|
Có đến 80% giao dịch thành công thông qua môi giới BĐS, nhưng có gần 90% môi giới hoạt động chưa có chứng chỉ hành nghề khiến thị trường BDDS đối mặt với những nguy cơ đổ vỡ |
80% giao dịch BĐS thành công thông qua môi giới
Phát biểu trong khuôn khổ Hội thảo chuyên đề “Nhận diện nghề môi giới bất động sản” vừa diễn ra tại Đà Nẵng hôm 20/4, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ môi giới trong những bước tiến của thị trường BĐS. Cụ thể, đội ngũ này góp phần giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho trong giai đoạn 2014-2018, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
“Việc cho phép môi giới BĐS hoạt động với mô hình và quy mô phù hợp sẽ giúp nhà phát triển BĐS rút ngắn thời gian thu hồi vốn để tái đầu tư, bảo đảm hiệu quả kinh tế, người tiêu dùng có cơ hội được phục vụ tốt hơn”- ông Hà Quang Hưng chia sẻ.
Cũng theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, tính từ năm 2008 đến nay, cả nước có khoảng 33.000 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và khoảng 80% bất động sản giao dịch thành công đều thông qua môi giới.
|
Theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, có khoảng 80% bất động sản giao dịch thành công đều thông qua môi giới.
|
Tuy nhiên, về thị trường, cơ sở nhà đất để tư vấn cho khách hàng vẫn còn nhiều vấn đề cần được chấn chỉnh và chỉnh sửa cho phù hợp. Nhất là những quy định liên quan đến quy định về chứng chỉ hành nghề môi giới, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, thời giạn của chứng chỉ,…
“Theo kết quả của cuộc điều tra riêng tại Hà Nội thì có đến 48% số lượng người môi giới bất động sản được điều tra không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Trong số những người có chứng chỉ hành nghề thì chỉ khoảng 1/3 số người có chứng chỉ hành nghề ngay khi vào nghề, số còn lại sau khi đi làm vài năm mới thi lấy chứng chỉ”- ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS chia sẻ.
Gần 90% môi giới BĐS không có chứng chỉ hành nghề
Cũng liên quan đến vấn đề pháp lý đối với nghề môi giới BĐS, ông Trần Minh Hoàng- Phó Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, môi giới BĐS là hoạt động dịch vụ được thực hiện bởi bên thứ ba, nhằm kết nối các nhu cầu tìm người mua và người bán; Tạo lập thành một giao dịch mua bán BĐS; Làm hài lòng cả hai bên vì hiệu quả về thời gian và chi phí.
Không chỉ vậy, môi giới còn là người đại diện được ủy quyền của bên mua hoặc bên bán, thực hiện khai thác các dữ liệu thông tin BĐS trên thị trường, tìm kiếm và lựa chọn thông tin phù hợp nhất với nhu cầu, nhằm tác nghiệp để tạo lập giao dịch mua bán BĐS.
Theo đó, môi giới BĐS là một mắc xích trong chuỗi hoạt động thu thập-xây dựng dữ liệu thông tin BĐS; lựa chọn kênh và giải pháp truyền tải-cung cấp về BĐS cho các bên: mua, bán, đầu tư, xây dựng, tài chính; kết nối cung-cầu,…
Tuy nhiên, thực trạng nghề môi giới ở Việt Nam còn thiếu chứng chỉ hành nghề, thiếu đào tạo bài bản chuyên sâu, thiếu chuyên nghiệp. Và đặc biệt là vấn đề đạo đức, ứng xử nghề nghiệp còn hẹn chế. “Nhân viên môi giới thường thiếu coi trọng nghề nghiệp dễ làm, khó bỏ; còn coi trọng lợi ích cá nhân là trên hết, dễ phản ứng thiếu văn hóa, đạo đức nghề nghiệp” - ông Trần Minh Hoàng nói.
