|
Ngày 01/04/2016, Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM đã chính thức ban hành Quyết định số 139/QĐ-SGDHCM về việc đưa cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam – Eximbank vào diện cảnh báo.
Theo đó, sau khi điều chỉnh hồi tố, lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2014 của EIB là -834,56 tỷ đồng. Và lợi nhuận chưa phân phối tại 31/12/2015 là -817,47 tỷ đồng.
Điểm c Khoản 1.1 Điều 15 Quy chế Niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh quy định rằng một cổ phiếu giao dịch trên sàn này sẽ rơi vào diện cảnh báo khi: “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán năm của công ty là số âm (lỗ lũy kế)”.
Hay đồng nghĩa rằng, nếu báo cáo tài chính 2014 của Eximbank được kiểm toán chính xác và cho ra những kết quả hợp lý ngay từ đầu thì cổ phiếu EIB lẽ ra đã phải rơi vào diện cảnh báo từ cách đây 1 năm chứ không phải là đợi đến bây giờ (theo quyết định 139 là từ ngày 08/04/2016).
Tuy nhiên, như đã biết, theo báo cáo cũ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2014 của Eximbank là 114,01 tỷ đồng.
Trong Báo cáo kiểm toán, chi nhánh Công ty TNHH KPMG tại Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2015 của Eximbank, nhấn mạnh: “Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn cho năm kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 2014, trước những điều chỉnh được trình bày trong Thuyết minh số 41 của báo cáo tài chính hợp nhất, được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán khác và công ty kiểm toán này đã đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính này trong báo cáo kiểm toán ngày 25 tháng 3 năm 2015”.
"Công ty kiểm toán khác" mà KPMG nhắc tới, đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2014 của EIB - báo cáo có nhiều số liệu chưa hợp lý, vừa phải điều chỉnh hồi tố - là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.
Tại báo cáo kiểm toán phát hành ngày 25/03/2015, kiểm toán viên của Ernst & Young đã tự tin khẳng định: “Theo ý kiến của chúng tôi, báo cáo tài chính hợp nhất đã phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính hợp nhất của Ngân hàng và công ty con tại ngày 31 tháng 12 năm 2014, cũng như kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất và tình hình lưu chuyển tiền tệ hợp nhất cho năm tài chính kết thúc cùng ngày, phù hợp với Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, Hệ thống Kế toán các Tổ chức Tín dụng Việt Nam, các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các quy định pháp lý có liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất”.
Nên biết, không chỉ là báo cáo tài chính năm 2014, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, còn là đơn vị kiểm toán các báo cáo tài chính năm của EIB, suốt giai đoạn “cực thịnh” của ngân hàng này, từ 2010 – 2013.
Đáng nói hơn, giai đoạn 2010 – 2014 cũng chính là khoảng thời gian diễn ra nhiều thương vụ kinh doanh đã được hạch toán không đúng quy định giữa Eximbank và CTCP Bất động sản E Xim (Eximland – một công ty do Eximbank góp vốn sáng lập).
Theo Kết luận thanh tra do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành này 19 tháng 10 năm 2015, Eximbank đã bán một số tài sản cố định là bất động sản cho Eximland trong thời gian từ 2010 đến năm 2013 và đã ghi nhận các khoản lợi nhuận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của các năm này (2010: 179.844 triệu VND; 2011: 363.364 triệu VND; 2012: 477.455 triệu VND và 2013: 95,996 triệu VND).
Sau đó, Eximbank đã mua lại các tài sản này từ Eximland trong thời gian từ 2011 đến 2015.
Cũng theo Kết luận thanh tra trên, Eximbank đã ghi giảm thu nhập do bán các tài sản không đúng quy định và ghi giảm các chi phí liên quan để khôi phục giá trị tài sản về giá trị ban đầu. Chính các thương vụ “nội bộ” này đã “vống” lợi nhuận chưa phân phối của Eximbank từ mức -834,56 tỷ đồng lên thành +114,01 tỷ đồng.
Với Eximbank, vai trò của đơn vị kiểm toán đã rõ trong việc công nhận các số liệu "trên trời" mà ngân hàng này đã "vẽ" hàng năm. Nhưng còn tại các ngân hàng, hay tổ chức khác thì sao?
VietTimes sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này trong thời gian tới.
Ninh Giang – Quốc Dũng