Cấm xuất khẩu gạo, Ấn Độ làm dấy lên quan ngại về lạm phát giá thực phẩm toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Động thái mới đến từ nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới làm tăng quan ngại về lạm phát giá thực phẩm trên toàn cầu.

1.png
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu của thế giới (Ảnh: Reuters)

Lệnh cấm có hiệu lực

Ấn Độ vừa ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (phi basmati), làm dấy lên lo ngại về lạm phát giá thực phẩm toàn cầu.

Bộ Các vấn đề Người tiêu dùng Ấn Độ gần đây đã thông báo về việc cấm xuất khẩu các loại gạo trắng nhằm “giảm giá và đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường nội địa”. Giá gạo ở Ấn Độ đã tăng 11,5% trong năm trước đó và tăng 3% trong tháng trước, phản ánh khối lượng xuất khẩu tăng 35% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6.

Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu. Thái Lan và Việt Nam đứng sau, và trong năm nay, giá gạo 5% tấm tại cả hai nước này cũng đã tăng. Điều này làm giá gạo toàn cầu tăng lên đối với các nước đang hy vọng sẽ lách khỏi tác động từ lệnh cấm của New Delhi. Giá ngũ cốc – thực phẩm chủ lực của hàng tỉ người trên thế giới – cao hơn có khả năng làm tăng lạm phát thực phẩm trên toàn cầu, theo giới phân tích.

Trong tháng 9 năm ngoái, Ấn Độ áp mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo trắng chưa xay xát, gạo lứt đã xát vỏ, gạo bán thành phẩm và gạo nguyên cám. Với lệnh cấm mới nhất, mức thuế không áp dụng với gạo basmati, chủng gạo nổi tiếng nhất ở Ấn Độ.

Trong những tuần gần đây, Ấn Độ đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc kiềm chế tình trạng tăng giá thực phẩm do các trận mưa lớn gây thiệt hại mùa màng và làm gián đoạn giao thông, từ đó đẩy giá cà chua cùng các loại thực phẩm chủ lực khác.

“Đây là một phản ứng tức thời, đặc biệt là tính đến ngày 1/7, lượng gạo dự trữ của chính phủ đã tăng gấp 3 lần so với bình thường”, Ashok Gulati, giáo sư đến từ Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Kinh tế Quốc tế Ấn Độ, cho hay. “Chúng tôi đang ở vị trí cực kỳ thuận lợi về trữ lượng này”.

Ông Gulati nói rằng, động thái của chính phủ New Delhi sẽ đẩy giá gạo toàn cầu lên cao và đặc biệt ảnh hưởng tới các quốc gia ở châu Phi. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng tuyên bố về lệnh cấm nêu rõ, gạo xuất khẩu vẫn có thể được chuyển sang các nước đã xin phép chính phủ Ấn Độ “để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và dựa trên yêu cầu của chính phủ nước họ”.

“Lệnh cấm xuất khẩu này là một thoả thuận lớn, bởi Ấn Độ là một quốc gia xuất khẩu gạo quan trọng”, Zanna Aleksahhina, chuyên gia phân tích ngũ cốc đến từ hãng nghiên cứu Mintec, cho hay. “Tôi hy vọng rằng chúng ta đã chứng kiến đỉnh lạm phát thực phẩm, nhưng tôi quan ngại rằng đó chưa phải mức đỉnh”.

2.png
Giá gạo tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm (Ảnh: Mintec)

Nỗi lo lạm phát thực phẩm toàn cầu

Lượng gạo dự trữ trên toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm, khoảng 170 triệu tấn vào cuối năm nay, theo ông Aleksahhina, trong khi thời tiết cực đoan có khả năng gây ảnh hưởng tới lượng dự trữ trong những tháng tới.

Kona Haque, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại ED&F Man, hãng thương mại nông nghiệp, nói rằng lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati của Ấn Độ cho thấy tầm ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Sự khan hiếm trên thị trường gạo cũng có thể gây ảnh hưởng tới lúa mì, bà nói, bởi “cả hai, đều là thực phẩm chủ lực, gần như có thể thay thế cho nhau”.

El Nino là hiện tượng thời tiết diễn ra ở Thái Bình Dương, khi các dòng nước ấm mang lượng mưa đến Nam Mỹ và tạo ra điều kiện khí hậu khô hơn ở Australia và châu Á.

Lệnh cấm của Ấn Độ xuất hiện ngay trong tuần mà Nga bắt đầu chiến dịch tấn công nhằm vào các kho chứa ngũ cốc của Ukraine và rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen – trong 11 tháng qua đã cho phép hơn 30 triệu tấn ngũ cốc và dầu ăn của Ukraine xuất khẩu ra toàn thế giới. Giá lúa mì đã tăng 11% trong vòng 5 ngày qua. Giá ngô tăng gần 9%.

Nga chiếm khoảng 20% lượng xuất khẩu lúa mì của thế giới, trong khi Ukraine trước chiến sự chiếm khoảng 10%.

“Nhiều quốc gia vốn đã đang phải đối phó với lạm phát thực phẩm cao, đặc biệt là các nước nghèo”, Arif Husain, kinh tế trưởng đến từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ, nói. “Khi các bạn đặc biệt phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực và đang nặng nợ, đồng tiền của bạn sẽ suy yếu và lãi suất sẽ tăng...nếu bạn là một nước nghèo nhập khẩu thực phẩm và phân bón, bạn sẽ gặp vấn đề”.

Tổ chức Thương mại Thế giới năm ngoái đã miễn trừ lệnh cấm xuất khẩu đối với WFP, ông Husain nói thêm. “Nếu muốn mua gạo từ Ấn Độ, chúng tôi vẫn có thể làm được”./.

Theo Financial Times