Foxconn – nhà sản xuất khổng lồ đứng sau những chiếc iPhone của Apple và nhiều thiết bị điện tử nổi tiếng khác đang hướng đến mục tiêu thay thế phần lớn người lao động bằng người máy (theo DigiTimes). Dai Jia-peng, người phụ trách Bộ phận tự động hóa của Foxconn cho biết công ty đã lên kế hoạch gồm 3 giai đoạn để tự động hóa nhà máy tại Trung Quốc bằng phần mềm và robot.
Giai đoạn đầu trong kế hoạch tự động hóa của Foxconn liên quan đến việc thay thế công việc gây nguy hiểm cho người lao động hoặc những công việc lặp đi lặp lại mà con người không muốn làm. Giai đoạn thứ 2 liên quan đến việc cải thiện hiệu quả bằng cách tinh giản dây chuyền sản xuất để giảm số lượng robot dư thừa. Giai đoạn thứ 3 và là cuối cùng liên quan đến việc tự động hóa toàn bộ nhà máy với một lượng lao động tối thiểu cho các công việc như sản xuất, hậu cần, kiểm tra…
Việc tự động hóa trong sản xuất đã được Foxconn tiến hành từ trong nhiều năm nay. Công ty cho biết năm ngoái họ đã thiết lập kế hoạch tự động hóa 30% dây chuyền sản xuất vào năm 2020. Hiện nay, công ty có thể sản xuất khoảng 10.000 Foxbots một năm và tất cả số này đều dùng để thay thế cho lao động con người. Trong tháng Ba vừa qua, công ty cho biết họ đã tự động hóa 60.000 việc làm tại một trong những nhà máy của mình.
Về lâu dài, việc sử dụng robot đem lại chi phí rẻ hơn so với con người. Tuy nhiên, việc đầu tư ban đầu có thể khá tốn kém. Việc lập trình robot để thực hiện các nhiệm vụ cũng gặp nhiều khó khăn, tốn kém và mất thời gian. Đó là lí do tại sao, tại các thị trường lao động như Trung Quốc, lao động con người vẫn được sử dụng nhiều hơn robot. Nhưng để cạnh tranh trong tương lai, Foxconn đã quyết định dần tự động hóa.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn khi khuyến khích sử dụng lao động con người. Tại các khu vực như Thành Đô, Thâm Quyến, và Trịnh Châu, chính quyền địa phương đã tạo nhiều điền kiện thuận lợi để Foxconn mở rộng sản xuất với điều kiện họ phải ưu tiên nguồn lao động ở địa phương.
Hiện tại, New York Times cho biết cơ sở tại Trịnh Châu của Foxconn là nhà máy lớn nhất của công ty này với khả năng sản xuất 500.000 chiếc mỗi năm và được người dân địa phương gọi là "Thành phố của iPhone". Theo Jia-peng Foxconn, nhà máy này đã có một số dây chuyền sản xuất đi vào giai đoạn tự động hóa thứ 2 và đang hướng đến tự động hóa hoàn toàn trong vài năm nữa. Có thể không lâu nữa, Foxconn phải vật lộn với việc giải quyết các mâu thuẫn giữa tự động hóa và tạo việc làm cho người dân ở vùng nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa.
Việc tự động hóa mang lại nhiều lợi ích cho những công ty như Foxconn. Trình trạng lao động chịu áp lực và thường xuyên tự sát khiến Foxconn và nhiều công ty khác phải đối mặt với các rắc rối pháp lý. Thay thế lao động bằng robot sẽ giúp Foxconn giải quyết các cáo buộc liên quan đến việc hành xử với các nhân viên như cải thiện môi trường sống, tăng lương. Tuy nhiên, quá trình này cũng có khả năng sẽ khiến hàng trăm ngàn, hàng triệu lao động lâm vào cảnh thất nghiệp.
Theo Báo diễn đàn đầu tư