|
Phối cảnh quần thể du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái và vui trơi giải trí FLC Nghệ An/ Ảnh: flc.vn |
Tuyên bố "rót" hàng trăm nghìn tỷ đồng vào BĐS du lịch, nghỉ dưỡng
Trong ít năm, FLC đã nổi lên như là nhà đầu tư hàng đầu trên thị trường địa ốc Việt Nam, đặt biệt là trong phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Theo tuyên bố tại website của tập đoàn này (flc.vn), FLC đã và sẽ rót một lượng vốn khổng lồ vào các dự án dạng này.
Nhẩm qua quy mô mà tập đoàn trên đã và dự kiến rót vào các dự án nổi bật, con số đã lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng - nghĩa là gấp nhiều lần quy mô tổng tài sản hiện có và hàng chục lần vốn tự có lúc này của CTCP Tập đoàn FLC - doanh nghiệp hạt nhân và đứng đầu trong hệ sinh thái doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết.
Thực ra điều này cũng không có gì bất thường, bởi lẽ, quy mô đầu tư mà FLC công bố cho mỗi dự án thường thể hiện con số cam kết hay khái toán cho tổng thể dự án - gồm nhiều giai đoạn đầu tư, với nhiều hạng mục và trải dài qua nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm.
|
Phối cảnh khách sạn FLC Luxury Hotel Samson/ Ảnh: flc.vn
|
Trong các quần thể du lịch nghỉ dưỡng họ FLC, không thể không kể đến Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn - dự án tiên phong, tạo lập nên danh tiếng và vị thế cho FLC trong ngành. Theo flc.vn, tổng quy mô đầu tư của FLC vào dự án có diện tích khoảng 200ha này dự kiến lên tới 12.088 tỷ đồng.
Dự án được đầu tư Sân golf 18 lỗ dạng links; Khu nghỉ dưỡng 5 sao cao cấp FLC Luxury Resort Samson; Bể bơi nước mặn lớn nhất VN (5100m2); Khách sạn 5 sao FLC Luxury Hotel Samson; Khách sạn 5 sao FLC Grand Hotel Sầm Sơn; Trung tâm hội nghị quốc tế 1.300 chỗ.
Tại tỉnh Quảng Ninh, FLC tuyên bố đầu tư 10.000 tỷ đồng vào Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hạ Long, diện tích khoảng 157 ha, để xây dựng Sân golf 18 lỗ; Trung tâm hội nghị; Khu biệt thự, Khách sạn;... Bên cạnh đó, FLC cũng dự kiến đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng vào Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Ngọc Vừng, Vân Đồn. Dự án với quy mô 1.500 ha này sẽ bao gồm các hạng mục đầu tư như Khu nghỉ dưỡng resort, Khách sạn 5 sao, Trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf.
Tại quê nhà của ông Quyết - tỉnh Vĩnh Phúc, FLC thông tin rằng sẽ dành khoảng 22.000 tỷ đồng đầu tư vào Khu tổ hợp thể thao và giải trí công cộng đa chức năng FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc, rộng 250 ha. Dự án bao gồm Khu biệt thự nghỉ dưỡng; Khách sạn đạt chuẩn 5 sao quốc tế; Học viện golf; Khu tâm linh; Khu công viên giải trí.
Tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, FLC đầu tư 8.000 tỷ đồng vào Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí FLC Nghệ An 460 ha.
|
Một góc quần thể du lịch, nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn. (Ảnh: FLC)
|
Tại Bình Định Tập đoàn này cũng đầu tư 02 dự án bao gồm: Quần thể du lịch nghỉ dướng FLC Quy Nhơn, Bình Định, tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, với diện tích khoảng 1.300 ha, tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) 20.000 tỷ đồng; Và Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái FLC Cù Lao Xanh,với tổng diện tích 120 ha, tổng mức đầu tư 480 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, FLC cũng tuyên bố đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng vào dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình, quy mô gần 1.900 ha. Đây là quần thể khách sạn, resort, sân golf, biệt thự, nhà phố thương mại cao cấp, được ví như ốc đảo xanh thanh bình giữa lòng dải đất miền Trung.
Tại Quảng Ngãi, FLC tuyên bố đầu tư đến 40.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1 của dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí FLC Quảng Ngãi diện tích 3.800 ha.
Đó mới là những thông tin được FLC công khai trên website của doanh nghiệp này. Ngoài ra, bằng nhiều kênh, FLC cũng trực tiếp và gián tiếp tuyên bố về những dự án tham vọng khác. Có thể kể đến như Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Thái Nguyên, diện tích khoảng 1.500 ha, với vốn đầu tư dự kiến khoảng 14.800 tỷ đồng mà doanh nghiệp này đang triển khai.
Với các dự án và quy mô đầu tư dự kiến triển khai, không quá lời nếu đánh giá FLC hay rộng hơn là hệ sinh thái FLC chính là nhà đầu tư số 1 trong lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trên thị trường địa ốc Việt Nam. Dĩ nhiên đó mới chỉ là đánh giá dựa trên các cam kết và tuyên bố đầu tư - vốn còn khoảng cách khá xa với quy mô đầu tư trên thực tế của tập đoàn này.
Thông tin từ báo cáo thường niên gần nhất của FLC ghi nhận, năm 2017 là năm ghi nhận thành công lớn của tập đoàn trong hoạt động kinh doanh, với các loại hình đầu tư bất động sản đa dạng bao gồm: các quần thể khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khu công nghiệp.
