
Giá trị thực của SHB cao hơn nhiều so với giá cổ phiếu
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), vấn đề giá cổ phiếu SHB thu hút sự quan tâm của đa số cổ đông. Mã này đang là tâm điểm của thị trường chứng khoán thời gian gần đây khi tăng hơn 20% chỉ sau 2 tuần, lập đỉnh kể từ đầu tháng 8/2023 và là một trong những cổ phiếu có thanh khoản cao nhất.
Dù vậy, nhiều cổ đông cho rằng định giá cổ phiếu SHB còn tương đối thấp khi P/E đạt 5,24 và P/B đạt 0,84 – khá thấp trong nhóm ngân hàng niêm yết.
Chia sẻ với cổ đông, ông Đỗ Quang Hiển tỏ ra phấn khởi khi cổ đông đánh giá tích cực về SHB và nhận định “giá trị thực của SHB cao hơn rất nhiều so với giá trị cổ phiếu hiện nay”.
Tiếp thu đóng góp của cổ đông về công tác truyền thông chưa lan toả hết giá trị của ngân hàng, phần nào ảnh hưởng tới giá cổ phiếu, ông Hiển cho biết có thói quen “nói ít, làm nhiều”, song sẽ tăng cường công tác truyền thông với tinh thần “nói thật, làm thật”.
“Chúng ta không đánh bóng, mà phải phản ánh đúng giá trị thực của SHB để nhà đầu tư và các đối tác hiểu rõ hơn”, ông Hiển nói.
Khi được cổ đông hỏi về việc hợp tác chiến lược với đối tác nước ngoài, ông Hiển cho biết SHB đang làm việc với một số đối tác ngoại có tiềm năng.
Ông Hiển gọi SHB là “một cô gái xinh đẹp và tài năng, có giá trị”, vì vậy cần một đối tác xứng tầm.
“Không phải chỉ có hình thức cổ đông ngoại cho oai, mà chúng tôi đề cao giá trị thực mà họ đem lại cho SHB về mặt quản trị, điều hành, về vốn, đồng hành lâu dài. Họ phải mang lại lợi ích cho SHB, cho cổ đông và cả chính họ”, ông Hiển nói.

Liên quan đến kế hoạch chuyển nhượng 50% cổ phần còn lại của công ty tài chính SHSFinance, ông Đỗ Quang Vinh – Phó chủ tịch HĐQT, cho biết ngân hàng đang đàm phán với đối tác và thực hiện các thủ tục để nộp lên Ngân hàng Nhà nước.
Nếu thuận lợi, quá trình chuyển nhượng sẽ hoàn thành trước ngày 30/6/2025. Tuy nhiên, cũng có thể thời gian phê duyệt sẽ kéo dài hơn, kỳ vọng hoàn tất việc chuyển nhượng trong năm nay.
Trước đó, tháng 5/2203, SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn tại công ty tài chính tiêu dùng này cho đối tác Krungsri.
Triển vọng thị trường bất động sản rất tốt
Một vấn đề cổ đông quan tâm tại đại hội là vấn đề nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu của SHB tương đối thấp so với các ngân hàng khác.
Bà Ngô Thu Hà - Tổng giám đốc, cho biết tỷ lệ bao phủ nợ xấu của SHB hiện ở mức gần 70%, được tính trên cơ sở phần dự phòng đã trích lập, dựa vào giá trị tài sản đảm bảo. Dù tỷ lệ hiện tại thấp, song bà nhấn mạnh “vẫn rất an toàn”.
Bà phân tích, theo báo cáo tài chính, tổng giá trị tài sản đảm bảo của SHB hiện nay là hơn 1,2 triệu tỷ đồng, trong khi phần dư nợ chỉ chiếm khoảng 47% trên giá trị đó. Điều này cho thấy tài sản đảm bảo của SHB là rất lớn, vượt xa tổng dư nợ.
Khi có nợ xấu xảy ra, giá trị tài sản đảm bảo có thể bù đắp phần lớn. Việc trích lập dự phòng nợ xấu được tính toán đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật.
Về tình hình dư nợ SHB trong lĩnh vực bất động sản, bà Hà cho hay năm 2024 chiếm 24,5% tổng dư nợ, hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ trong việc hỗ trợ và phát triển các dự án.
