Sự tham gia của cộng đồng
CEO Facebook, Mark Zuckerberg cho biết nội dung tin tức xuất hiện trên News Feed sẽ giảm từ 5% xuống còn 4%. Động thái này là nỗ lực của Facebook nhằm dập tắt sự lây lan của những tin tức và thông điệp tuyên truyền giả mạo trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
Đặc biệt, Facebook sẽ thực hiện một thay đổi chưa từng có dựa vào chính người dùng – với lượng tài khoản hoạt động thường xuyên lên tới 2 tỷ - để phân loại đâu là nguồn thông tin đáng tin cậy.
Trong tuyên bố mới nhất của CEO Facebook, Mark Zuckerberg, mạng xã hội này sẽ sớm đưa vào sử dụng hệ thống chấm điểm độ tin cậy các nguồn tin trên News Feed của khách hàng.
Như vậy, Facebook sẽ trao cho chính khách hàng quyền thanh lọc nội dung tồn tại trên mạng xã hội vốn đang lan truyền nhiều thông tin giả mạo, sai sự thật hiện nay. Bên cạnh đó, mạng xã hội Facebook sẽ duy trì đội ngũ chuyên gia đánh giá mức độ tin cậy của tin tức.
Ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg chia sẻ: “Có một bài toán rất khó mà chúng tôi vẫn đang nỗ lực tìm hướng giải quyết, đó là xác định liệu nguồn tin tức nào đáng tin cậy và có sức ảnh hưởng trong một thế giới đang chia rẽ hiện nay. Facebook có thể tự thực hiện điều đó nhưng chắc chắn sẽ chẳng hề thấy thoải mái. Chúng tôi đã cân nhắc tới việc hỏi ý kiến các chuyên gia nhưng việc đó cũng chẳng thể giải quyết được những vấn đề mang tính khách quan. Nhưng chúng tôi có thể nhờ tới chính các bạn, những người dùng Facebook. Bởi vậy, chúng tôi đã đi đến quyết định: cộng đồng sẽ tham gia phân loại đâu là nguồn tin đáng tin cậy bởi họ luôn là những người khách quan nhất”.
Mạng xã hội Facebook sẽ hỏi người dùng về việc họ có biết tới một nguồn tin cụ thể hay không. Nói cách khác, một tổ chức hoặc đơn vị truyền thông chỉ được xếp hạng uy tín khi lượng có số lượng người dùng Facebook đánh giá cao.
Bước đi mạo hiểm
Bước đi lần này của ông chủ Facebook được đánh giá khá mạo hiểm khi Mark Zuckerberg đặt hết niềm tin vào khả năng đánh giá nguồn tin của cộng đồng Facebook.
Tuy nhiên, nhìn lại những vụ lừa đảo hay nạn tin giả tràn lan như thời điểm này, việc Facebook trao quyền đánh giá tin tức giả mạo cũng là một cách xử lý hợp lý nhằm giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Chức năng mới của Facebook sẽ không ảnh hưởng tới lượng thông tin hiển thị trên tài khoản của người dùng. Mặt khác, chính nhờ chức năng mà người dùng sẽ cân bằng nguồn tin dựa vào những đánh giá độ tin cậy từ người dùng khác.
Dự kiến, chức năng đánh giá của Facebook sẽ xuất hiện vào tuần tới, đồng thời giúp người dùng tiếp cận với nguồn thông tin sạch hơn. Đây được xem như nỗ lực của Facebook lấy lại uy tín khi tình trạng lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Động thái thái trên của Facebook xuất hiện không lâu sau khi ông chủ Mark Zuckenburg quyết định sẽ thực hiện một cuộc cách mạng chưa từng có.
Trong một diễn biến khác của cuộc chiến chống tin giả, mạng xã hội Twitter cho biết họ gửi cảnh báo cho 677.775 người dùng ở Mỹ, những người đã đăng tải lại, thích hoặc theo dõi các tài khoản ảo của Nga liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2016.
Theo ICTNews