|
Bamboo Airways là dự án "để đời" của ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC. Ảnh: Internet. |
Phiên giao dịch 1/4/2022 của CTCP Tập đoàn FLC gây chú ý với tổng khối lượng khớp lệnh tăng đột biến hơn 100 triệu đơn vị, tương đương 14,1% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Lực cầu cực lớn đã đẩy giá cổ phiếu FLC thoát giá sàn và kết phiên 10.085 đồng/CP, giảm 1,4% so với mốc tham chiếu.
Đây là diễn biến tích cực của cổ phiếu FLC sau 5 phiên liền giảm sàn tắt thanh khoản sau thông tin Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc "thao túng thị trường chứng khoán".
Ngay sau phiên giao dịch cuối tuần, tân Chủ tịch FLC Đặng Tất Thắng đã ký văn bản đề nghị UBCKNN kiểm tra lại phiên giao dịch, không loại trừ khả năng huỷ kết quả phiên 1/4, do có dấu hiệu bất thường của việc bị thâu tóm.
Lời đề nghị của người thay thế ông Trịnh Văn Quyết tại FLC khó lòng được chấp thuận, vì việc mua bán khớp lệnh của nhà đầu tư trên sàn là hợp pháp, trừ trường hợp họ trở thành cổ đông lớn, hoặc sở hữu quá 25% mà không công bố thông tin/ chào mua công khai.
Những lo ngại về một thương vụ thâu tóm là có, trong bối cảnh FLC vừa mất người đứng đầu, lãnh đạo sáng lập, và là "thủ lĩnh" cao nhất suốt nhiều năm qua. "Mọi việc đang rất rối bời. Tuy nhiên mọi người đều đang cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để đưa công ty vận hành ổn định", lãnh đạo cấp phòng tại một công ty thành viên của FLC chia sẻ với Nhadautu.vn.
Dù vậy, cần đặt vấn đề là thâu tóm FLC có dễ không. Tính đến tháng 1/2022, ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất, nắm 215,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 30,34% vốn FLC. Dĩ nhiên, tỷ lệ sở hữu thực tế của nhóm ông Quyết còn cao hơn nhiều, nhằm đủ sức chi phối doanh nghiệp và để có dư địa "lái" cổ phiếu một cách hiệu quả nhất.
Tinh ý có thể thấy tỷ lệ cổ phiếu tham dự các ĐHĐCĐ thường niên giai đoạn 2019-2021 ổn định ở mức từ 52-60%, trong đó năm 2019 là 55,57%, năm 2020 là 52,12% và năm 2021 là 60,38%. Cùng với đó, các tờ trình luôn nhận được sự đồng thuận cao, lên tới 97%.
Ở FLC, ngoại trừ một số "kho" cổ phiếu, thì chủ yếu là các nhà đầu tư ngắn hạn, hơn là dài hạn, và họ cũng không quá quan tâm tới các yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Tỷ lệ tham dự các ĐHĐCĐ phần nào phản ánh ảnh hưởng của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết ở phương diện cơ cấu sở hữu.
Việc thâu tóm FLC, bởi vậy sẽ không dễ dàng. Và trong trường hợp có một nhóm nhà đầu tư muốn M&A FLC, cái giá và thời gian có thể sẽ rất dài. Ở một trường hợp khá tương đồng, ông Hà Văn Thắm bị bắt từ giữa năm 2014, nhưng phải 8 năm sau, vào đầu năm 2022, Tập đoàn Đại Dương (mã OGC) mới hoàn tất việc đổi chủ.
Vậy thì đâu là lý do cho phiên giao dịch điên rồ của FLC trong phiên 1/4?
Thực tế, ở phiên sáng 1/4, trong khi FLC và ROS tới cuối giờ sáng lực cầu bắt đầu vào nhiều, quét đáy hàng chục triệu cổ phiếu giá sàn, thì tại các mã khác trong hệ sinh thái FLC như ART, HAI, KLF, AMD, lực cầu đã vào mạnh từ đầu giờ sáng, kéo các mã này thoát giá sàn, đỏ và lên mức trần từ giữa phiên sáng, và chốt phiên dư mua trần hàng triệu đơn vị.
Ngoài FLC, ROS cũng có thanh khoản rất ấn tượng với 88,4 triệu cổ phần, tương đương 15,5% vốn doanh nghiệp. Mã này chốt phiên giảm 2,54% về 6.920 đồng/CP. Vậy phải chăng cũng có một cuộc thâu tóm đối với ROS?!
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển mạnh. Khi dòng tiền vào thị trường tăng cao từ đầu năm ngoái với lớp nhà đầu tư mới liên tục gia nhập.
Trong cơ cấu dòng tiền hiện nay, có một tỷ lệ không hề nhỏ là dòng tiền đầu cơ, mong muốn tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn, T+, có thể thấy rõ qua các con sóng penny, cổ phiếu thua lỗ, các sóng ngành, hay bản thân họ FLC trong năm qua. Hay gần đây hơn, bất cứ mã nào chỉ cần liên quan đến từ khoá Tasco (mã HUT) đều được dòng tiền chú ý và đẩy tăng bằng lần sau chuỗi tăng trần liên tục.
Dòng tiền "điên", như lời cựu Chủ tịch một ngân hàng chia sẻ với Nhadautu.vn, là nguyên nhân khả dĩ nhất giải thích cho phiên giao dịch 1/4.
"FLC có giá trị, là các dự án nghỉ dưỡng, cổ phần trong Bamboo Airways. Khi giá về vùng hấp dẫn cùng những kỳ vọng mới về một FLC hậu Trịnh Văn Quyết, không ít nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền", vị này chia sẻ quan điểm.
