Forbes: Bà chủ Vietjet Air là nữ tỷ phú duy nhất ở Đông Nam Á

VietTimes -- Sau những đồn đoán, cuối cùng thông tin bà chủ Vietjet Air là tỷ phú USD đã được loan đi. Đúng 9h sáng ngày 8/3/2017 (giờ Mỹ), phiên bản điện tử của Tạp chí Forbes – tờ báo sở hữu bảng xếp hạng tỷ phú nối tiếng nhất thế giới – đã xuất bản bài viết với nhan đề “Vietnam's Budget Airline Founder Is Southeast Asia's Only Woman Billionaire” (Tạm dịch: Bà chủ hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam là nữ tỷ phú duy nhất ở Đông Nam Á).
Bài viết của Forbes nói rằng bà Thảo sở hữu khối tài sản ròng 1,7 tỷ USD. Nhưng bảng xếp hạng tỷ phú của hãng tin này chưa thấy cập nhật tên của bà chủ Vietjet Air.
Bài viết của Forbes nói rằng bà Thảo sở hữu khối tài sản ròng 1,7 tỷ USD. Nhưng bảng xếp hạng tỷ phú của hãng tin này chưa thấy cập nhật tên của bà chủ Vietjet Air.

Bài viết vào đúng ngày Quốc tế phụ nữ cho hay, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo – người sáng lập Vietjet Air – không chỉ là nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam, mà còn là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Đông Nam Á.

“Thành công của VietJet đã đưa Nguyễn, CEO của hãng, trở thành nữ tỷ phú duy nhất của Đông Nam Á, và là một trong hai tỷ phú USD của Việt Nam. Bà cũng là một trong số 56 nữ doanh nhân được tôn vinh trong danh sách FORBES World’s Billionaires – những người tự thân gây dựng nên tài sản 10 con số – năm vừa rồi; quá nửa trong số đó đến từ châu Á. Nguyễn, 46 tuổi, góp mặt trong danh sách trên, với giá trị tài sản ròng ước tính lúc đó khoảng 1,2 tỷ USD. Đến lúc này, theo tính toán của Forbes, giá trị khối tài sản mà mà bà Thảo đang sở hữu hiện là 1,7 tỷ USD”, bài báo viết.

Khẳng định rõ như vậy nhưng đáng chú ý, khi tiến hành tra cứu trong danh sách tỷ phú (The World's Billionaires) mà Forbes vẫn cập nhật vào 5 giờ chiều (Giờ Đông nước Mỹ) mỗi ngày giao dịch gần nhất, không thấy sự xuất hiện của cái tên “Nguyen Thi Phuong Thao”.

Danh sách tỷ phú cập nhật theo thời gian thực chỉ xuất hiện đúng một người đến từ Việt Nam, là ông Phạm Nhật Vượng.

Tính đến thời điểm VietTimes xuất bản bài viết này, danh sách này chỉ cho thấy sự xuất hiện duy nhất một tỷ phú mang quốc tịch Việt Nam, đó là ông Phạm Nhật Vượng.

Ông Vượng - năm nay 48 tuổi, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản - được xếp thứ 848 trong số những người giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản ròng (net worth) là 2,5 tỷ USD. Trước đó, chốt năm 2016, ông Vượng chỉ đứng thứ 1011 với giá trị tài sản ròng mở mức 1,8 tỷ USD.

Tương tự, danh sách tỷ phú cập nhật theo thời gian thực, với bộ lọc là nữ (women), cũng không cho thấy sự xuất hiện của nhân vật nào đến từ Việt Nam.

Vẫn không thấy có tên bà chủ Vietjet Air trong danh sách các nữ tỷ phú.

Theo tra cứu, thế giới hiện có 5 nữ tỷ phú có giá trị tài sản ròng đạt 1,7 tỷ USD, là các bà: Chen Jinxia (Trung Quốc); Heloise Waislitz (Australia); Charlotte Colket Weber (Hoa Kỳ); Carol Jenkins Barnett (Hoa Kỳ); Ana Lucia de Mattos Barretto Villela (Brazil). Các nữ tỷ phú này lần lượt được xếp hạnh từ 1209 đến 1260 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Trở lại với bài viết của Forbes, dù thông tin về giá trị khối tài sản mà bà Thảo đang nắm giữ nhưng tác giả không đề cập cụ thể đến danh mục tài sản và các kênh đầu tư đã đưa bà Thảo thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của cả khu vực Đông Nam Á. Phần lớn nội dung bài báo đều hướng về Vietjet Air – nơi bà Thảo đóng vai trò sáng lập vào năm 2007, và hiện đang giữ cương vị Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.

CTCP Hàng không VietJet (Vietjet Air) chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp. HCM (HoSE) cách đây ít ngày. Cụ thể là 28/02/2017, với mã chứng khoán VJC. Nên biết, Vietjet Air còn từng nuôi tham vọng đưa VJC đi niêm yết tại một số thị trường chứng khoán quốc tế.

Với quy mô vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, trong khi thị giá cổ phiếu lại vượt hàng chục lần mệnh giá (khoảng 130.000 đồng/cổ phiếu), Vietjet Air hiện đã trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, với khối lượng lớn cổ phiếu VJC đang nắm giữ, cũng lọt nhóm những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nữ CEO sinh năm 1970 không chỉ chi phối trực tiếp VJC dưới hình thức sở hữu cá nhân mà còn gián tiếp sở hữu qua nhiều pháp nhân và cá nhân có liên quan.

