Chủ tịch Tai Jeng-Wu của Sharp (công ty đã được Foxconn thâu tóm gần đây) cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng một cơ sở sản xuất OLED mới tại Nhật Bản. Chúng tôi có thể tạo panel OLED ở Mỹ. Nếu những khách hàng quan trọng của chúng tôi đòi hỏi chúng tôi sản xuất tại Mỹ, tại sao chúng tôi không làm như vậy?”.
Một lý do chính khiến Apple xem xét sản xuất iPhone ‘made-in-USA’ là vì ông Donald Trump đã công khai kêu gọi công ty sản xuất sản phẩm của mình tại Mỹ. Bên cạnh đó, ông Trump cũng đe dọa tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Tôi muốn Apple bắt đầu sản xuất máy tính và iPhone trên đất nước của chúng tôi, không phải ở Trung Quốc. Làm thế nào để Apple giúp chúng ta khi họ sản xuất các sản phẩm ở Trung Quốc?”, ông Trump cho biết trong một cuộc vận động tranh cử vào tháng 3.2016.
Vấn đề ông Trump quan tâm không phải là quá bất ngờ khi mà Apple đã bán được tổng cộng 232 triệu iPhone trong năm 2015. Tuy nhiên, để sản xuất một iPhone ‘made-in-USA’ sẽ đặt ra những thách thức không hề nhỏ, trong đó đáng chú ý là chi phí sản xuất iPhone có thể tăng vọt lên gấp đôi.
Ngoài chi phí nhân công, chi phí sản xuất iPhone cũng tăng lên rất nhiều, bởi hầu hết các đối tác sản xuất thành phần linh kiện iPhone đều đến từ châu Á, và khi đó Apple sẽ phải tốn thêm chi phí vận chuyển thành phần qua Thái Bình Dương - vốn không hề rẻ chút nào.
“Chi phí sản xuất iPhone ở Trung Quốc sẽ thấp hơn nhiều so với Mỹ, bởi đây là khu vực rất gần với các chuỗi cung ứng thành phần ở Đông Á”, giáo sư kinh tế học Amit Khandelwal thuộc Đại học Columbia (Mỹ) nhận xét.
Hiện tại, chỉ Mac Pro của Apple là được sản xuất tại Mỹ, mà cụ thể là bang Texas, tuy nhiên sản lượng là không hề cao. Ngoài ra, Apple cũng sản xuất một số iMac tại Ireland - một quốc đảo ở phía tây bắc châu Âu.
Theo TNO