Khi nào dòng tiền trở lại nhóm VN30?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thanh khoản ở nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Khi nào dòng tiền trở lại nhóm VN30?
Khi nào dòng tiền trở lại nhóm VN30?

Sự suy giảm thanh khoản ở nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 được thể hiện rõ trong phiên giao dịch hôm nay (ngày 24/9/2021).

Lần đầu tiên trong năm nay, thanh khoản trong phiên sáng của nhóm này ở dưới ngưỡng 3.000 tỉ đồng. Tính thêm cả phiên chiều, thanh khoản của nhóm VN30 cũng mới chỉ đạt 7.000 tỉ đồng, với 152,6 triệu cổ phiếu được trao tay, chiếm 38,1% giá trị giao dịch trên sàn HoSE. Các thông số này kém xa so với những số liệu được ghi nhận hồi đầu năm.

Thanh khoản sụt giảm của nhóm VN30 một phần đến từ yếu tố thị trường khi tâm lý nhà đầu tư phiên giao dịch hôm nay khá thận trọng, còn dòng tiền đầu cơ mất hút trước áp lực chốt lời của nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ.

Song, ở một góc nhìn dài hạn hơn, diễn biến của nhóm VN30 còn phụ thuộc vào chuyển động của các nhóm cổ phiếu trong nó. Lưu ý rằng, có tới 1/3 số cổ phiếu trong nhóm VN30 là các cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng, bao gồm: ACB, BID, CTG, HDB, MBB, STB, TCB, TPB, VCB, VPB.

Thanh khoản nhóm VN30 thấp nhất kể từ đầu năm (Nguồn: FiinGroup)

Thanh khoản nhóm VN30 thấp nhất kể từ đầu năm (Nguồn: FiinGroup)

Trong báo cáo mới đây, FiinGroup cho biết lợi nhuận của ngành ngân hàng đã đạt đỉnh vào quý 1/2021. Đơn vị phân tích này cũng dự báo rằng triển vọng lợi nhuận của nhóm ngành ngân hàng sẽ tiếp tục suy giảm trong phần còn lại của năm 2021.

Nguyên nhân là do nhu cầu vay giảm từ cả phía tín dụng doanh nghiệp và tín dụng cá nhân, NIM giảm do định hướng chính sách của NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của FiinGroup cũng dự báo rằng, nợ xấu của nhóm ngân hàng sẽ tăng mạnh do tác động của đại dịch và sẽ dần được phản ánh vào kết quả kinh doanh, cũng như chất lượng tài sản trong các quý tới.

Thêm nữa, việc nhiều ngân hàng dự tính phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cũng là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư tỏ ra thận trọng với cổ phiếu của nhóm ngành này.

Cụ thể, TPB dự kiến phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ, nâng vốn điều lệ lên mức 11.716 tỉ đồng. SHB đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm hơn 7.413 tỉ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu và chào bán cho cổ đông hiện hữu. VPB cũng dự kiến phát hành 1,97 tỉ cổ phiếu, trong đó phát hành để trả cổ tức là 1,53 tỷ cổ phiếu (tỷ lệ 62,15%) và còn lại là phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu (17,85%), để tăng vốn điều lệ.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã phản ánh một phần những tác động này khi chỉ số cổ phiếu ngân hàng đã giảm 13,7% từ đỉnh gần nhất, trong khi VN-Index giảm 4,7%. Điều này làm cho cổ phiếu ngân hàng có mức định giá hiện tại thấp hơn thời điểm trước đây hai tháng, với P/B bình quân toàn ngành giảm từ 2,6x vào tháng 6/2021 về mức 2,2x như hiện nay.

Trong báo cáo ngành ngân hàng phát hành hôm 10/9, CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã CK: VND) cho rằng các nhà đầu tư đều hình dung được bức tranh lợi nhuận nửa cuối năm 2021 sẽ chịu tác động lớn từ đợt bùng phát hiện tại, do đó, thị trường chủ yếu sẽ kỳ vọng vào triển vọng lợi nhuận năm 2022.

“Những khoảng trống tăng trưởng sẽ được bù đắp trong các quý tiếp theo khi các hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành bình thường trở lại. Và ngành Ngân hàng là lựa chọn đầu tư tiêu biểu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch”, báo cáo nêu.

Theo VND, giá cổ phiếu ngân hàng hiện đã điều chỉnh khoảng 15% từ mức đỉnh và phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát hiện nay. Vì vậy định giá ngân hàng đang trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư./.