|
Ảnh minh họa |
Sự kiện ngày 13/5/2014 gắn việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ ngày 1/5/2014 đã xảy ra hiện tượng người dân tràn vào các khu công nghiệp trên địa bàn một số tỉnh và đập phá tài sản của một số doanh nghiệp mà người dân “nghi” là doanh nghiệp Trung Quốc.
Sau đó, Chính phủ Việt Nam đã xử lý, ngăn chặn làn sóng này, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng thống kê, lên phương án hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại.
Căn cứ chỉ đạo này, Tổng cục Thuế đã thống kê và báo cáo đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp những nội dung liên quan tới ngành thuế. Theo đó, cả nước ghi nhận có 778 doanh nghiệp bị đánh giá bị ảnh hưởng, với tổng thiệt hại theo khai báo của doanh nghiệp là 9.900 tỷ đồng và 4,23 triệu USD. Trong đó, Bình Dương có 537 doanh nghiệp bị thiệt hại, Đồng Nai có 171 doanh nghiệp, Tp HCM có 33 DN và Hà Tĩnh có 1 doanh nghiệp – chính là Formosa Hà Tĩnh.
Đồng thời, Formosa Hà Tĩnh cũng chính là doanh nghiệp khai báo thiệt hại nặng nhất, lên tới 5.533 tỷ đồng.
Theo số liệu tại Tờ trình của Tổng cục Thuế dẫn số liệu của các cơ quan chức năng trung ương và địa phương, thì tổng thiệt hại của các doanh nghiệp cả nước trong làn sóng đập phá này là 4.523 tỷ đồng và 4,23 triệu USD.
Nhưng trong đó, thiệt hại của Formosa chỉ là 4,77 tỷ đồng, các nhà thầu làm cho Formosa là 68,32 tỷ đồng.
Cũng theo Tổng cục Thuế, ngoài nhà máy của Formosa chịu ảnh hưởng trực tiếp, còn có 16 nhà thầu chính đang thi công các hạng mục cho dự án Formosa cũng bị ảnh hưởng, các nhà thầu này đều là doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nói trên, Tổng cục Thuế cho biết đã thực hiện gia hạn hồ sơ khai thuế và gia hạn nộp thuế cho nhiều doanh nghiệp.
Ngoài ra, ngành thuế còn thực hiện cơ chế giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhanh theo nguyên tắc hoàn trước kiểm sau cho 408 hồ sơ đề nghị, với tổng số tiền hơn 15.200 tỷ đồng.
Trong đó, riêng Hà Tĩnh đã hoàn cho Formosa kể từ kỳ hoàn thuế tháng 4/20104 cho đến nay số tiền 10.173 tỷ đồng. Trong số này, có 1.185 tỷ đồng là thuế giá trị gia tăng đã nộp khâu nhập khẩu thực hiện theo cơ chế ghi thu, ghi chi.
Ngoài ra, Formosa còn được Bộ Tài Chính miễn giảm, miễn phạt và hoàn lại số tiền thuế đã truy thu, phạt cho Formosa trước khi xảy ra sự kiện 13/5/2014 với tổng số tiền trị giá 71,6 tỷ đồng.
Theo giải thích của Tổng cục Thuế, đây là số tiền miễn giảm và hoàn lại khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đã nộp đối với hoạt động hút cát san nền. Cụ thể, thuế tài nguyên là 49,2 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường là 22,75 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng không truy thu thuế nhà thầu đối với hàng hóa, thiết bị nhập khẩu kèm theo bảo hành số tiền 176,3 tỷ đồng, và không truy thu số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế 32,88 tỷ đồng, ngoài ra là miễn phạt vi phạm chính về thuế số tiền 1,26 tỷ đồng đối với Formosa.
Từ đây, Tổng cục Thuế đề nghị Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ kết thúc việc hỗ trợ các mặt cho Formosa Hà Tĩnh trước ngày 1/9/2016.
Theo Tổng cục Thuế, đối với các sai phạm của Formosa phải truy thu thuế, truy thu tiền vi phạm do ngành thuế và hải quan phát hiện qua việc lập hợp đồng xây dựng bổ sung không đúng quy định và kê khai bổ sung khấu trừ, hoàn thuế VAT của 19.497 hóa đơn, chứng từ sau khi cơ quan thuế đã thực hiện công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp với số tiền 1.500 tỷ đồng…thì không thực hiện hỗ trợ hoàn thuế cho doanh nghiệp này. Lý do vì doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn hoàn thuế không đúng quy định.