Gặp người phụ nữ từ cõi chết trở về nhờ... trí tuệ nhân tạo

VietTimes – Ung thư là căn bệnh mà người mắc nó nhận cái án tử treo lơ lửng trên đầu. Có những người từ khi phát hiện bị ung thư đến lúc xa rời cõi tạm chỉ chưa đầy một tháng, nhất là những người bị ung thư phổi. Ấy vậy mà có một phụ nữ bị ung thư phổi đã hồi phục thần kỳ nhờ một công nghệ hỗ trợ điều trị ung thư mới của Mỹ đang được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Bệnh nhân ung thư chia sẻ về kinh nghiệm chiến đấu chống lại bệnh tật
Bệnh nhân ung thư chia sẻ về kinh nghiệm chiến đấu chống lại bệnh tật

"Khổng Minh ảo" của các bác sĩ chữa bệnh ung thư

Chúng tôi đến Phú Thọ trong một ngày đầu hè với cái nóng như hun người. Xuất phát từ một chia sẻ của bác sỹ Trần Xuân Vĩnh trên Facebook về một trường hợp bị ung thư phổi rất nặng nhưng lại đang hồi phục thần kỳ sau khi được áp dụng phác đồ điều trị từ một công nghệ của Mỹ, chúng tôi đã tìm đến Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, nơi đang điều trị cho bệnh nhân này.

Ngay khi bước chân vào bệnh viện, chúng tôi đã thấy ấn tượng với cơ sở vật chất nơi đây. Bệnh viện có diện tích rất rộng, hành lang rộng, sạch sẽ, các biển hiệu phòng ban nhìn rất “Tây”. Đây là một bệnh viện hàng đầu của tuyến tỉnh và là bệnh viện vệ tinh của 8 bệnh viện Trung ương bao gồm bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K Trung ương, bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học và Truyền máu, bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Nội tiết và bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Đón tiếp chúng tôi là bác sỹ Ngô Hữu Hà, Phó Giám đốc bệnh viện và bác sỹ Trần Xuân Vĩnh, Phó trưởng đơn vị Phẫu thuật ung bướu và Hóa trị liệu – người đăng status về nữ bệnh nhân ung thư. Không giấu được niềm vui và tự hào, bác sỹ Ngô Hữu Hà cho biết mình đã có 34 năm công tác tại ngành Y tỉnh Phú Thọ, từ lúc bệnh viện còn khó khăn, lạc hậu cho đến nay bệnh viện đã có một cơ sở vật chất khang trang trên diện tích 2,94 ha với ba tòa nhà 7 tầng và hai tòa nhà 11 tầng; 40 khoa, phòng và trung tâm với quy mô trên 1500 giường bệnh, 1400 cán bộ viên chức trong đó có 460 bác sỹ.

Gặp người phụ nữ từ cõi chết trở về nhờ... trí tuệ nhân tạo ảnh 1 bác sỹ Trần Xuân Vĩnh, Phó trưởng đơn vị Phẫu thuật ung bướu và Hóa trị liệu

Bác sỹ Trần Xuân Vĩnh nhìn giống như một tài tử điện ảnh. Anh em chúng tôi nói đùa với nhau rằng các đạo diễn nên mời bác sỹ Vĩnh đóng phim, vào vai bác sỹ luôn, vừa đúng ngành nghề mà lại đạt tiêu chuẩn về độ ăn ảnh. Bác sỹ Vĩnh chỉ cười và nói rằng “lát em sẽ dẫn các anh đến gặp chị bệnh nhân kia luôn”.

Chưa đợi bác sỹ Vĩnh nói hết câu, chúng tôi đã tò mò hỏi anh về công nghệ Mỹ mà các bác sỹ đã áp dụng để điều trị cho bệnh nhân ung thư. Anh Vĩnh cho biết đây là công nghệ IBM Watson for Oncology, mới được đưa vào áp dụng tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ từ tháng 2 năm nay.

