Sáng nay (28/2/2017), cổ phiếu của CTCP Hàng không VietJet (VietJet Air – Mã CK: VJC) đã chính thức lên Sàn Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) Đây là cổ phiếu thứ hai của ngành hàng không lên sàn chứng khoán, trước đó, cổ phiếu của Hãng hàng không Việt Nam (VietNam Airlines) đã chào sàn UPCoM ngày 3/1/2017.
Giá khởi điểm trong ngày chào sàn của VJC là 90.000đ/cổ phần, với biên độ trong ngày đầu tiên là +/-20%. Ngay từ đầu phiên, lực cầu mãnh mẽ đã khiến VJC tăng trần hết biên độ, lệnh ATO lên đến gần 3,5 triệu đơn vị nhưng chốt phiên mở cửa buổi sáng, chỉ có 10 cổ phiếu VJC được giao dịch thành công. Cơ cấu cổ đông cô đặc, NĐT không muốn bán ra cổ phiếu là những nguyên nhân khiến cổ phiếu VJC có tính thanh khoản thấp trong buổi sáng ngày hôm nay. Chốt phiên ngày 28/2, cổ phiếu VJC đóng cửa ở giá 108.000 đồng/cổ phiếu, có 12.030 cổ phiếu được giao dịch trong ngày chào sàn.
Theo cáo bạch công bố trước đó, VietJet có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng với 664 cổ đông (chốt ngày 12/1/2017). Đáng chú ý, 3 cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ là: Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (Hướng Dương Sunny) sở hữu 23,24%, Bà Nguyễn Phương Thảo – Tổng GĐ VietJet sở hữu 9,42% và Quỹ đầu tư GIC (Singapore) sở hữu 5,48%.
Như vậy, với việc sở hữu 100% vốn của Hướng Dương Sunny, bà Thảo đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp sở hữu 32,66% cổ phần VietJet. Tính theo giá đóng cửa VJC ngày 28/2/2017 là 108.000đ/cổ phần, bà Thảo đang có trong tay 10.581 tỷ đồng, là người giàu thứ 3 trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chưa kể số cổ phần VJC mà ông Nguyễn Thanh Hùng (chồng bà Thảo) đang sở hữu 1,05%, Công ty Cổ phần Sovico (Bà thảo giữ chức Chủ tịch HĐQT) sở hữu 4,90% và Ngân hàng Phát triển TP. HCM (Bà Thảo giữ chức Phó Chủ tịch) sở hữu 4,47%.
Được biết, VietJet thành lập ngày 23/07/2007 với mục tiêu thực hiện hoạt động khai thác vận chuyển mô hình hàng không thế hệ mới với chi phí thấp cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của hành khách. Ngày 24/12/2011, VietJet thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên từ Tp. HCM. Đến cuối năm 2012, VietJet Air có 5 máy bay với 10 đường bay nội địa. Cuối năm 2015, VietJet Air đã phát triển đội bay lớn mạnh với 30 máy bay, đạt 37,1 thị phần hàng không Việt Nam. Năm 2016, Vietjet đạt doanh thu 27.532 tỷ đồng, lợi nhuận 2.394 tỷ, EPS đạt 8.762 đồng/cổ phiếu.
Phát biểu trước NĐT, bà Nguyễn Phương Thảo, Tổng Giám đốc VietJet nói: “VJC là cổ phiếu có sức hút với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Niêm yết theo quy chuẩn quốc tế, chúng tôi muốn mang lại những giá trị mới cho cổ đông và thị trường vốn Việt Nam”.
VietJet cho biết, hãng này đặt kế hoạch sẽ tăng doanh thu gấp đôi trong 3 năm tới, đạt gần 57.000 tỷ đồng vào năm 2019 với lợi nhuận sau thuế gần 5.000 tỷ đồng.