Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, đã có tổng cộng 1.006 ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ Ấn Độ trong tháng 1/2017, đạt mức giá trị kim ngạch 3,73 triệu USD.
Chia bình quân, mức giá nhập khẩu của các loại ôtô nguyên chiếc từ Ấn Độ chỉ vào khoảng 3.708 USD/xe. Nếu tạm tính theo tỷ giá USD bán ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) ngày 15/2/2017 là 22.790 VND, giá nhập khẩu của mỗi chiếc xe Ấn Độ chỉ vào khoảng 84,5 triệu đồng. Lưu ý đây chỉ là giá nhập khẩu tại cửa khẩu hải quan (giá CIF) chưa bao gồm các loại thuế.
Như vậy, ôtô Ấn Độ vẫn tiếp tục giữ vị trí số một về giá thấp khi nhập khẩu vào Việt Nam. Đây có lẽ cũng là một lý do quan trọng để dù không phải một cường quốc công nghiệp ôtô, không có nhiều lợi thế về thuế nhập khẩu như Thái Lan hay Indonesia song kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ Ấn Độ vẫn khá cao.
Giá nhập khẩu của các loại ôtô Pháp cao hơn Đức và Anh.
Khá bất ngờ là khi chia bình quân, giá nhập khẩu của các loại ôtô Pháp lại cao nhất chứ không phải là Đức hay Anh với các loại xe hạng sang hoặc Trung Quốc với thế mạnh xe tải, xe chuyên dụng.
Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ có 6 xe ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu từ Pháp trong tháng 1/2017, đạt mức giá trị kim ngạch 342.020 USD. Sau khi chia bình quân, mức giá nhập khẩu của mỗi chiếc xe Pháp vào khoảng 57.000 USD, tương đương 1,299 tỷ đồng.
Dựa trên mức giá nhập khẩu này, có thể khẳng định 6 chiếc xe nhập khẩu từ Pháp trong tháng vừa qua đa số không thuộc loại hình xe du lịch (chở người dưới 10 chỗ ngồi). Bởi hiện tại, ở thị trường Việt Nam đang có 2 thương hiệu xe Pháp được phân phối là Renault và Peugeot thì không có mẫu xe nào có mức giá bán lẻ đến 1,5 tỷ đồng. Lưu ý là với ôtô du lịch, sau khi cộng các loại thuế, phí và chi phí của doanh nghiệp thì giá bán lẻ sẽ cao hơn giá nhập khẩu trên dưới 2,5 lần.
Sẽ dễ giải thích hơn khi so sánh ngay với các loại xe nhập khẩu từ Anh và Đức. Ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ Anh và Đức đại đa số đều mang các thương hiệu hạng sang hoặc siêu xe như Audi, BMW, Mercedes-Benz, Land Rover, Jaguar hay Bentley…
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, lượng ôtô nhập khẩu từ Anh vào Việt Nam trong tháng 1/2017 đạt 27 chiếc, tương ứng mức giá trị kim ngạch 1,349 triệu USD; lượng ôtô nhập khẩu từ Đức đạt 146 chiếc và 7,624 triệu USD. Như vậy, giá nhập khẩu bình quân của ôtô Đức cũng chỉ khoảng 52.220 USD và ôtô từ Anh là 49.998 USD, thấp hơn đáng kể so với xe nhập khẩu từ Pháp.
Ngoại trừ trường hợp Ấn Độ thì trong danh sách 12 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu ôtô nguyên chiếc vào Việt Nam, giá nhập khẩu của ôtô Thái Lan và Indonesia ở mức thấp hơn cả, đều dưới mốc 20.000 USD mỗi chiếc.
Chẳng hạn, trong tháng 1/2017 Việt Nam nhập khẩu 2.605 xe từ Thái Lan với tổng giá trị kim ngạch 51,741 triệu USD. Như vậy, giá nhập khẩu bình quân của mỗi chiếc ôtô Thái Lan là 19.862 USD.
Ít hơn Thái Lan đôi chút là Indonesia với kim ngạch 1.823 chiếc về lượng và 35,478 triệu USD cùng mức giá nhập khẩu bình quân 19.461 USD/chiếc.
Đáng chú ý, Thái Lan và Indonesia cũng chính là 2 nước có kim ngạch xuất khẩu ôtô vào thị trường Việt Nam cao nhất trong tháng đầu năm nay.
Xét trên cả khía cạnh kim ngạch lẫn giá nhập khẩu thì ôtô Thái Lan và Indonesia đều chiếm lợi thế không nhỏ. Theo lộ trình cắt giảm thuế quan tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ 2 quốc gia trong khu vực này đã giảm xuống còn 30% kể từ ngày 1/1/2017. Do vậy, xu hướng tiêu dùng ôtô xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia tại thị trường Việt Nam đang ngày càng rõ rệt.
Ấn Độ dù nắm lợi thế xe giá rẻ song tương lai chắc chắn sẽ không thể theo kịp Thái Lan và Indonesia. Trong khi đó, ôtô nhập khẩu từ các nước khu vực châu Âu như Anh, Đức hay Pháp sẽ không nhiều thay đổi do thế mạnh xe cao cấp. Nhiều thương hiệu hạng sang đều chưa có nhà máy sản xuất tại Đông Nam Á nên thuế ATIGA sẽ không có tác động.
Theo Báo diễn đàn đầu tư