G20 thành lập Trung tâm nghiên cứu chống tham nhũng ở Trung Quốc

VietTimes -- Nhà lãnh đạo các nước G20 nhất trí thông qua "Nguyên tắc cấp cao truy bắt-truy tìm chống tham nhũng G20" và thiết lập Trung tâm nghiên cứu truy bắt-truy tìm chống tham nhũng G20 ở Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ngày 4/9/2016. Ảnh: Tân Hoa xã
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ngày 4/9/2016. Ảnh: Tân Hoa xã

Thúc đẩy hợp tác chống tham nhũng trong G20

Tờ Đa Chiều của người Hoa tại Mỹ ngày 6/9 cho hay chống tham nhũng đã trở thành một nội dung thảo luận quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua, nhà lãnh đạo các nước đã nhất trí triển khai hợp tác quốc tế về truy bắt tội phạm tham nhũng.

Ngày 6/9, trang thông tin của Ban Giám sát Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cho biết nhà lãnh đạo các nước G20 nhất trí thông qua "Nguyên tắc cấp cao truy bắt-truy tìm chống tham nhũng G20" và thiết lập Trung tâm nghiên cứu truy bắt-truy tìm chống tham nhũng G20 ở Trung Quốc.

Đồng thời, Ban Giám sát Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc còn cho hay hiện nay đã có 33 người (1/3) trong Top 100 tội phạm tham nhũng của Trung Quốc đã bị sa lưới.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc từ ngày 4 - 5/9/2016. Ảnh: Sina
Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc từ ngày 4 - 5/9/2016. Ảnh: Sina

Từ sau khi triển khai các chiến dịch như "Lưới trời 2014", "Lưới trời 2015", Trung Quốc đã bắt giữ đưa về nước 1.915 người chạy trốn đến hơn 70 nước và khu vực, số tiền thu về là 7,47 tỷ nhân dân tệ (1 nhân dân tệ tương đương 0,15 USD).

Trung Quốc cũng đã phối hợp với Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) để truy bắt những đối tượng phạm tội tham nhũng chạy ra nước ngoài.

Hãng tin Reuters Anh cho rằng từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phát động cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc đến nay, Trung Quốc luôn thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống tham nhũng, trong đó có hợp tác với Mỹ và Canada.

Nhưng, các nước phương Tây hầu như không thực sự sẵn sàng hỗ trợ hoặc ký kết hiệp định dẫn độ với Trung Quốc, vì họ thấy vấn đề này liên quan đến  vấn đề nhân quyền. Đáng chú ý, một số nước yêu cầu Trung Quốc phải cung cấp bằng chứng phạm tội thì mới tiến hành hợp tác.

Ông Tập Cận Bình họp báo giới thiệu kết quả Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình họp báo giới thiệu kết quả Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Cần minh bạch việc sử dụng tiền hối lộ thu được

Tờ Nam Hoa buổi sáng Hồng Kông ngày 5/9 tổng kết cho biết chiến dịch chống tham nhũng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình được tiến hành từ cuối năm 2012, đến nay đã có khoảng 37 quan chức chính phủ cấp Thứ trưởng trở lên bị kết tội tham nhũng.

Cuộc chiến chống tham nhũng này tiến hành toàn diện, cả “đả hổ” và “diệt ruồi”, không bỏ qua cho cả quan chức cấp cao và cán bộ ở cơ sở. Đến nay, đã có vài nghìn quan chức ngã ngựa.

Điều đáng chú ý là, người dân Trung Quốc ngày càng yêu cầu chính quyền nước này phải thực hiện minh bạch về sử dụng tài sản thu được từ cuộc chiến chống tham nhũng, nhất là khi số tiền hối lộ do tòa án công bố ít hơn nhiều so với con số mà báo chí nhà nước đưa tin.

Do đó, nhà cầm quyền Trung Quốc cần cải thiện cơ chế công khai tài sản tham nhũng thu được để người dân biết về mục đích sử dụng số tiền này, chứ không chỉ nói là số tiền đó đã được đưa vào quốc khố.

Trung Quốc đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng
Trung Quốc đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi". Ảnh: Internet

Có người đề nghị, chính quyền có thể định kỳ công bố thông tin mới nhất về số tiền hối lộ thu được, điều quan trọng là sử dụng có hiệu quả hơn số tiền này, chẳng hạn thiết lập ra một quỹ từ thiện để hỗ trợ người nghèo hoặc các nhóm dễ bị tổn thương.