IBM Watson for Oncology là phần mềm hỗ trợ điều trị ung thư dựa trên nền tảng điện toán biết nhận thức của IBM (trí tuệ nhân tạo) kết hợp với cơ sở dữ liệu của Trung tâm Ung bướu Memorial Sloan Kettering – đơn vị có hơn 130 năm kinh nghiệm nghiên cứu và điều trị ung thư tại Mỹ, với hơn 15 triệu hồ sơ bệnh án, trên 300 tạp chí Y khoa và trên 400 đầu sách Y khoa. Dựa trên việc phân tích từ cơ sở dữ liệu hiện có, học mới và bổ sung mỗi ngày, IBM Watson for Oncology có thể gợi ý cho bác sỹ phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân ung thư riêng biệt. Chất lượng tư vấn của IBM Watson for Oncology có độ tương hợp từ 80-90% so với các hội đồng tư vấn chuyên môn hàng đầu.

Nghe thì hơi rắc rối nhưng có thể hiểu nôm na thế này: IBM Watson for Oncology là một vị “quân sư” cho các bác sỹ. Nó không trực tiếp làm nhiệm vụ “đánh trận” mà trên cơ sở phân tích các dữ liệu của bệnh nhân, nó sẽ gợi ý các phác đồ điều trị để bác sỹ tham khảo ra quyết định. Có thể coi IBM Watson for Oncology là “Khổng Minh”, còn bác sỹ điều trị là “Lưu Bị”!

fig come here
IBM Watson for Oncology là bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam. Công nghệ này có thể giúp hỗ trợ giải quyết thực trạng quá tải ở các bệnh viện, giúp bệnh nhân có phác đồ điều trị nhất quán ngay tại địa phương, giúp các bác sỹ có cơ hội cập nhật thông tin mới nhanh chóng, kịp thời
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến
Thứ trưởng Bộ Y tế
"Vị quân sư Khổng Minh ảo" này có cái hay là nó là máy nên có thể tính toán chính xác về nồng độ và lưu lượng dòng thuốc trong điều trị sinh học trúng đích đối với các bệnh nhân ung thư. Nhưng như cả hai bác sỹ Ngô Hữu Hà và Trần Xuân Vĩnh đã khẳng định, máy móc không thể thay thế con người trong điều trị ung thư, phần quyết định vẫn nằm ở các bác sỹ và cả tinh thần của chính bệnh nhân. Nếu như hồi xưa các bác sỹ phải vất vả “lên mạng” tìm đọc các tài liệu, nghiên cứu các phương pháp điều trị, thì bây giờ công việc này đã nhẹ nhàng rất nhiều nhờ sự hỗ trợ của IBM Watson for Oncology. Hiện công nghệ này đang được ứng dụng tại 13 nước, trong đó có Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ… và bây giờ là Việt Nam.

Nói thêm về "vị quân sư Khổng Minh ảo". Các chuyên gia công nghệ hẳn không xa lạ gì với thuật ngữ IBM Watson. Watson là tên của vị CEO đầu tiên của IBM, sau này tên của ông được đặt cho hệ thống siêu máy tính của hãng. Ban đầu, hệ thống siêu máy tính IBM Watson được tạo ra để trả lời các câu hỏi theo kiểu ngôn ngữ tự nhiên. Về sau, nó được phát triển thành một nền tảng để các đơn vị bên ngoài IBM có thể sử dụng khi cần xử lý các bài toán AI. Nhờ sức mạnh xử lý cũng như hệ thống Big Data lớn mà IBM Watson có thể làm được nhiều chuyện mà những nền tảng AI khác không làm được.

fig come hereTrí tuệ nhân tạo trên thực tế đã mang lại nhiều lợi ích trong chẩn đoán và điều trị y tế. IBM Watson for Oncology dựa trên nền tảng Big Data, cụ thể là dựa trên hàng triệu bệnh án và tài liệu y khoa được cập nhật mới các kiến thức trong điều trị ung thư. Đây là một kho dữ liệu quý. Hệ thống dữ liệu được cập nhật theo thời gian 1 tháng 1 lần là rất hợp lý, điều này giúp cho việc đưa ra phác đồ điều trị của Watson là chính xác, khách quan, kịp thời và không lạc hậu
PGS.TS Trần Quý Tường
Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế
Năm 2013, IBM Watson đã được ứng dụng trong các bệnh viện tại Mỹ để giúp các bác sỹ điều trị ung thư. Có tới 90% các bác sỹ đã làm theo các khuyến cáo mà hệ thống này đưa ra. IBM Watson cũng được áp dụng cho một số lĩnh vực khác như dịch thuật, đánh giá tín dụng, phân tích hành vi khách hàng…