“Không chỉ vậy, tính hợp tác của môi giới viên có phạm vi nhỏ hẹp, thiếu tính liên kết tạo sức mạnh của cộng đồng, nên dễ bị bắt nạt chèn ép. Nhất là cạnh tranh thường không lành mạnh, làm suy yếu lẫn nhau; dễ gây bất lợi cho chính mình và cả cộng đồng nghề nghiệp. Họ hành nghề nhưng không thực sự coi thị trường và khách hàng làm trọng, chạy theo lợi nhuận bằng mọi cách. Nó làm thị trường thiếu tính lành mạnh, minh bạch, bền vững và thiếu niềm tin từ khách hàng. Thị trường BĐS rất dễ bị khủng hoàng, đổ vỡ cũng một phần do vậy”- ông Trần Minh Hoàng cho biết thêm.
|
Có đến hơn 88% môi giới viên BĐS không có chứng chỉ hành nghề
|
Theo Hiệp hội Môi giới BĐS, ở Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người tham gia hành nghề. Trong đó: Hà Nội có khoảng 70.000 người, TP. HCM khoảng 90.000 người, số còn lại ở các địa phương khác. Với đặc thù nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp chưa cao, chỉ có 70% người hoạt động thường xuyên, 20% hoạt động kết với nghề khác. Đặc biệt, chỉ có khoảng 35.000 người đã có Chứng chỉ hành nghề, số còn lại khoảng 265.000 chưa có Chứng chỉ hành nghề.
Về phương thức hoạt động, phần lớn lực lượng Môi giới BĐS tham gia bán hàng cho các Dự án BĐS mới phát triển. Phần lớn hàng hóa BĐS thuộc loại hình thành trong tương lai và các dự án BĐS chủ yếu lựa chọn sàn giao dịch BĐS để ký hợp đồng phân phối, không ghi nhận việc ký kết với các môi giới BĐS cá nhân.
Nguy cơ tiềm ẩn
Giao dịch thành công chủ yếu thông qua môi giới, nhưng có đến gần 90% môi giới BĐS chưa có chứng chỉ, các vấn đề đạo đức, tính chuyên nghiệp,… khiến thị trường tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.
Theo ông Hà Quang Hưng-Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, do quy định pháp luật về môi giới bất động sản còn lỏng lẽo đối với chứng chỉ môi giới bất động sản nên đã tạo ra xu hướng đối phó của các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực môi giới, điều này có vẻ đơn giản, nhưng sẽ gây ra những hệ lụy ghê gớm cho thị trường.
“Điều này đã tạo nên một lớp người môi giới hời hợt, không có kiến thức căn bản về ngành nghề, thiếu kiến thức về thị trường, thậm chí sâu xa hơn họ sẽ hành nghề môi giới bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm lừa đảo người dân với mục đích kiếm lợi cho bản thân.
Với kiến thức như vậy, họ không giúp thị trường bất động sản Việt Nam ổn định, phát triển chuyên nghiệp, tích cực mà tiếp tục tạo ra những hệ lụy, nguy cơ đe dọa thị trường”- ông Hà Quang Hưng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Hà Quang Hưng, Đại diện Hiệp hội Môi giới BĐS cho rằng, do chưa được kiểm soát chặt chẽ, nên hầu hết các môi giới BĐS hoạt động độc lập với các sàn giao dịch BĐS, xem nhẹ các quy định pháp luật, về đăng ký hoạt động, báo cáo hoạt động, báo cáo tài chính, thuế. Đặc biệt là chứng chỉ hành nghề.
Chính vì vậy, môi giới dễ dàng thỏa hiệp và tiếp tay cho các chủ đầu tư, nhà đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật vì mực đích lợi ích, làm ảnh hưởng tính bền vũng của TTBĐS và quyền lợi người tiêu dùng.
|
Công tác quản lý đối với hoạt động ngành nghề môi giới BĐS hiện nay vẫn còn lỏng lẽo, thiếu chế tài giám sát nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của môi giới viên đến thị trường
|
Bên cạnh đó, việc chưa coi trọng các nguyên tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp. Nên các hành vi thường dễ dẫn đến xâm phạm lợi ích của nhau. Các sàn xâm phạm lợi ích lẫn nhau. Sàn xâm phạm lợi ích của Chủ đầu tư, khách hàng và cả nhân viên của mình, nhân viên xâm phạm lợi ích của đồng nghiệp, thân chủ, khách hàng, thậm chí nhân viên sẵn sàng bán rẻ doanh nghiệp mình làm việc….
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, để thị trường phát triển ổn định, bền vững và tích cực, cần nhất là các sàn giao dịch phải đăng ký hoạt động và tuân thủ báo cáo định kỳ theo quy định.
Đối với môi giới BĐS cần được kiểm soát Chứng chỉ hành nghề với chương trình đào tạo chuyên sâu theo giáo trình bài bản và cập nhật thường xuyên thông tin thị trường. Việc cấp chứng chỉ cũng cần được quy định về thời hạn sử dụng, buộc các môi giới phải trau dồi nâng cao năng lực và kiến thức chuyên môn. Và nhất là cần có chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề./.