Tính đến hết tháng 12/2017, FLC đã triển khai nhiều dự án bất động sản trên 8 tỉnh thành của cả nước bao gồm: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định, với diện tích quỹ đất lên tới 7.300 hecta và hơn 40km bờ biển, cung cấp ra thị trường hơn 2000 căn hộ thương mại, 1800 căn biệt thự và nhà phố, 2800 căn hộ khách sạn.
Riêng lĩnh vực kinh doanh khai thác dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch, sân golf và các dịch vụ khác vẫn tiếp tục tăng trưởng đều đặn qua các năm. FLC hiện sở hữu và vận hành khai thác 02 quần thể sân golf và khu nghỉ dưỡng lớn tại Sầm Sơn và Quy Nhơn. Tổng doanh thu từ kinh doanh khai thác, cung cấp dịch vụ trong năm 2017 đạt mức 517 tỷ đồng.
|
Bamboo Airways - mảnh ghép mới nhất và mang tính chiến lược cho hệ sinh thái đầy tham vọng của ông chủ FLC Trịnh Văn Quyết. (Ảnh: FLC)
|
Định vị, khẳng định và tích lũy tư bản từ lĩnh vực lõi - bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng - FLC đang không ngừng hoàn thiện hệ sinh thái, hướng đến là một doanh nghiệp đa ngành, có tính chất tương hỗ với hàng trăm tổ chức, đơn vị và công ty thành viên, trải rộng trên các lĩnh vực: tài chính, xây dựng, nông nghiệp,... và mới đây nhất là cả y tế và hàng không.
Trong đó, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt, đơn vị sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways mà FLC đã quyết liệt thành lập và đưa vào khai thác cách đây ít lâu có thể xem như một ví dụ tiêu biểu cho tham vọng mới của hệ sinh thái đầu tư mà ông Trịnh Văn Quyết đang gây dựng.
Tất nhiên là cần phải chờ thêm một khoảng thời gian đáng kể để có thể đánh giá hiệu quả thực sự của thương vụ Bamboo Airways - bởi hàng không là một lĩnh vực thâm dụng vốn, thường trực rủi ro và biên lợi nhuận cũng rất hạn chế. Nhưng nếu ông Quyết và các cộng sự tích hợp được các lợi thế từ Bamboo Airways với hệ sinh thái điểm đến của mình (chính là các quần thể du lịch nghỉ dưỡng) thì sức trồi hệ thống của FLC là rất ấn tượng.
Nhưng muốn phát triển hơn nữa và hiện thực hóa trận đồ kinh doanh của mình, FLC phải giải quyết được bài toán nguồn lực tài chính - vấn đề muôn thuở với các nhà doanh nghiệp, nhất là các siêu doanh nghiệp cỡ FLC.
Thực lực FLC
Báo cáo tài chính hợp nhất tự lập của CTCP Tập đoàn FLC ghi nhận, chốt tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của tập đoàn đạt 25.855 tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm đầu năm (22.795 tỷ đồng), bao gồm 15.298 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 10.881 tỷ đồng tài sản dài hạn.
Tuy vậy, áp lực thanh toán với FLC cũng khá căng khi nợ ngắn hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ phải trả (13.457 tỷ đồng, chiếm 80%).
Với quy mô vốn chủ sở hữu ghi nhận ở 8.955 tỷ đồng và nợ phải trả đạt 16.910 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/trên vốn chủ sở hữu của FLC hiện đạt khoảng 1,9 lần - một tỷ lệ, nếu nhìn qua, là tương đối "đẹp" đối với một doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực địa ốc như FLC.
Có một đặc thù trong cơ cấu tài chính của FLC mà các nhà đầu tư vẫn dành sự quan tâm bấy lâu, đó là quy mô nợ ngân hàng hay nợ tài chính của doanh nghiệp này thường duy trì một tỷ lệ tương đối hạn chế trong cơ cấu nợ phải trả.
Theo đó, tính đến cuối năm 2018, giá trị vay và nợ thu tài chính ngắn hạn của FLC là 1.675 tỷ đồng; Giá trị vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 3.439 tỷ đồng. Có nghĩa tổng vay và nợ thuê tài chính - cả dài hạn và cả ngắn hạn - của FLC chỉ là khoảng 5.114 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với quy mô vốn chủ sở hữu và chiếm 30% tổng nợ phải trả và chưa đầy 20% tổng tài sản.
Dù có không ít ý kiến về chất lượng tài sản và các số liệu tài chính mà FLC đã công bố, song có thể thấy, quy mô tài sản của FLC hiện thời là tương đối khiêm tốn so với tổng quy mô các dự án mà FLC đã cam kết và tuyên bố đầu tư, thậm chí là so với riêng một dự án tiêu biểu.
Dĩ nhiên, như đã đề cập, các dự án đầu tư mà FLC tham gia và tuyên bố tham gia luôn được phân kỳ thành nhiều giai đoạn, tương ứng với chiến lược và tiềm lực từng thời kỳ của tập đoàn. Chưa kể, với đặc thù của từng dự án, CTCP Tập đoàn FLC cũng chỉ là một trong số rất nhiều pháp nhân thực hiện đầu tư, với nghĩa vụ tài chính và nghĩa vụ đầu tư được phân phối tương xứng.
Có thể tổng giá trị các dự án của FLC còn xa mới đạt đến quy mô 9 tỷ USD mà UniCap đã từng định giá vào năm 2017 nhưng nhìn lại con đường phát triển của FLC chỉ trong ít năm trở lại đây và những gì mà tập đoàn này đã làm được, có được thì có lẽ chẳng quá lời khi nói, nỗ lực của ông Trịnh Văn Quyết và cá đồng sự đã là rất "thần kỳ"!