Phát biểu với báo giới tại cuộc họp công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 (trước Tết Nguyên đán vừa qua), ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, cho biết: Tổng cục năng lượng và Cục điều tiết điện lực dự kiến sẽ trình phương án điều chỉnh Nghị định 69/2013/TTg quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Ông Phúc nói: “Nghị định 69 có nhiều điểm chưa hợp lý và chúng tôi đã đề nghị cho điều chỉnh để cập nhật thị trường hơn. Ví dụ như việc rút ngắn thời gian được phép điều chỉnh giá điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng”. Nghị định hiện hành chỉ cho phép thời gian điều chỉnh giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 6 tháng.
Ông Phúc bổ sung thêm thông tin rằng đã có dự thảo sửa đổi về những bất cập này và sẽ lấy ý kiến tham khảo trên cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương. Nếu dự thảo sửa đổi nhận được sự đồng tình thì Nghị định mới sẽ được ra đời thay thế cho Nghị định 69 hiện hành.
Theo thông tin của TBKTSG Online, cơ quan soạn thảo dự định điều chỉnh giá bán điện trong phạm vi khung giá do Thủ tướng quy định và được điều chỉnh tăng ở mức 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành. Thời gian điều chỉnh giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng.
Trong trường hợp các thông số đầu vào tại thời điểm tính toán biến động cao so với giá điện bình quân hiện hành từ 3% đến 5% và trong khung giá quy định thì Tập đoàn điện lực (EVN) được phép điều chỉnh tăng giá bán ở mức tương ứng, và báo cáo với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Trong trường hợp các thông số đầu vào tại thời điểm dự kiến điều chỉnh cao hơn 5% và EVN muốn điều chỉnh cao hơn mức này thì EVN phải lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính thẩm định. Sau 10 ngày nhận được hồ sơ, hai bộ sẽ có ý kiến chính thức.
Nếu dự thảo này được thông qua, đây sẽ là những điều chỉnh đáng kể so với quy định hiện hành. Nghị định hiện hành cho phép điều chỉnh giá điện bình quân tăng ở mức dưới 7% so với giá điện bình quân đang áp dụng khi thông số đầu vào tăng, và tối thiểu 6 tháng mới điều chỉnh được một lần. Nếu điều chỉnh từ 7% đến 10% thì EVN phải nhận được sự chấp thuận của Bộ Công Thương, còn điều chỉnh tăng từ 10% trở lên thì EVN phải báo cáo, xin phép Thủ tướng.
Một vấn đề đã tồn tại trong Nghị định 69 và nay tiếp tục được duy trì trong dự thảo nghị định sửa đổi là việc cho phép thành lập quỹ bình ổn giá điện, một hình thức quỹ tương tự như Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy quỹ này chưa được thành lập nhưng ngay tại Nghị định 69 đã cho phép sử dụng quỹ bình ổn giá điện. Quỹ này dự kiến được thành lập từ việc trích lại một mức tiền nhất định từ giá bán lẻ điện khi các yếu tố đầu vào hình thành giá biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán lẻ điện.
Tuy nhiên đến nay quỹ vẫn chưa được thành lập. Vấn đề là ở chỗ cơ chế hình thành giá còn rất nhiều tranh luận thế nào cho minh bạch và hợp lý.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã có từ nhiều năm nay và Nhà nước thường công bố về việc trích quỹ, số tồn dư quỹ. Tuy nhiên, tại diễn đàn Quốc hội cách đây vài năm, việc thành lập Quỹ dưới hình thức này đã bị đánh giá là không đúng quy định của pháp luật. Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ năm 2009 đã có ý định đưa Quỹ này về Kho bạc Nhà nước quản lý chứ không để lại doanh nghiệp và báo cáo con số như hiện hành. Song đến nay việc này vẫn chưa làm được và dư luận luôn đặt câu hỏi về tính minh bạch và cách sử dụng quỹ.
Theo TBKTSG