FPT Retail: Đã thu hồi hết nợ của bà Nguyễn Bạch Điệp, đẩy mạnh mở rộng chuỗi dược phẩm năm 2019

VietTimes -- Năm 2019, FPT Retail lên kế hoạch doanh thu là 17.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 418 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng lần lượt là 16% và 20% so với năm 2018. Bên cạnh đó, công ty này cũng đặt mục tiêu mở rộng chuỗi nhà thuốc lên 70 cửa hàng và gia tăng độ phủ sóng ra toàn quốc.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail Mã CK: FRT) vừa công bố tài liệu phục vụ cho phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐTN) 2019, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27/3/2019 sắp tới.

Theo đó, trong năm 2018, FRT cho biết đã thu hồi lại hết khoản nợ có giá trị hơn 70,8 tỷ đồng (là số tiền cho bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc vay vào năm 2016 và 2017). Ở chiều hướng ngược lại, FRT cũng đã thực hiện vay 20 tỷ đồng từ CTCP FPT (Mã CK: FPT).

Tài liệu được công bố không cho biết cụ thể bà Nguyễn Bạch Điệp đã dùng số tiền trên để đầu tư chuỗi kinh doanh mặt hàng nào. Theo tìm hiểu của VietTimes, bà Điệp đã trả hết khoản nợ cho FRT ngay trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2018.

Bên cạnh các giao dịch nội bộ đáng chú ý, năm 2018, FRT cũng đã ghi dấu sự tham gia vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm với việc góp 75% vốn thành lập nên CTCP Dược phẩm FPT Long Châu vào tháng 9/2018.

Bán lẻ dược phẩm sẽ là ưu tiên hàng đầu

Năm 2019, ban lãnh đạo FRT đặt mục tiêu doanh thu đạt 17.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 418 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng lần lượt là 16% và 20% so với năm trước.

Kế hoạch kinh doanh năm 2019 của FPT Retail (Nguồn: FRT)

Trong đó, nhận định dược phẩm là ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn, FRT cho biết sẽ định hướng phát triển ngành này một cách quy hoạch và kiểm soát bài bản như trong vận hành hệ thống bán lẻ điện tử trước đó. 

Cụ thể, ngành bán lẻ dược phẩm sẽ được FRT phân chia thành ba kênh: kênh bệnh viện, kênh phòng khám và kênh nhà thuốc. Công ty này cũng sẽ mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu lên 70 cửa hàng và gia tăng độ phủ sóng trên toàn quốc. 

Trong 3 - 4 năm tới, FRT kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc và mảng dược đóng góp khoảng 40% doanh thu của công ty với doanh thu lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2019, FRT cũng lên kế hoạch tiếp tục phát triển hệ thống cửa hàng, đi sâu vào các khu dân cư của huyện, xã chưa khai thác.

Được biết, tính đến cuối năm 2018, tổng số lượng cửa hàng của FRT đạt 533 shop, tăng 60 shop so với cuối tháng 12/2017. Doanh số trung bình đạt 2.4 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, tăng nhẹ so với năm 2017.

Bên cạnh đó, kênh bán hàng online cũng sẽ được công ty này tập trung đẩy mạnh trong năm 2019, nâng cao khả năng cạnh tranh nhờ việc đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tích hợp nhiều hình thức thanh toán. FRT cho biết đang đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt trong việc xây dựng một website bán hàng hiệu quả.

Đặc biệt, FPT Retail còn chú trọng phát triển mảng sim số và phụ kiện. Mục tiêu doanh thu phụ kiện năm 2019 đạt 1.000 tỷ đồng tương ứng mức tăng 350 tỷ đồng, và dịch vụ sim số thu hộ tăng 100 tỷ đồng. FRT kỳ vọng đây là 2 mảng chiến lược đem lại doanh thu và lợi nhuận cao năm 2019.

Ngoài ra, ban lãnh đạo FRT cũng trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2018 bằng tiền mặt và cổ phiếu.

Cụ thể, FRT dự chi cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (thời gian thực hiện quý 2 hoặc 3/2019) và phát hành hơn 10,3 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 100:15 để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức là 789,82 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, FRT cũng dự kiến phát hành 680.000 cổ phiếu ESOP, giá phát hành 10.000 đồng/cp. Trong đó, 50% số cổ phiếu mới sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm sau ngày hoàn tất phát hành. Thời gian thực hiện vào Quý 2 hoặc Quý 3/2019 ngay sau khi Ủy ban chứng khoán nhà nước thông qua hồ sơ phát hành./.