Bamboo Airways và hấp lực của FLC
Là doanh nghiệp hoạt động lâu đời trong lĩnh vực bất động sản, FLC gây dựng thương hiệu bởi nhiều công trình lớn như quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái hàng trăm, nghìn ha ở Sầm Sơn, Hạ Long, Quy Nhơn, Quảng Bình...
Tập đoàn tính đến cuối năm 2021 thực hiện nhiều dự án như: Khu nghỉ dưỡng Quảng Bình (chi phí xây dựng dở dang 1.188 tỷ đồng); dự án FLC Premier Park (1.086,8 tỷ đồng); dự án Bình Định – giai đoạn 2 (899,5 tỷ đồng); Hà Khánh giai đoạn 1 – Hạ Long (601,8 tỷ đồng)…
Thị trường bất động sản đang ở giai đoạn phát triển tốt, các dự án nghỉ dưỡng của FLC nếu được triển khai đồng bộ, chuyên nghiệp như cái cách họ đã làm ở Sầm Sơn, Hạ Long, Quy Nhơn, được kỳ vọng sẽ mang về kết quả kinh doanh khả quan cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, sự hấp dẫn của FLC còn đến từ lượng cổ phần lớn trong CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways - BAV). Tới cuối năm 2021, FLC sở hữu 21,7% cổ phần BAV.
Mới thành lập từ năm 2017, nhưng sau 4 năm phát triển, BAV đã nhanh chóng tạo lập được thương hiệu, uy tín, đồng thời chiếm mạnh thị phần của hai ông lớn Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Năm 2021, BAV đứng ở vị thế quán quân về tỷ lệ bay đúng giờ, đạt 96,9%, tỷ lệ chậm chuyến thấp nhất với 3,1%. Trong tháng 2/2022, Bamboo Airways tiếp tục dẫn đầu với 95,7% chuyến bay đúng giờ, tỷ lệ 4,3% chậm chuyến.
Nhờ đó, không ngạc nhiên thị phần Bamboo Airways sau vỏn vẹn 4 năm (tính đến cuối năm 2021) đã đạt đến 20% thị trường hàng không Việt Nam. Nói không quá, sự xuất hiện của Bamboo Airways đã phá vỡ cuộc đua “song mã” bấy lâu nay giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Chưa dừng lại ở đó, Bamboo Airways gây ấn tượng với lợi nhuận năm 2019 và 2020 lần lượt đạt 300 tỷ đồng và 400 tỷ đồng. Còn ở năm 2021, căn cứ BCTC hợp nhất FLC, tập đoàn này chịu khoản lỗ phân bổ 501 tỷ đồng, nghĩa là Bamboo Airways lỗ 2.309 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường hàng không "điêu đứng" vì dịch bệnh, khoản lỗ này không quá tiêu cực, nếu nhìn sang ông lớn đầu ngành Vietnam Airlines lỗ luỹ kế gần 22.000 tỷ đồng trong 2 năm qua.
Dù hoạt động kinh doanh không thuận lợi, song thị trường chứng khoán vẫn đánh giá cao cổ phiếu hàng không nhờ tiềm năng và triển vọng phục hồi “hậu” COVID-19. Có thể thấy, vốn hóa Vietnam Airlines và Vietjet Air hiện đều đạt mức lần lượt là 2,4 tỷ USD và 3,2 tỷ USD.
Nhìn vào cơ cấu thị phần cùng nền tảng, uy tín đã gây dựng được, có lẽ không khó để đưa ra mức định giá tương đối của BAV. Tỷ lệ sở hữu của FLC trong BAV, dù không còn chi phối, song cũng có giá trị rất đáng kể.
Nhiều ông lớn "nhắm" BAV?
Với nền kinh tế 100 triệu dân đang tăng trưởng nhanh, thu nhập đầu người tăng ổn định, thị trường hàng không Việt Nam luôn rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Sovico Group với Vietjet Air đang chiếm lĩnh khoảng 32% thị phần Việt Nam với phân khúc giá rẻ, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn và IPPG hiện đang xin cấp phép IPP Air Cargo, SunGroup thành lập Sun Air, Vietravel đã cho ra mắt Vietravel Airlines, Thiên Minh Group đang vận động dự án Kite Air, trước đây, VinGroup cũng từng phát triển dự án Vinpearl Air. Trở về giai đoạn 2016, nhóm chủ Techcombank cũng từng rất kỳ vọng với dự án hàng không Sky Việt.
Cùng với đó, loạt tập đoàn lớn đang đầu tư mạnh vào hạ tầng hàng không như Sungroup với sân bay Vân Đồn, Sapa, T&T Group ở sân bay Quảng Trị, IPPG ở sân bay Phú Quốc...
Hiện rất khó để xin cấp giấy phép bay thương mại, chưa nói đến phát triển một thương hiệu lớn như Bamboo Airways. Việc thâu tóm hãng bay này sẽ đưa bất cứ một cái tên nào trên đây có chỗ đứng trong thị trường hàng không Việt một cách nhanh nhất, hay ở trường hợp như Vietjet Air là còn chiếm lĩnh thị trường, với cả hai phân khúc phổ thông và giá rẻ.
Đáng chú ý, hàng trăm triệu cổ phiếu BAV đang được vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết thế chấp tại các ngân hàng NCB, OCB và Sacombank.
Trong trường hợp cựu Chủ tịch FLC không thể thanh toán nợ, số phận các lô cổ phần nêu trên sẽ là một chủ đề thu hút sự chú ý đặc biệt.
Theo Nhà đầu tư