GDP tăng trưởng âm - phép thử liều cao cho chứng khoán Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tăng trưởng GDP thường có mối tương quan thuận chiều với diễn biến của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cũng có thời điểm, mối tương quan này không được duy trì.
Vì sao GDP âm mà chứng khoán vẫn có thể tăng?
Vì sao GDP âm mà chứng khoán vẫn có thể tăng?

Tăng trưởng GDP Quý 3/2021 của Việt Nam ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Bên cạnh đó, GDP tăng trưởng âm cũng là phép thử lớn dành cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ trước khi các số liệu ước tính về GDP được công bố, chỉ số VN-Index đã có nhịp điều chỉnh mạnh từ đầu tháng 7/2021 khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở khu vực phía Nam trở nên phức tạp. Kể từ đợt sụt giảm đó, chỉ số này vẫn chưa lấy lại được đỉnh cũ.

Trong khi đó, ở một số nước có dịch Covid-19 bùng phát mạnh như Ấn Độ, thị trường chứng khoán lại chứng kiến những nhịp tăng mạnh.

Trao đổi với VietTimes, ông Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư AlphaGrep (Singapore), cho biết phần lớn thời gian GDP và thị trường chứng khoán có mối tương quan thuận chiều. Khi GDP tăng trưởng dương thì thị trường chứng khoán cũng tăng theo và ngược lại. Tuy nhiên, có rất nhiều thời điểm, mối tương quan này không được duy trì.

Vì sao GDP giảm mà chứng khoán vẫn tăng?

Theo ông Hoàng Tùng, có hai kịch bản chính khi tăng trưởng GDP và thị trường chứng khoán không diễn biến đồng pha, bao gồm: (1) GDP vẫn tăng trưởng dương nhưng chứng khoán lại giảm và (2) GDP tăng trưởng âm nhưng chứng khoán lại tăng.

Nguyên nhân dẫn đến hai kịch bản này có thể được lý giải bởi hai thành phần chính tham gia vào thị trường chứng khoán đó là: đầu cơ và đầu tư.

Kịch bản đầu tiên xảy ra khi trước đó có một sóng đầu cơ cực mạnh đẩy giá các cổ phiếu lên cao quá mức, như đợt ‘bong bóng’ dotcom diễn ra vào năm 2000. Sau giai đoạn đầu cơ này, thị trường chứng khoán thường có nhịp điều chỉnh mạnh, rũ bỏ bớt những "nhà đầu cơ" từ trước đó.

Trong khi đó, kịch bản thứ hai thường xảy ra khi một cú sốc của nền kinh tế gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng GDP. Lúc này, dòng tiền sẽ rút khỏi các kênh kinh doanh do bi quan về triển vọng, cụ thể là các doanh nghiệp sẽ dừng mở rộng (thậm chí thu hẹp kinh doanh) để tránh khủng hoảng.

“Một dòng tiền nhàn rỗi sẽ được sinh ra và nó sẽ phải tìm một nơi mới để đổ vào. Dòng tiền này, trong rất nhiều thời điểm, sẽ chọn chứng khoán làm kênh để tiến công vì tính thanh khoản cao. Dòng vốn mới này đổ vào sẽ tạo ra một cơn sóng đầu cơ trên thị trường và tạo ra sự lệch pha của GDP với thị trường chứng khoán”, ông Tùng nói. Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng dòng tiền đầu cơ sẽ sớm qua đi và dần đưa tỉ lệ: vốn hoá toàn thị trường/GDP về giá trị cân bằng.

Sóng đầu cơ này có lợi hay hại?

Chia sẻ quan điểm cá nhân, ông Hoàng Tùng cho biết làn sóng đầu cơ này có ‘lợi nhiều hơn hại’ cho nền kinh tế vì hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, làn sóng này sẽ giúp kích thích dòng tiền tiếp tục luân chuyển. Một dòng tiền ngưng đọng, nằm im sẽ là hiểm hoạ cho toàn bộ nền kinh tế.

Thứ hai, với việc có một lượng tiền lớn đổ vào kênh huy động vốn như thị trường chứng khoán cũng sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền hút vốn để vượt qua khó khăn.

Ngoài ra, việc thị giá cổ phiếu tăng cũng sẽ giúp gia tăng định giá, từ đó giúp các doanh nghiệp có thể triển khai huy động nhiều vốn hơn nữa./.