Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa trình UBND TP đồng ý giao cho liên danh các nhà đầu tư tự bỏ kinh phí để triển khai lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trên cao số 5 đoạn từ nút giao Thủ Đức (Q.Thủ Đức) đi dọc quốc lộ 1 A đến nút giao Tân Tạo (Q.Bình Tân) theo hình thức đầu tư BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao).
Tuy nhiên, Sở đề nghị không đưa vào dự án đầu tư trên quốc lộ 1A đoạn từ nút giao An Sương (Q.12, Hóc Môn) đến nút giao An Lạc (huyện Bình Chánh) vì đã có nhà đầu tư BOT quản lý và thu phí đoạn đường này.
Theo ông Dương Tuấn Minh - tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long-CIPM Cửu Long, đại diện liên danh các nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng 620, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty cổ phần kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON và CIPM Cửu Long đã thống nhất đầu tư khoảng 19.773 ngàn tỉđồng theo hình thức BOT để xây dựng đường trên cao số 5 dài 30,4km.
Theo đó, để đảm bảo huy động vốn thực hiện dự án trên sẽ phân dự án làm ba thành phần gồm đoạn 1 từ nút giao trạm 2 (Q.Thủ Đức) đến nút giao Bình Phước dài 8,45km, đoạn 2 từ nút giao Bình Phước đến nút giao An Sương dài 12,65km.
Riêng đoạn 3 từ nút giao An Sương đến nút giao Tân Tạo dài 9,3km sẽ làm tuyến đường mới đi phía bên trong quốc lộ 1, nhằm tránh đi trùng với tuyến quốc lộ 1 A đang do một nhà đầu tư khác quản lý và thu phí.
Theo CIPM Cửu Long, sở dĩ đầu tư đường trên cao 5 là do tuyến quốc lộ 1 A đoạn từ nút giao Thủ Đức đến nút giao Tân Tạo bị quá tải vì mật độ xe lưu thông ngày càng tăng.
Đây là tuyến đường huyết mạch của TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Theo kết quả khảo sát vào năm 2012, bình quân mỗi ngày có khoảng 83.336 xe (tiêu chuẩn PCU), vượt quá năng lực thông hành của tuyến đường này khoảng 2,1 lần. Vì vậy đã gây sức ép rất lớn lên tuyến đường này, tình trạng ùn tắc giao thông liên tục diễn ra.
Theo ông Dương Tuấn Minh, công trình thi công dự án nằm giữa quốc lộ 1 A, không vướng giải tỏa nhà dân mà chỉ giải tỏa các công trình điện, nước, thoát nước trên đường.
Trả lời về ý kiến lo ngại quốc lộ 1 A đang quá tải sẽ gây kẹt xe nặng nề khi rào đường để xây dựng đường trên cao số 5, ông Minh cho rằng công trình sẽ thi công bằng công nghệ mới đúc dầm cầu sẵn nên hạn chế kẹt xe.
Theo đề xuất của liên danh các nhà đầu tư với UBND TP.HCM, việc chuẩn bị đầu tư, lập dự án thực hiện trong năm 2015-2016 và bắt đầu triển khai thi công dự án 2016-2019, đưa vào sử dụng năm 2020.
Bố trí các điểm lên xuống đường trên cao số 5 |
Theo Tuổi trẻ