Để mang "vị quân sư ảo" này tới Việt Nam, không thể không kể đến công lao của công ty Five9. Five9 đã là cầu nối để đưa IBM Watson for Oncology đến với bộ Y tế, với bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và sắp tới là một số bệnh viện khác. Cũng xin bật mí một chút, Giám đốc của Five9 chính là người con của mảnh đất Phú Thọ.

Chị Đàm Thị Hạnh, bệnh nhân chờ chết giờ đang hồi phục

Chị Đàm Thị Hạnh quê ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Năm 2015, chị bỗng nhiên thấy khó thở, ho ra đờm nhiều. Sau khi đi chụp phổi tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên, chị được gửi xuống bệnh viện K Trung ương để làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm khiến chị gần như suy sụp. Các bác sỹ kết luận chị bị ung thư phổi. Ngay lập tức, chị phải nhập viện để điều trị. Hai năm trời ròng rã điều trị tại Hà Nội, truyền hóa chất và tiêm thuốc khiến sức khỏe của chị ngày một suy kiệt.   

Đến đầu năm nay, khối ung thư đã di căn vào xương khiến chị không thể đi lại, chỉ có thể nằm một chỗ và rất đau đớn. Chị đã phải dùng đến thuốc giảm đau loại cực mạnh, dược tính gấp 10 lần thuốc phiện.

Sau khi nghe nói đến hệ thống hỗ trợ điều trị ung thư bằng trí tuệ nhân tạo của IBM đang được triển khai ở Phú Thọ, chị Hạnh đã được gia đình đưa lên điều trị với suy nghĩ “có bệnh thì vái tứ phương”, “còn nước thì còn tát”.

Sau khi tiến hành hàng loạt xét nghiệm với chị Hạnh, bác sỹ Trần Xuân Vĩnh đã nhập liệu vào hệ thống IBM Watson for Oncology. Hệ thống này đã trả về một phác đồ điều trị, trong đó có việc sử dụng thuốc điều trị sinh học trúng đích thế hệ 3 và kết hợp với xạ trị để giảm đau xương.

Thật may mắn là thuốc điều trị trúng đích thế hệ 3 cũng không quá đắt, chi phí dùng thuốc chỉ vài triệu đồng một tháng và gia đình chị Hạnh có thể đảm đương được.

Sau 2 tháng điều trị, cơ thể của chị đáp ứng rất tốt với thuốc và sức khỏe của chị Hạnh tiến triển rất nhanh. Chị đã có thể đi lại sinh hoạt mà không cảm thấy đau đớn.

chị Đàm Thị Hạnh chia sẻ về quá trình chữa trị ung thư


Khi tiếp xúc với người phụ nữ 50 tuổi này, chúng tôi không nhận ra đây là một người đang mắc bệnh hiểm nghèo. Chị nói chuyện rất thoải mái, nụ cười luôn thường trực trên môi. Chị nói rằng giờ đây mình rất tin tưởng vào phương pháp chữa bệnh theo sự tư vấn của trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, chị cũng gửi gắm đến những người mắc bệnh ung thư rằng tinh thần lạc quan luôn là yếu tố giúp đẩy lui mọi bệnh tật.

Về trường hợp của chị Hạnh, bác sỹ Trần Xuân Vĩnh cho biết chị bị ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR. Trước đây ở Hà Nội chị đã được điều trị thuốc trúng đích thế hệ thứ nhất là Gefitinib và đã bị kháng thuốc sau một thời gian. Khi lên điều trị tại Phú Thọ, với phác đồ của IBM Watson for Oncology, chị đã đáp ứng tốt với thuốc, các khối u ở phổi đã tan rất nhiều. Mục tiêu của các bác sỹ là kiểm soát triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống đều đã làm được, bệnh nhân đã hết triệu chứng đau (không phải dùng thuốc giảm đau), tinh thần lạc quan thoải mái, không cần có người chăm sóc riêng. Mục tiêu còn lại của các bác sỹ là tối ưu thời gian sống cho người bệnh.

