|
Ảnh minh họa (Nguồn: Gelex) |
Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) vừa nâng mức giá chào mua công khai cổ phiếu VCG của Tổng công ty Viglacera (Viglacera – Mã CK: VCG) lên mức 23.500 đồng/cp. Đây là lần nâng giá thứ 2 sau khi Gelex đã nâng giá mua cổ phiếu GEX từ 17.700 đồng lên 21.500 đồng/cp.
Mức giá chào mua này tương đương với thị giá cổ phiếu VGC đang được giao dịch trên sàn chứng khoán. Chốt phiên giao dịch ngày 18/9, cổ phiếu VGC đang được giao dịch ở mức 23.400 đồng/cp.
Trước đó, Gelex đã chào mua công khai 95 triệu cổ phiếu, tương đương 21,2% vốn điều lệ Viglacera với giá chào mua dự kiến là 17.700 đồng/cp trong khoảng thời gian kéo dài từ ngày 26/8 – 25/9/2020.
Theo các số liệu công khai, nhóm Gelex hiện đang sở hữu 24,96% vốn của Viglacera. Trong đó, Gelex trực tiếp nắm giữ 24,8 triệu cổ phiếu VGC, tương đương 5,54% vốn; CTCP Thiết bị điện Gelex (công ty con của Gelex) nắm giữ 87,1 triệu cổ phiếu VGC, tương đương 19,43% vốn.
Nhìn vào cái cách ông Nguyễn Văn Tuấn (Tổng giám đốc Gelex) được bầu giữ ghế Chủ tịch HĐQT Viglacera, hẳn tỷ lệ sở hữu thực tế của nhóm Gelex còn cao hơn.
Tuy nhiên, nhiều khả năng tỷ lệ sở hữu của nhóm Gelex tại Viglacera chưa đạt tới mức quá bán (51%). Bởi lẽ, các động thái nâng giá mua cổ phiếu VGC mới đây cho thấy nhu cầu gom thêm của nhóm này vẫn còn.
|
Nếu thương vụ chào mua kể trên thành công, Gelex sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Viglacera từ 24,96% lên 46,15% vốn điều lệ, còn cách tỷ lệ sở hữu chi phối không quá xa. Thêm nữa, với 4,85% còn lại, theo Luật Chứng khoán sửa đổi, Gelex sẽ không cần phải thực hiện chào mua công khai.
Việc nâng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối sẽ giúp Gelex nắm thế chủ động trong thương vụ M&A Viglacera mà không cần phải quá quan tâm đến việc thoái vốn của Bộ Xây dựng. Mà cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có động thái nào cho thấy cổ đông Nhà nước sẽ sớm đấu giá cổ phiếu VGC.
Kể từ khi Gelex công bố kế hoạch mua cổ phần chi phối tại Viglacera vào ngày 18/6/2020, cổ phiếu VGC được giao dịch rất sôi động trên thị trường chứng khoán. Trong 6 tháng gần đây, tính đến ngày 17/09, tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu VGC theo phương thức thỏa thuận đạt 114,6 triệu cổ phiếu, chiếm 26% vốn điều lệ của Viglacera, lớn hơn nhiều so với 95 triệu cổ phần mà Gelex chào mua công khai.
Ban lãnh đạo Gelex cho biết, thương vụ thâu tóm Viglacera sẽ giúp tập đoàn giảm mạnh tỷ lệ nợ vay, mở ra nhiều cơ hội để tiến sát tới mục tiêu đã đề ra, đặc biệt trong mảng phát triển bất động sản khu công nghiệp.
Nếu hoàn tất việc thâu tóm Viglacera, Gelex đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2020 lần lượt đạt 19.600 tỷ đồng và 975 tỷ đồng. Ngược lại, nếu không thực hiện được trong năm nay, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của Gelex lần lượt là 17.500 tỷ đồng và 735 tỷ đồng./.