“Tỷ lệ nợ xấu bất động sản tại SHB hiện nay là rất thấp, chỉ chiếm 0,1% trên tổng dư nợ toàn ngân hàng. Riêng với khoản dư nợ bất động sản khoảng 127.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,5%. Các dự án mà SHB tài trợ đều được thẩm định kỹ lưỡng và đảm bảo tuân thủ chặt chẽ, an toàn”, Tổng giám đốc SHB thông tin tới cổ đông.
Đánh giá thêm về triển vọng thị trường bất động sản, ông Đỗ Quang Hiển nhận định thị trường còn nhiều tiềm năng.
“Tất nhiên, sẽ có những thời điểm thị trường biến động, nhưng về dài hạn thì rất tiềm năng. Nhu cầu của người dân Việt Nam về nhà ở, thương mại, dịch vụ và giải trí hiện vẫn còn thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực. Đây chính là dư địa để thị trường phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”, ông Hiển nói và khẳng định các dự án bất động sản do SHB tài trợ nói riêng đều là những khoản đầu tư tiềm năng, hiệu quả và an toàn.
Chia cổ tức bằng tiền năm thứ 2 liên tiếp
Năm nay, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 14.500 tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện năm 2024 - mức cao nhất trong lịch sử, nếu đạt được.
Tổng tài sản ước đến cuối năm 2025 dự kiến đạt 832.221 tỷ đồng, tăng trưởng 11%; tổng dư nợ cấp tín dụng ước đạt 83.640 tỷ đồng, tăng 16%. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 31 cuối năm 2025 đưa về dưới 1%, trong khi năm 2024 con số này là 2,4%.
Tính đến hết quý I, SHB đạt 4.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 30% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay. Tổng tài sản hợp nhất tại ngày 31/3/2025 đạt 790.742 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt 575.777 tỷ đồng, tăng 7%.

Về phương án phân phối lợi nhuận, SHB sẽ chia cổ tức năm 2024 tỷ lệ 18% trong đó tiền mặt 5% (tương đương 2.033 tỷ đồng) và cổ phiếu 13% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 13 cổ phiếu mới), tương ứng phát hành hơn 528 triệu cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ ngân hàng sẽ nâng từ 36.629 tỷ đồng lên 45.942 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp SHB chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chỉ chia cổ phiếu kể từ 2015.
Phần lớn cổ tức sẽ “chảy” vào gia đình ông Đỗ Quang Hiển và người có liên quan. Theo báo cáo quản trị năm 2024, Công ty CP Tập đoàn T&T – công ty do ông Đỗ Quang Hiển làm người đại diện theo pháp luật, là cổ đông lớn nhất sở hữu 7,85% vốn SHB. Còn ông Đỗ Quang Hiển nắm 2,724% vốn ngân hàng; hai con trai là ông Đỗ Quang Vinh – Phó Chủ tịch SHB và ông Đỗ Vinh Quang lần lượt nắm 2,928% và 2,758% vốn. Chị gái ông Hiển – bà Đỗ Thị Thu Hà nắm 2,032% vốn…
Tổng cộng số cổ phần do ông Đỗ Quang Hiển cùng gia đình và công ty liên quan nắm giữ chiếm 20,086% vốn SHB.
Năm 2024 SHB ghi nhận thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 23.572 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023. Ngân hàng thu về 11.569 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 25% so với năm 2023.
Tổng tài sản đạt 747.478 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Tính đến cuối năm 2024, dư nợ cấp tín dụng của SHB đạt 533.984 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt 519.950 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2024, quy mô huy động vốn đạt 660.983 tỷ đồng (tiền gửi từ tổ chức kinh tế và cá nhân, tiền gửi từ tổ chức tín dụng, nguồn vốn huy động từ các tổ chức quốc tế), tăng 19% so với 2023. Trong đó, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 544.108 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu của SHB là 2,4%, tổng quỹ dự phòng rủi ro của SHB là 9.481 tỷ đồng, trong đó dự phòng chung là 3.991 tỷ đồng, dự phòng cụ thể là 5.363 tỷ đồng.