Đã 4 ngày kể từ khi chiếc máy bay tuần thám CASA 212 gặp nạn, 9 thành viên phi hành đoàn vẫn bặt vô âm tín. Với gia đình các phi công, họ vẫn còn hi vọng điều kỳ diệu đến với người thân của mình. Người thân đại úy Lê Văn Đình cũng không ngoại lệ.
Nóng lòng chờ tin
Chiều 19-6, căn nhà của bà Lê Thị Đào, bác ruột đại úy Lê Văn Đình, tại phường Đại Yên (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bỗng đông người đến hơn mọi hôm. Biết tin ông Điều mới từ Hà Nội về, một vài người họ hàng đến thăm hỏi, chia sẻ cùng gia đình.
Đã ở Hà Nội ba hôm, bản thân bị cao huyết áp lại không mang thuốc nên ông Điều được đơn vị con trai cho xe đưa về Quảng Ninh nghỉ ngơi.
Ngồi ngay bên cạnh, bà Đào mắt đỏ hoe, chốc chốc lại mệt mỏi cầm điện thoại lên đọc tin tức về việc tìm kiếm các phi công trên chiếc máy bay CASA 212. Chiều nay, bà cũng đã thu xếp vội việc nhà rồi quày quả đi chùa để cầu an cho người thân.
Bà Đào nghẹn ngào tâm sự: “Đình là cháu đích tôn của dòng họ, lại hiền lành ngoan ngoãn nên ai cũng thương. Hai tháng trước, Đình vẫn còn về giỗ ông nội mà nay thì gặp nạn biệt tăm rồi, gia đình bàng hoàng và đau đớn lắm. Đến giờ chúng tôi không ai dám cho bà nội cháu biết chuyện, cụ vốn bị bệnh tim mà nay nghe tin cháu gặp nạn chắc không chịu được. Cụ cứ mong cháu Đình dẫn vợ con về chơi…”.
Đại úy Lê Văn Đình kết hôn năm 2013, đến nay đã có hai con nhỏ, con gái đầu 2 tuổi, con trai sau mới 3 tháng tuổi. Từ khi vợ anh, chị Đỗ Thị Thắm, sinh đẻ thì cả ba mẹ con về nhà mẹ ruột anh Đình trên Thái Nguyên ở cữ.
Ông Điều cho biết dự tính sau nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn lần này, anh Đình sẽ đón vợ con về ở chung cư Đặng Xá (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội).
Niềm tin không tắt
Cùng chung sự chờ đợi với gia đình, những người bạn của anh Đình tại TP Hạ Long đều chăm chú theo dõi thông tin tìm kiếm cứu nạn máy bay trên báo đài.
Chiều 19-6, chúng tôi gặp anh Vũ Mạnh Chiến, bạn thân và cô Trần Hương Giang, cô giáo cũ của anh Đình. Trong tâm trí của họ là hình ảnh người bạn, người học trò hiền lành, chăm chỉ, giỏi thể thao. “Hằng ngày, hằng giờ, chúng tôi đều mong Đình trở về, cầu mong một điều kỳ diệu sẽ xảy ra” - anh Chiến nói.
Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, ông Lê Minh Điều nhiều lần đề cập đến việc gia đình sẵn sàng nhận thông tin về con, dù tốt xấu ra sao. Hơn nữa, tình hình tìm kiếm cứu nạn càng lâu thì khả năng sống sót càng thấp. Bà Đào nghe và nén tiếng nấc nhẹ, nói: “Đến bây giờ thì làm gì còn tin tốt được nữa”.
Ông Điều liền ngắt lời: “Đình bơi giỏi lắm, hơn nữa trong hai năm học tại Trường Sĩ quan đặc công thì cũng đã có hai năm được huấn luyện đặc công nước. Nếu thoát được khi máy bay rơi thì với điều kiện sóng gió thế này, tôi tin cháu có thể giữ được vài ba ngày. Dù có buồn đến đâu, nhưng nếu còn một phần nghìn hi vọng thì gia đình vẫn mong chờ một kỳ tích, mong con trở về”.
“Tôi luôn dặn con rằng binh nghiệp sẽ gắn bó với con cho tận đến khi về hưu. Và con sẽ phải nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ vì gia đình, Nhà nước đã cho con có được sự đào tạo này. Đến hôm nay, dù kết quả có ra sao thì tôi vẫn tự hào, trong hàng triệu người trên cả nước, Đình đã được chọn để tham gia nhiệm vụ quan trọng là tìm kiếm, cứu nạn đồng đội mình” - ông Điều nói, ánh mắt bừng sáng lên.
Theo Tuổi trẻ