Tránh động chạm đến câu chuyện nội bộ của đối thủ, đại diện Tổ tư vấn bán và cho thuê máy bay của Vietnam Airlines không đi vào chi tiết việc hạch toán lợi nhuận “buôn máy bay” ở Vietjet Air mà chia sẻ sâu hơn về bản chất của các giao dịch sales and leaseback (SLB) với ngành hàng không, trong cuộc trao đổi với phóng viên bên lề phiên Đại hội cổ đông bất thường diễn ra ngày 20/2/2017.
Vị này khẳng định, lợi nhuận không phải là mục tiêu mà Vietnam Airlines hướng đến trong các giao dịch đặc thù SLB. Bởi, “giá mua bán như thế nào thì giá thuê cũng sẽ tương ứng như thế thôi”.
Theo công bố của Vietjet Air, kết quả các giao dịch SLB đã tạo lợi thế tài chính cho hãng bay này 1.330,5 tỷ đồng trong năm 2016.
Đồng thời cho biết, hoạt động chuyển giao sở hữu và thuê máy bay của Vietjet Air đã tăng trưởng 33,6% so với nãm 2015, do đội tàu của công ty tăng thêm 10 máy bay SLB trong năm 2016.
Trả lời thắc mắc của phóng viên, rằng cũng là nghiệp vụ SLB nhưng tại sao trong khi đối thủ Vietjet Air báo lãi rất lớn từ các thương vụ bán máy bay mà Vietnam Airlines lại ghi nhận con số khiêm tốn hơn nhiều (chênh lệch giá mua - bán chỉ khoảng 1 triệu USD/máy bay), vị lãnh đạo chuyên trách của Vietnam Airlines lý giải: “Điều đó phụ thuộc vào mong muốn và chiến lược của mỗi bên”.
“Nhưng bạn nên hiểu rằng, giá mua bán như thế nào thì giá thuê cũng sẽ tương ứng như thế thôi”, ông lưu ý.
Cụ thể: “Nếu muốn lợi nhuận cao, giá bán máy bay phải cao, nhưng sau đó, chúng ta sẽ phải thuê lại với mức giá cao tương ứng. Do vậy, chúng tôi (Vietnam Airlines - PV) không đặt cái đó (lợi nhuận từ việc bán lại máy bay - PV) làm mục tiêu, mà chỉ xác định rằng, mức giá đặt ra phải đủ trang trải được chi phí. Đồng thời phải tính toán được giá thị trường của tàu bay tại thời điểm bàn giao, phải estimate (ước lượng) được! Như vừa nói, chúng tôi không đặt mục tiêu lợi nhuận cho các giao dịch sales and leaseback”.
Trước đó, trong khuôn khổ đại hội, cổ đông Nguyễn Thanh Thủy (số hiệu 065) đã nêu câu hỏi: Trong quý 4/2016, VNA đã thực hiện bán và thuê lại máy bay, VNA cho biết đã bán cho đối tác nào và lãi lỗ trong giao dịch nói trên?
Trả lời chất vấn nêu trên, ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban tài chính kiêm Kế toán trưởng Tổng công ty, đồng thời cũng là Tổ trưởng Tổ tư vấn bán và cho thuê máy bay cho biết: Hợp đồng SLB 3 tàu bay A350 sẽ được thông tin chi tiết trong BCTC năm 2016 dự kiến phát hành 4/2017.
Thứ nhất, theo quy chế bán và cho thuê lại, sau khi được ĐHĐCĐ thông qua thì tổng công ty tiến hành phương thức đấu thầu, công khai rộng rãi trên phạm vi quốc tế. VNA đã gửi thông tin mới thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức đấu thầu một cách công khai. Kết quả, đã có rất nhiều các đối tác quốc tế, các nhà cho thuê chuyên nghiệp, đứng đầu thị trường tham gia.
Sau 2 vòng tiến hành đấu thầu và lựa chọn, đối tác trúng thầu là Công ty cho thuê tàu bay của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Công ty D.A.E. Đây là tập đoàn hàng đầu của Chính phủ các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đã tham gia chào giá cạnh tranh và đạt được tất cả các điều kiện, với giá cả cạnh tranh nhất. Và chúng tôi đã lựa chọn tập đoàn này.
Nội dung thứ 2, theo quy định, tổng công ty và theo quy chế việc bán và cho thuê lại dựa trên nguyên tắc giá bán phải đảm bảo chi phí đã mua tàu và các chi phí phát sinh liên quan từ khi mua tàu cho đến khi bán như vậy bao gồm cả giá mua tàu bay, chi phí phát sinh khác – ví dụ như lãi vay trong giai đoạn đặt cọc và các chi phí khác phát sinh cho đến ngày giao tàu bay.
“Với nguyên tắc đó và trong quá trình lựa chọn, chúng tôi đã cố định giá để đảm bảo cơ cấu giá thuê phù hợp và chúng tôi có được chênh lệch giá mua và giá bán cỡ khoảng 1 triệu USD/tàu bay. Tính toán phần dự tính giá tàu bay phải đảm bảo độ an toàn và trên thực tế toàn bộ phần chênh lệch đó chúng tôi đã đưa vào trong thu nhập của hợp đồng trong năm 2016 của tổng công ty”, ông Hiền nhấn mạnh.
Theo phân tích của các chuyên gia đến từ CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lợi nhuận mà các hãng hàng không thu được từ sale and leaseback cũng sẽ được cân nhắc vào giá cho thuê. Nói cách khác, lợi nhuận cao thì giá thuê cũng sẽ cao hơn và ngược lại. Như vậy, lợi nhuận được ghi nhận một lần vào lúc mua máy bay có thể nhiều, nhưng phần chi phí thuê hàng tháng sẽ bù trừ đáng kể khoản này theo thời gian.
Cũng theo phân tích này, trong trường hợp hoạt động thuê lại là thuê hoạt động (như của Vietjet), máy bay và các khoản nợ liên quan sẽ không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của hãng hàng không. Công ty vì vậy cũng không ghi nhận khấu hao cho các máy bay này nên có lợi nhuận cao hơn. Đây có thể coi như một cách để làm đẹp sổ sách. Tuy nhiên, lưu ý rằng đến 2019, IFRS quy định các công ty cũng sẽ phải ghi nhận các khoản này vào bảng cân đối giống như thuê tài chính.
Tuy nhiên, cần lưu ý với mô hình SLB, rủi ro giá thị trường của máy bay bị giảm nhanh hơn giá trị sổ sách cũng được chuyển cho bên cho thuê. Điều này là hết sức quan trọng vì trong ngành hàng không, máy bay có khả năng bị lỗi thời và giảm giá rất nhanh khi mà Airbus và Boeing thường xuyên cải tiến và đưa ra mẫu mới.
Theo nhóm phân tích của VDSC, mô hình sale and leaseback sẽ tiềm ẩn 2 điểm bất lợi cho các hãng hàng không. Đó là: (1) Việc tài trợ đội bay bằng hình thức sale and leaseback thường sẽ dẫn đến chi phí thuê cao hơn so với các hình thức khác. Do khoản phí này là cố định, nếu tỉ giá biến động bất lợi thì chi phí còn lớn hơn nữa; (2) Do là đi thuê nên máy bay sẽ phải chịu những giới hạn về mặt hoạt động, chẳng hạn như chỉ được bay và đậu tại những địa điểm nhất định./.