Tiếng lành đồn xa

IBM Watson for Oncology mới chỉ triển khai từ tháng 2/2018 nhưng đến nay đã có nhiều bệnh nhân từ các tỉnh lận cận đến khám và điều trị. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ hiện đang điều trị nội trú cho 19 bệnh nhân, đặc biệt có một bệnh nhân từ Sóc Trăng cũng bay ra đây để được điều trị theo phương pháp mới.

Chúng tôi cũng đã được gặp ông Eric CW Yeo, Tổng giám đốc IBM Việt Nam. Ông Eric cho biết công nghệ IBM Watson for Oncology hiện nay đã sẵn sàng để hỗ trợ các bác sỹ trong việc phát triển các phác đồ điều trị 11 loại ung thư bao gồm: vú, phổi, đại tràng, trực tràng, dạ dày, cổ tử cung, buồng trứng, tiền liệt tuyến, bàng quang, tuyến giáp, gan.

Chúng tôi khá tò mò về việc vì sao IBM và công ty Five9 lại chọn Phú Thọ chứ không phải là Hà Nội hay TP.HCM để đưa công nghệ này vào sử dụng tại bệnh viện. Trả lời cho thắc mắc này, ông Phạm Huy Triều, Giám đốc khối Y tế và Bảo hiểm công ty Five9 cho biết sau khi giới thiệu công nghệ này cho Bộ Y tế và các cơ quan chức năng, Bộ Y tế đã quyết định thử nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ - một nơi mà hạ tầng CNTT và trang thiết bị y tế đủ để triển khai trước khi nhân rộng ra nhiều bệnh viện trên toàn quốc.

Chi phí điều trị với công nghệ IBM Watson for Oncology

Ông Nguyễn Trọng Huấn, Giám đốc Five9 nói rằng chi phí điều trị với công nghệ trí tuệ nhân tạo của IBM hoàn toàn phụ thuộc vào các Sở Y tế và các bệnh viện. Về phía Five9, vì đây là một chương trình mang tính cộng đồng nên công ty chỉ lấy đủ số tiền để trả cho IBM, không phải là một thương vụ kinh doanh lấy lãi.

Còn theo các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ thì chi phí cho mỗi bệnh nhân để có phác đồ của IBM Watson for Oncology là 9 triệu đồng, nhưng hiện tại với sự trợ giúp của một số đơn vị thì các bệnh nhân chỉ phải trả 4,5 triệu đồng. Đây hoàn toàn không phải là một chi phí quá lớn.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng hội chẩn của các bác sỹ, tay vẫn còn điều khiển bàn phím và chuột để nhập số liệu bệnh nhân vào hệ thống IBM Watson for Oncology, bác sỹ Trần Xuân Vĩnh nói với chúng tôi rằng điều day dứt của anh là chi phí cho nhiều loại thuốc chữa ung thư còn đắt đỏ, nhiều loại thuốc không được bảo hiểm y tế chi trả, đây là một gánh nặng rất lớn cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Gặp người phụ nữ từ cõi chết trở về nhờ... trí tuệ nhân tạo ảnh 4 bác sỹ Trần Xuân Vĩnh thăm khám cho bệnh nhân

Dẫu vậy, việc áp dụng công nghệ hỗ trợ chuẩn đoán của IBM đã mở ra nhiều hy vọng cho những bệnh nhân ung thư. Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh là xu thế chung của thế giới hiện nay và đã được ứng dụng phổ biến ở các nước có nền y tế hiện đại. IBM Watson Oncology đã giúp các bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tự tin hơn khi lên kế hoạch điều trị cho người bệnh.

Chia tay các bác sỹ ở bệnh viện Phú Thọ, chúng tôi còn nhớ mãi cái bắt tay của bác sỹ Trần Xuân Vĩnh với câu nói: “Trước đây, có bệnh nhân từ chối hoàn toàn các phương pháp điều trị vì nghĩ rằng trước sau gì cũng chết, nhưng từ khi có IBM Watson for Oncology, họ đã chịu ngồi lại với bệnh viện để tìm cách chữa trị”.