|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Kể từ khi App Store ra mắt vào năm 2008, rất nhiều người có thể tự phát triển ứng dụng và bán lại cho những người dùng khác để kiếm lợi nhuận. Đó cũng là một trong những thời điểm đặc biệt mà hệ sinh thái iOS được hình thành và giúp cho iPhone trở nên thành công như ngày hôm nay.
Chỉ sau vài năm, đã có hàng triệu ứng dụng được tạo ra để đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của người sử dụng. Tất nhiên chúng ta sẽ không thể nào sử dụng hết tất cả các ứng dụng đó. Nhưng có một xu hướng mới đang làm thay đổi hệ sinh thái iOS cũng như Android, đó là một ứng dụng cho tất cả.
Một ứng dụng cho tất cả
Đây không phải là một khái niệm quá mới mẻ, mà về cơ bản đó chỉ là một ứng dụng có thể tích hợp được rất nhiều tính năng và thay thế cho hầu hết các ứng dụng khác. Ví dụ như ở Nhật Bản, rất nhiều người đang sử dụng ứng dụng Line.
Đây là một ứng dụng nhắn tin giống với Messenger, tuy nhiên nó đã được tích hợp thêm nhiều tính năng khác như mạng xã hội, blog cá nhân, game, tính năng thanh toán và mua sắm trực tuyến.
Wechat cũng là một ứng dụng cho tất cả, thậm chí là được tích hợp nhiều tính năng hơn cả Line. Với Wechat, người dùng có thể thanh toán tiền điện, đặt bàn tại nhà hàng, tìm kiếm thông tin…
Tuy nhiên các ứng dụng này vẫn đang bị giới hạn về tính năng cũng như vị trí địa lý. Trong khi đó, Facebook đã tạo ra nền tảng Messenger cũng với khái niệm tương tự. Đó là một ứng dụng cho tất cả và cho tất cả mọi người trên thế giới.
Tham vọng của Facebook chính là tích hợp càng nhiều tính năng trong ứng dụng Messenger càng tốt, để chỉ cần với một ứng dụng duy nhất này bạn có thể làm tất cả mọi việc. Khi đó, chiếc smartphone của bạn có thể sẽ chỉ cần cài đặt một ứng dụng duy nhất.
Và khi người sử dụng càng ở lâu bên trong nền tảng Messenger, Facebook càng có thể kiếm được nhiều tiền từ quảng cáo. Mạng xã hội này cũng có thể thu thập được nhiều dữ liệu người dùng hơn, ví dụ như thói quen ăn uống hay mua sắm của bạn, để tiếp tục cải thiện hệ thống quảng cáo của mình trở nên hiệu quả hơn.
Facebook Messenger sẽ thay thế tất cả ứng dụng?
Facebook Messenger có thể tốn tới hơn 164 MB trong bộ nhớ của thiết bị, và nó ngày càng chiếm nhiều dung lượng hơn sau mỗi bản nâng cấp. Bởi Facebook đang tiếp tục tích hợp thêm các tính năng mới cho ứng dụng chat này, để nó không còn là một ứng dụng chat đơn thuần nữa.
Thậm chí Facebook còn khuyến khích các nhà phát triển của bên thứ 3 tạo ra những tính năng, những ứng dụng mới cho nền tảng Messenger của mình. Cũng giống như Apple phát triển ứng dụng cho App Store hay Google phát triển kho ứng dụng Play Store.
Mặc dù Messenger không phải là một hệ điều hành riêng biệt, nhưng nền tảng mới của Facebook này đang có tham vọng thay thế cả iOS lẫn Android. Tất nhiên Messenger sẽ vẫn phải chạy trên một trong các hệ điều hành này, nhưng người dùng sẽ không cần tải ứng dụng từ App Store hay Play Store nữa. Tất cả những gì người dùng cần sẽ đều có trong Messenger.
Nó giống như một loài ký sinh, nhưng lại cạnh tranh và dần giết chết vật chủ của chính mình. Mới đây, Facebook đã giới thiệu tính năng Instant Games cho phép chơi game ngay trong Messenger trên nền tảng HTML5. Điều đó càng chứng tỏ tham vọng của Facebook.
Sẽ không còn smartphone iOS hay Android?
Nếu như Facebook thực hiện được tham vọng của mình, chúng ta sẽ không còn sự phân biệt giữa smartphone iOS hay Android nữa. Lúc đó sẽ chỉ có một nền tảng duy nhất là Messenger của Facebook.
Điều đó có thể giúp tất cả mọi người kết nối với nhau, tuy nhiên viễn cảnh đó chắc chắn không phải một điều tốt. Bởi khi đó, sẽ mất đi sự cạnh tranh giữa các nền tảng và cũng mất đi bản sắc riêng của từng hệ điều hành.
Nếu như Apple và Google không kiếm được lợi nhuận từ việc bán ứng dụng trên App Store hay Play Store nữa, có thể họ sẽ tăng giá các sản phẩm phần cứng của mình. Điều đó sẽ khiến người tiêu dùng cảm thấy không thoải mái.
Một khi đã giết chết chính vật chủ của mình, liệu rằng Messenger có thể tiếp tục sống sót hay sẽ tách riêng để trở thành một hệ điều hành thực sự? Đó đều chỉ là những viễn cảnh mà chúng ta có thể tưởng tượng ra trong tương lai, còn trên thực tế để đánh bại được iOS hay Android không phải điều đơn giản.
Theo Tri thức trẻ