Giá dầu thô đang tiếp tục lao dốc mạnh hơn từ sau cuộc họp ngày 7-12 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khi các nước thành viên không thống nhất được việc giảm sản lượng khai thác hàng ngày trong khi nguồn cung đang dư thừa khá nhiều so với nhu cầu kinh tế toàn cầu.
Giá dầu đã giảm 29% kể từ đầu năm đến nay và tính riêng trong quí 4-2015 đã giảm 17% đã khiến các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đứng trước những thách thức ngày càng lớn hơn về hụt thu so với dự báo.
Diễn biến giá dầu giảm không phải là mới nhưng mức giảm mạnh đến dưới ngưỡng 40 đô la Mỹ/thùng lại là câu chuyện khác.
Hồi cuối tháng 9-2015, khi giá dầu thô xoay quanh mức 50 đô la/thùng thì PVN dự tính giá bình quân năm 2015 là 56,7 đô la/thùng, cho dù dự báo trước đó được lập kế hoạch trên cơ sở 100 đô la/thùng. Mức giảm đến 43 đô la/thùng so với dự báo khiến ngân sách nhà nước hụt thu 63.000 tỉ đồng từ dầu thô và các khoản thu nội địa liên quan đến dầu thô, riêng PVN hụt doanh thu 163.000 tỉ đồng.
Nhưng với đà giá dầu giảm dưới 40 đô la Mỹ/ thùng như hiện tại thì mức giá bình quân 3 tháng cuối năm sẽ không còn đứng vững ở mức 50 đô la/thùng như những dự tính trước đó.
Mức sụt giảm mạnh của giá dầu tại thời điểm này cũng tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến dự báo của PVN năm tới. Báo cáo với Chính phủ và Quốc hội, PVN xây dựng ba kịch bản giá dầu cho năm 2016: 70 đô la Mỹ, 65 đô la Mỹ và 60 đô la Mỹ/thùng. Quốc hội đã thông qua ngân sách ở mức thấp nhất: 60 đô/thùng và xây dựng dự toán thu ngân sách dựa trên mức giá này.
Nếu đà giảm giá dầu còn tiếp tục, thậm chí xuống 20 đô/thùng như dự báo mà Ngân hàng Goldman Sachs đưa ra hồi tháng 11-2015 thì các mục tiêu thu ngân sách năm 2016 tiếp tục bị ảnh hưởng rất mạnh bởi hụt thu từ dầu, và Quốc hội khóa 14 sẽ phải đặt lên bàn xem xét các cân đối ngân sách bị giá dầu làm thay đổi hàng loạt.
Theo TBKTSG