Theo Cáo bạch niêm yết của Vietjet Air, tính đến 12/01/2017, cá nhân bà Thảo đang sở hữu 28.256.497 cổ phiếu VJC, tương ứng 9,42% vốn điều lệ và là một trong 3 cổ đông lớn của Hãng, bên cạnh Chính phủ Singapore và Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Nhưng nên hiểu, 69.719.179 cổ phiếu VJC mà Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny sở hữu, bản chất, cũng là của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Bởi đây là pháp nhân mà bà Thảo vừa lập ra vào tháng 11/2016, với vốn điều lệ rất khiêm tốn – chỉ 1 tỷ đồng.

Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny từng do bà Thảo trực tiếp đứng tên Tổng Giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật nhưng sau đó đã được chuyển sang cho ông Đào Duy Tường, một cộng sự cùng tuổi và có nhiều gắn bó với bà Thảo trong công việc, từ thời còn ở CTCP Đầu tư Sóng Việt, cũng như ngân hàng HDBank. Hiện, bà Thảo vẫn trực tiếp đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐTV công ty.

Lưu ý rằng, quy mô sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny tại VJC sẽ còn tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới. Bởi, ngày 05/01/2017, Đại hội đồng cổ đông VJC đã ban hành Nghị quyết mang số hiệu 01 – 17/VJC-ĐHCĐ-NQ, trong đó thông qua phương án phát hành 22.388.060 cổ phần riêng lẻ (tương đương 7,46% số cổ phần đang lưu hành) cho nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Với mức giá phát hành được ấn định trong thương vụ là 84.600 đồng/cổ phiếu, có thể thấy, nhà đầu tư đang thắng lớn, nếu so sánh với diễn biến giá của cổ phiếu VJC trên thị trường.  Có nghĩa, dù có bán đi cả chục triệu cổ phiếu VJC đang gián tiếp sở hữu (nếu có, mà không thuộc diện hạn chế chuyển nhượng), bà Thảo vẫn có thể duy trì tỷ lệ chi phối hiện thời tại Vietjet Air, sau khi số cổ phiếu phát hành mới cho Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny về tài khoản.

Mức độ chi phối VJC của bà Thảo không chỉ dừng lại ở đó. Nhiều cá nhân và pháp nhân khác có liên quan tới bà Thảo duy trì sở hữu với VJC.

Đó là phu quân của bà - ông Nguyễn Thanh Hùng (3.189.332 cổ phần); em trai – ông Nguyễn Cảnh Sơn (533.088 cổ phần); con trai – Nguyễn Phước Hùng Anh Victor (41.158 cổ phần); CTCP Sovico (14.700.000 cổ phần); Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP. HCM (13.413.750 cổ phần). Chưa kể, CTCP Đầu tư Bắc Hà – doanh nghiệp mà vợ chồng bà Phương Thảo – tham gia góp vốn sáng lập, cũng đang nắm giữ 2.892.531 cổ phần VJC.

Tất nhiên, nên hiểu rằng, đó là những thông tin đã được công khai.

Thị giá tăng mạnh nhưng quy mô giao dịch khiêm tốn

Sau khi chính thức lên HoSE, từ mức giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 90.000 đồng, trải qua 8 phiên giao dịch, với 6 phiên tăng - trong đó có 4 phiên tăng trần - và 2 phiên giảm, chốt phiên gần nhất (09/03/2017), thị giá VJC đứng ở 130.600 đồng/cổ phiếu.

VJC đã trở thành một trong những cố phiếu “đắt” nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy diễn biến giá tăng trưởng khá ấn tượng kể từ ngày lên sàn, nhưng thực tế, quy mô giao dịch mỗi phiên của VJC vẫn khá khiêm tốn, nếu so sánh với khối lượng niêm yết lên tới 300 triệu đơn vị của nó.

Trong 8 phiên giao dịch gần nhất, khối lượng thanh khoản của VJC đạt đỉnh điểm vào phiên 03/03 với quy mô 2,75 triệu đơn vị. 6/8 phiên giao dịch mà quy mô khớp lệnh đạt dưới 1 triệu đơn vị. Cá biệt, 2 phiên giao dịch đầu tiên của VJC, khối lượng khớp lệnh chỉ là 12 nghìn hay 99 nghìn đơn vị.

Như đã đã đề cập, tính riêng 6 cổ đông sáng lập và 3 cổ đông lớn đã chiếm đến 50% cổ phần doanh nghiệp. Trong khi, tỷ trọng nắm giữ của các cổ đông nước ngoài (cập nhật đến 12/01/2017) là 24,39%.

Theo quy định tại Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán và quy chế niêm yết của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, khi cổ phiếu của Công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, cổ đông là cá nhân, tổ chức có đại diện sở hữu là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc) và Kế toán trưởng của công ty; cổ đông lớn là người có liên quan với thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc) và Kế toán trưởng của công ty phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 06 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 06 tháng tiếp theo, không tính số cổ phiếu thuộc sở hữu Nhà nước do các cá nhân trên đại diện nắm giữ.

Thống kê cho thấy, có tổng cộng 17 cá nhân, pháp nhân là cổ đông của Vietjet Air thuộc diện hạn chế chuyển nhượng nêu trên, với số lượng cam kết nắm giữ trong vòng 6 tháng kể từ ngày niêm yết là 118.018.411 cổ phiếu. Bao gồm cả số cổ phần VJC mà bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Thanh Hùng, bà Nguyễn Thanh Hà, ông Lưu Đức Khánh, ông Nguyễn Đức Tâm, Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny, CTCP Sovico… đứng tên./.