Đằng sau đà tăng của chỉ số giá gạo là lệnh cấm xuất khẩu gạo được nhiều nước đưa ra gần đây: Ấn Độ tuyên bố sẽ cấm xuất khẩu gạo, trừ gạo sấy và gạo chất lượng cao basmati để đảm bảo cung cấp đủ gạo cho thị trường trong nước và giảm mức tăng của giá gạo ở thị trường nội địa; Chính phủ Nga sẽ gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo đến hết năm 2023; Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tuyên bố tạm dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng…
Trước sự quan tâm của công chúng, tờ Thời báo Chứng khoán Trung Quốc qua khảo sát chỉ ra rằng, lệnh cấm xuất khẩu gạo ở nhiều nước, đặc biệt là Ấn Độ, cùng với các yếu tố như thời tiết khắc nghiệt và các biến cố địa chính trị, sẽ đẩy giá gạo quốc tế tăng cao trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc đạt 100%, gạo nhập khẩu chỉ được sử dụng để điều chỉnh chủng loại và sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên các sự kiện ở nước ngoài tác động tương đối ít đến thị trường gạo trong nước.
Ảnh hưởng ở trong và ngoài nước khác nhau
Thông tin Ấn Độ và các nước khác hạn chế xuất khẩu gạo rõ ràng đã đẩy giá gạo quốc tế vốn đã cao lên mức cao hơn.
Ông Trương Trí Tiên, Viện trưởng nghiên cứu Lương thực Trung Quốc, nói với phóng viên Thời báo Chứng khoán, các khu vực sản xuất và xuất khẩu gạo chính của thế giới tập trung ở Nam Á và Đông Nam Á. Kể từ năm ngoái, Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi như hạn hán và mưa lớn, sản lượng ngũ cốc giảm. Với sự hình thành của hiện tượng El Nino, các quốc gia dự đoán rằng thời tiết khắc nghiệt sẽ gây thiệt hại cho sản xuất lương thực.
Để ưu tiên ổn định nguồn cung lương thực trong nước, Ấn Độ và các nước khác đã liên tiếp đưa ra một số biện pháp cấm xuất khẩu. Ngoài ra, trong những năm gần đây, các sự kiện địa chính trị thường xuyên ảnh hưởng đến thị trường lương thực toàn cầu và các nước lớn chính đã thể hiện ý muốn tăng dự trữ lương thực, khiến thị trường lo ngại về nguồn cung lương thực toàn cầu.
Trịnh Văn Huệ, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Thương mại Ngũ cốc Hoa Nam Quảng Đông, nói với phóng viên: Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo quan trọng, năm 2022, tổng lượng xuất khẩu gạo của Ấn Độ khoảng 22 triệu tấn, chiếm hơn 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới; vì vậy lệnh cấm xuất khẩu của họ tác động đáng kể đến thị trường gạo quốc tế.
Về lâu dài, một số chuyên gia trong ngành cho rằng giá gạo khó tiếp tục tăng thêm. Đường Vận, Phó tổng giám đốc của East Asia Futures, nói với phóng viên rằng giá gạo không có cơ sở để tiếp tục tăng trong thời gian dài, lý do cơ bản là việc cung ứng gạo trên thị trường quốc tế không khan hiếm.
"Bộ Nông nghiệp Mỹ hồi tháng 7 đã dự đoán sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023/2024 sẽ tăng thêm 8 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức kỷ lục 520,8 triệu tấn; tỷ lệ dự trữ gạo toàn cầu là 32,5%, cao hơn nhiều so với mức 17% ~ 18% do FAO đề xuất", ông nhận định.
Đường Vận cho rằng lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể chỉ là một chính sách ngắn hạn. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo rằng Ấn Độ sẽ sản xuất 134 triệu tấn gạo vào niên vụ 2023/2024, năm cao thứ hai được ghi nhận. Khi giá lương thực trong nước của Ấn Độ giảm xuống, những yêu cầu mở cửa xuất khẩu sẽ tăng lên.
Trong khi đó, giá gạo trong nước Trung Quốc vẫn ổn định. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại, tính đến cuối tháng 7, giá gạo đóng gói nhỏ bán lẻ là 6,67 NDT/kg (khoảng 23.300 VND/kg), giảm 0,89% so với đầu năm.
Người phụ trách thu mua gạo của Hema (thuộc Tập đoàn Alibaba) cho hay, giá gạo trong nước năm nay có tăng nhẹ, nhưng không liên quan đến các sự kiện nước ngoài, chủ yếu là do người tiêu dùng đã thay đổi thói quen tiêu dùng và không còn tích trữ ngũ cốc như 2 năm trước. Việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cơ bản như gạo tốt hơn dự kiến, khiến nhiều nhà máy có lượng dự trữ thấp phải mua vào một lượng lớn, khiến giá gạo có tăng lên.
