vụ đất nước, tấm lòng và sự nghiệp của họ luôn xứng đáng để con cháu noi theo. Họ luôn có vị trí đáng trân trọng trong sử sách của nước nhà", ông Sơn nói.
Thời gian này ông đã tới viếng thăm và thắp hương tại nhà thờ Phan Huy Chú, xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội), gặp gỡ một số thành viên dòng họ Phan Huy và để lại lưu bút. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của ông từ khi đảm nhận vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc năm 2007.
Theo VnE