"Mối liên kết giữa thị trường gạo trong và ngoài nước rất thấp và sự biến động của giá gạo quốc tế có tác động tương đối ít đến thị trường trong nước", Trương Trí Tiên nói, theo thống kê chính thức, lượng dự trữ gạo và tiểu mạch hiện ở mức cao trong lịch sử, nguồn cung lương thực nhìn chung đủ đáp ứng nhu cầu khẩu phần của người dân thành thị và nông thôn trong khoảng 1 năm. Gạo trong nước có thể tự cung tự cấp, một lượng nhỏ gạo nhập khẩu chất lượng cao chỉ được sử dụng để điều chỉnh chủng loại, và một bộ phận gạo tấm cấp thấp nhập khẩu được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
“Nửa đầu năm nay, tổng lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc chỉ có 1,81 triệu tấn, nguồn gạo nhập khẩu chủ yếu đã chuyển từ Ấn Độ sang Việt Nam, sự biến động thị trường quốc tế khó có thể tác động mạnh đến giá gạo trong nước", Đường Vận cho hay.
Thực hiện nhiều biện pháp để tránh rủi ro
Giá gạo quốc tế tăng cao đã trở thành bài toán khó đối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu gạo. Khi biến động giá của các sản phẩm nông nghiệp như gạo tăng lên, các công ty liên quan phải làm tốt công tác quản lý rủi ro.
Thời báo Chứng khoán dẫn lời người phụ trách Jin Jian Cereals Industry cho hay, giá gạo nhập khẩu liên tục tăng nên lượng gạo nhập khẩu của công ty trong nửa đầu năm cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ. Hiện tại, hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty đang hoạt động bình thường và nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho hoạt động kinh doanh chế biến ngũ cốc và dầu ăn là đủ. Lệnh cấm xuất khẩu gạo ở Ấn Độ và Nga hiện chỉ có tác động hạn chế đối với công ty.
"Gạo trong lĩnh vực chế biến ngũ cốc của công ty chủ yếu là gạo từ giữa đến cuối vụ. Trung Quốc vẫn đang trong thời kỳ gieo cấy và có đủ hàng tồn kho để đảm bảo nguồn cung cho thị trường", người này cho hay.
Từ quan điểm của ngành thương mại xuất nhập khẩu, công ty áp dụng hình thức bán hàng theo đơn đặt hàng, nghĩa là sau khi xác định được người mua bán hàng hạ nguồn, công ty sẽ mua hàng từ nước ngoài, để tránh rủi ro do biến động của giá mang lại một giá gạo hợp lý.
Ông Trịnh Văn Huệ nói, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của các nhân tố không chắc chắn như sự kiện địa chính trị, nguy cơ biến động giá lương thực quốc tế ngày càng lớn, đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngũ cốc. Một mặt, các doanh nghiệp liên quan cần tăng tính linh hoạt về chủng loại và chọn lọc nguồn ngũ cốc và các doanh nghiệp đầu cuối nên tăng tính linh hoạt của công nghệ. Mặt khác, tỷ giá biến động khá lớn, doanh nghiệp phải làm tốt công tác quản trị rủi ro tỷ giá.
Ông Đường Vận đề nghị các doanh nghiệp có thể sử dụng quyền trữ hàng hoặc các công cụ tài chính khác để khóa giá, giảm rủi ro về giá. Ngoài ra, thiết lập chuỗi cung ứng đa dạng để đối phó với những biến động giá cả có thể xảy ra.
An ninh lương thực Trung Quốc được đảm bảo
Theo Thời báo Chứng khoán, trong những năm gần đây, an ninh lương thực của Trung Quốc đã được củng cố, hiện đã đạt được khả năng tự túc cơ bản và an ninh tuyệt đối về khẩu phần lương thực.
Theo số liệu do Cục Dự trữ Lương thực và Vật tư quốc gia công bố hồi tháng 5, Trung Quốc đã kiên quyết giữ vững 1,8 tỉ mẫu đất canh tác và xây dựng tổng cộng 1 tỉ mẫu đất nông nghiệp tiêu chuẩn cao; sản xuất lương thực đã có được 19 vụ được mùa liên tiếp và tổng sản lượng duy trì ở mức 650 triệu tấn trong 8 năm liên tiếp; tỷ lệ tự cung tự cấp khẩu phần là trên 100%, tỷ lệ tự cung tự cấp hạt cốc là hơn 95%, lương thực bình quân đầu người là khoảng 480 kg, cao hơn mức an ninh lương thực là 400 kg được quốc tế công nhận.
Theo Sina, Thời báo Chứng khoán